Trong ngắn hạn, khó có đột phá cổ phiếu ngân hàng
Nền kinh tế của Việt Nam đã cho thấy những dấu hiệu tích cực: lạm phát đang trong mức kiểm soát; lãi suất đã giảm và tỷ giá tiền đồng đã được ổn định với sự giám sát chặt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Hơn nữa, NHNN đang rất tích cực cải tổ hệ thống ngân hàng (NH) và thực hiện nhiều biện pháp để khôi phục niềm tin vào thị trường bất động sản cùng với việc cho vay ưu đãi để thúc đẩy tăng trưởng các ngành. Do đó, nhiều NH có lý do để tin tưởng điều kiện kinh doanh được cải thiện trong nửa cuối năm 2013.
Còn về vấn đề tăng trưởng tín dụng, theo Khảo sát ngành NH năm 2013 của KPMG, trong năm 2012, NHNN đã chia các NH trong nước thành 4 nhóm và áp mức trần tăng trưởng tín dụng (17%,15%, 8% và 0%) đối với các NH trong mỗi nhóm.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng thực tế của toàn ngành NH trong năm 2012 là 8,91% và mức tăng này có sự chênh lệch lớn giữa các NH. Trong năm 2013, NHNN một lần nữa đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho mỗi NH.
Có thông tin cho rằng có ba nhóm mục tiêu tăng trưởng được đặt ra là 12%,9% và 5%. Tuy nhiên, một số NH cho rằng đã được phê duyệt mức tăng trưởng ngoại lệ.
Việc các mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm 2013 thấp hơn năm trước là một dấu hiệu cho thấy NHNN dự kiến tình hình kinh tế trong năm nay có thể vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.
Do đó, các NH có xu hướng tốt mới duy trì được hoạt động tốt, mức tăng trưởng có thể trên 10% là khả thi khi xem xét mức tăng trưởng tín dụng thực tế gần 9% của toàn hệ thống tín dụng trong năm 2012.
Con số được NHNN công bố ngày 30/7/2013 cho thấy tổng dư nợ trong ngành NH tăng 4,91% trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, điều đáng lưu ý là tiền gửi trong cùng kỳ tăng 9,48%.
Một điều mà nhà đầu tư cũng cần lưu ý đó là vấn đề tái cấu trúc hệ thống NH. Chính phủ và NHNN Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và kế hoạch tái cấu trúc ngành NH vào thời điểm cuối năm 2011 để cải tổ hệ thống NH vào năm 2015.
Một phần của kế hoạch cải tổ là giảm bớt số lượng tổ chức tín dụng quy mô nhỏ và yếu kém và hình thành một số NHTM có quy mô lớn hơn. Kỳ vọng này đã có một số thành công, nổi bật nhất là việc ba NH nhỏ ở TPHCM sáp nhập thành NHTMCP Sài gòn (SCB), NH SHB và Habubank sáp nhập và thỏa thuận hợp tác đề xuất giữa Sacombank và Eximbank.
Tuy tiến trình này còn chậm và hiện nay Việt Nam có hơn 40 NH trong nước nhưng việc sáp nhập vẫn là mục tiêu lớn của NHNN. Do đó, việc xem xét nắm cổ phiếu của NH cũng cần được nhà đầu tư cân nhắc.
Bởi lẽ, việc sáp nhập các NH không hề đơn giản do những phức tạp khi kết hợp với con người, quy trình, công nghệ chi nhánh và thương hiệu. Thêm vào đó, còn có nhiều vấn đề về thiếu nguồn vốn, tỷ lệ nợ xấu cao và quản trị rủi ro chưa đầy đủ.
Có vẻ như các NH còn miễn cưỡng khi chấp nhận sáp nhập do thông tin tài chính thiếu minh bạch, và cũng như có người được lợi và người bị thua thiệt trong tiến trình này...
Có lẽ vì những vấn đề còn tồn tại trên, ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACBS, nói rằng: "Nếu như các con số về tỷ lệ nợ xấu của ngành NH Việt Nam được công bố một cách rạch ròi thì tình hình sẽ khác".
Tuy nhiên, nợ xấu của ngành NH Việt Nam được đưa ra trong thời gian qua không có sự đồng nhất. Nếu như nợ xấu của ngành NH như công bố xấp xỉ 8% so với chỉ số an toàn của NH là 9% và đang có xu hướng đưa lên cao hơn thì cũng có rủi ro nhất định.
Vì thế, theo ông Khôi, để đánh giá về cổ phiếu NH phải có thêm thời gian để có thể mang lại lợi nhuận. Dù trong hệ thống cũng có những NH tốt giữ được mức giá ổn định cho cổ phiếu, nhưng ông Khôi khẳng định, nếu kỳ vọng đột phá của cổ phiếu NH trong thời gian ngắn sẽ rất khó.
Hoàng Long
doanh nhân sài gòn
|