Tỷ giá có thể tăng thêm 1%
Sau khi sóng tỷ giá bị gãy, giá USD đã trượt dốc khá mạnh và NHNN đã neo tỷ giá bằng cách nâng giá mua vào USD. Trước động thái này, nhiều dự báo cho rằng từ nay đến cuối năm tỷ giá sẽ còn tăng thêm khoảng 1% nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Cắt sóng tỷ giá
Tỷ giá USD được giữ ổn định trong 4 tháng đầu năm, nhưng bước sang tháng 5, thị trường biến động theo hướng tăng mạnh và cơn sóng tăng nhiệt tỷ giá kéo dài đến hết tháng 6. Căng thẳng tỷ giá lên đến đỉnh điểm trong 2 tuần đầu của tháng 7 do cuối tháng 6 NHNN công bố tăng tỷ giá giao dịch bình quân liên NH thêm 1%.
Thời điểm này, có lúc giá USD trên thị trường tự do đạt đỉnh 22.000 đồng, chênh lệch giá mua và bán lên đến 600 đồng và giá USD niêm yết tại các NHTM cũng tăng kịch trần. Theo nhiều NHTM, do NHNN không bán ra USD nên nguồn cung USD của NH phụ thuộc doanh nghiệp xuất khẩu.
Nhưng tại hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm của ngành, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết ngoài yếu tố tâm lý, áp lực cầu ngoại tệ xuất hiện khi nhập siêu tăng trở lại, nguyên nhân tạo sóng tỷ giá chủ yếu do các NHTM tạo ra chứ không phải do thị trường.
Trước đó, một số thông tin cũng cho rằng do dự báo NHNN sẽ điều chỉnh lãi suất, tín dụng NH gần như tắc nghẽn, một số NHTM thừa tiền muốn cải thiện trạng thái thông qua trao đổi mua bán đã tăng cường thu mua USD, hạn chế bán ra hoặc bán ra kèm theo các mức phí để lách biên độ giao dịch tỷ giá.
Theo chia sẻ của tổng giám đốc một NHTMCP, việc các NHTM tạo sóng tỷ giá trong cuối tháng 6 và nửa đầu tháng 7 là có thật do dư thừa thanh khoản, không cho vay ra được. Trong khi đó, tỷ giá lại tăng 1%, lãi suất được điều chỉnh và nhu cầu USD của thị trường nóng lên theo nhu cầu nhập khẩu vàng lậu.
Cùng lúc giá vàng sau ngày 30-6 cũng đẩy giá USD tăng, bởi các NHTM báo cáo đã đóng xong trạng thái vàng nhưng thực tế vẫn chưa tất toán hết. Do vậy, các NHTM liên tục tham gia các phiên đấu thầu vàng sau ngày 30-6 với giá mua cao hơn giá thị trường. Nhiều NHTM không mua đủ vàng từ NHNN đã tìm đến nguồn cung vàng từ thị trường.
Luôn song hành với giá vàng, nên vàng tăng tỷ giá cũng tăng theo. Trước tình hình này, sau cuộc họp với 14 NHTM vào ngày 11-7, NHNN đã bán USD ra để can thiệp và toàn hệ thống cũng thực hiện bán ròng tạo cung cho thị trường. Động thái này đã nhanh chóng giúp ổn định thị trường ngoại tệ sau 2 tuần cuối tháng 7, doanh số mua bán USD trong hệ thống NH đã cải thiện rõ rệt. Sau khi sóng tỷ giá bị gãy, bước sang đầu tháng 8, giá USD lại bắt đầu diễn biến theo xu hướng giảm dần.
Ngày 7-8 là thời điểm giá USD niêm yết mua bán tại các NH giảm mạnh còn 21.040-21.120 đồng/USD, trên thị trường tự do cũng về mức 21.240-21.280 đồng/USD. Với sự sụt giảm tỷ giá nhanh chóng như vậy, một số chuyên gia cho rằng có thể đang có một số NHTM gánh hậu quả do việc chuyển đổi tiền đồng sang USD để tạo sóng trong thời điểm giá USD lên cao.
Điều chỉnh linh hoạt
Sự sụt giảm tỷ giá kéo dài hơn 3 tuần liên tục từ giữa tháng 7 đã dấy lên nhiều dự đoán NHNN sẽ chọn thời điểm để can thiệp. Và đúng như vậy khi ngày 7-8 NHNN bất ngờ nâng giá mua vào USD thêm 274 đồng, lên 21.100 đồng/USD.
Đây là lần tăng giá mạnh thứ 3 trong vòng 2 năm qua. Động thái tăng giá USD mua vào của NHNN nhắm đến 2 mục tiêu. Một là, nguồn cung đang dồi dào, NHNN mua vào để bù đắp lượng ngoại tệ đã bán ra can thiệp thị trường và nhập khẩu vàng đấu thầu.
Hai là, NHNN hướng đến việc chặn đà giảm của tỷ giá nhằm cân bằng cán cân thương mại, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, sau khi NHNN tăng giá mua vào, giá USD trên thị trường lập tức ổn định trở lại. Ngày 14-8 VCB niêm yết giá mua vào bán ra tăng nhẹ, đạt mức 21.075-21.125 đồng/USD, đồng thời giá USD trên thị trường tự do đã giảm về mức 21.170-21.200 đồng/USD, thu hẹp khoảng cách so với giá niêm yết của các NHTM.
Nhận định về diễn biến tỷ giá từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng chính sách điều hành tỷ giá cần phải xem xét sao cho phù hợp với các ngành xuất khẩu nông nghiệp và những sản phẩm được nội địa hóa cao đang gặp bất lợi về tỷ giá.
Tỷ giá cả năm có thể tăng ở mức dưới 3%, vừa rồi NHNN đã tăng 1%, nên từ nay đến cuối năm tỷ giá có thể sẽ tăng thêm 1% hoặc hơn một chút, sẽ đạt mức có thể chấp nhận được và NHNN hoàn toàn có đủ năng lực để điều hành ở mức như vậy.
Về mức tăng tỷ giá cuối năm, HSBC cũng dự báo vào khoảng 21.800 đồng. Và nếu các biện pháp ổn định thị trường không có tác động nhiều sẽ có một đợt giảm giá nhẹ của tiền đồng so với USD vào quý III này. Vì thế, từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố giữ tỷ giá ổn định, như kiều hối tăng, vốn giải ngân FDI cao hơn năm 2012, lạm phát không cao nên tỷ giá có thể tăng nhẹ trong khoảng 21.300-21.500 đồng.
Còn theo Dragon Capital, từ năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam luôn vượt trội so với các nước láng giềng và tăng 16,1% kể từ đầu năm là con số rất ấn tượng. Dragon Capital kỳ vọng Việt Nam sẽ có thặng dư cán cân vãng lai khoảng 5 tỷ USD trong năm 2013, theo đó trong nửa cuối năm 2013, tiền đồng cũng như tỷ giá cũng sẽ được giữ ổn định.
Yên Lam
sài gòn đầu tư tài chính
|