Thứ Ba, 20/08/2013 13:14

“Tái canh” vàng

Trước việc các ngân hàng thương mại đầy sáng tạo trong “tái canh” vàng, Ngân hàng Nhà nước lại một lần nữa phải đau đầu với bài toán kiểm soát đường đi của vàng.

Cho đến tận lúc này, NHNN chưa có được công bố chính thức về việc tất toán tài khoản vàng của các tổ chức tín dụng.

Giá vàng lại lên. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn trên 3 triệu đồng/lượng. Đó chính là cửa kiếm lời của các nhà đầu tư, cả chuyên và không chuyên. Hiện tượng “tái canh” vàng ngày càng hiện hữu.

Đâu mới là đường đi của vàng?

Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tất toán tài khoản huy động vàng xong trước ngày 30/6/2013. Nguyên việc NHNN liên tục ra các công văn, chỉ thị, yêu cầu… đối với các TCTD trong lộ trình đóng tài khoản này suốt hơn 2 năm qua (tính từ thời điểm ngày 29/4/2011 khi Thống đốc NHNN ký ban hành Thông tư số 11/2011/TT-NHNN yêu cầu các TCTD chấm dứt việc huy động và cho vay vốn bằng vàng vào ngày 1/5/2012) đã cho thấy vấn đề không hề đơn giản. Cho đến tận lúc này, NHNN chưa có được công bố chính thức về việc tất toán tài khoản vàng của các TCTD.

Nhưng hiện rất nhiều khách hàng phàn nàn họ muốn rút vàng khỏi ngân hàng thương mại thường bị ngân hàng gây khó dễ hoặc lần lữa. Đã có khách hàng phản ánh họ không được hưởng lãi vì vi phạm thỏa thuận không được rút trước hạn khi mua chứng chỉ vàng. Lý của khách hàng là họ rút trước hạn bởi yêu cầu của NHNN đối với ngân hàng thương mại trong việc tất toán tài khoản huy động vàng. Còn lý của ngân hàng là khách hàng không thực hiện đúng cam kết. Nhưng ngược lại, với những người vay vàng, họ lại đang bị ngân hàng ép trả nợ trước hạn, nếu không phải chuyển từ vay vàng sang vay bằng tiền đồng với mức lãi suất cao ít nhất gấp đôi lãi suất vay bằng vàng. Vì sao ngân hàng không muốn trả vàng cho người gửi, đồng thời lại muốn người vay trả sớm?

Vì một phần không nhỏ vốn huy động bằng vàng đã được chuyển đổi thành tiền cho vay ra, giờ không thu hồi được, thậm chí đã trở thành nợ xấu. Do đó, ngân hàng thiếu vàng trả cho người gửi, dẫn đến việc họ yêu cầu người vay vàng trả trước hạn. Người vay chẳng dại gì trả trước hạn khi giá vàng đang cao hơn rất nhiều mức giá họ đi vay trước đây. Họ cũng không muốn chuyển hợp đồng vay vàng sang vay bằng tiền đồng để phải chịu lãi suất cao. Thế nên, các ngân hàng buộc phải mua vàng đấu thầu của NHNN, dù có phiên giá chào thầu của NHNN bằng giá bán của doanh nghiệp ngoài thị trường.

Lạ một điều, đã sau 2 tháng kể từ thời điểm 30/6, vàng đấu thầu của NHNN vẫn đắt khách. Đã có người hỏi, thế vàng đi đâu? Ngân hàng thương mại mua vàng làm gì nhiều thế? Câu trả lời là: để đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân. Tức ngân hàng thương mại, doanh nghiệp mua buôn từ NHNN để “bán lẻ” cho người dân. Giải thích này không thỏa đáng!

Vì, giá mua buôn của ngân hàng thương mại không hề thấp chút nào. Đơn cử trong phiên ngày 6/8, các đơn vị tham gia đấu thầu đã mua của NHNN thấp nhất cũng 37,25 triệu đồng/lượng, cao nhất lên đến 37,5 triệu đồng/lượng; trong khi đó giá vàng cùng ngày trên thị trường là 37,22 triệu đồng/lượng – 37,56 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Hay phiên ngày 13/8, giá trúng thầu cao nhất là 37,83 triệu đồng/lượng; trong khi giá bán cao nhất trên thị trường cùng ngày là 37,95 triệu đồng/lượng. Với mức chênh lệch kiểu “tính cua trong lỗ” là 340.000 đồng/lượng hôm 6/8 và 180.000 đồng/lượng ngày 13/8, chưa kể để bán đến tay người mua cuối cùng thì ngân hàng thương mại và doanh nghiệp phải bỏ thêm hàng loạt chi phí, vậy sẽ thực lãi được bao nhiêu? Nếu thêm rủi ro biến động giá sẽ khiến ngân hàng thương mại chỉ còn nước lỗ chứ đừng mong đến lãi.

Bịt cửa này, đi cửa khác!

Thực tế trên cho thấy, việc mua vàng từ đấu thầu để bán lại không mang về nhiều lợi nhuận cho các đơn vị tham gia đấu thầu. Có ý kiến cho rằng, họ tích cực mua là để găm giữ, đầu cơ làm giá hòng kiếm lời. Tuy nhiên, điều này là không thể khi NHNN yêu cầu các đơn vị tham gia đấu thầu, kinh doanh vàng miếng phải báo cáo trạng thái vàng từng ngày. Thậm chí, NHNN còn rất chặt chẽ khi đưa ra quy định trạng thái vàng cuối ngày của TCTD không được vượt quá 2% vốn tự có. Và TCTD không được duy trì trạng thái vàng âm (Thông tư 38/2012/TT-NHNN). Vậy, chỉ khi NHNN chính thức công bố thông tin cụ thể về tất toán tài khoản vàng của các TCTD thì câu trả lời mới trở nên rõ ràng.

Điều dễ nhận thấy nhất là sau khi NHNN có yêu cầu các TCTD dừng huy động vàng thì dịch vụ giữ hộ vàng của các ngân hàng thương mại nở rộ. Họ “nhiệt tình” giữ hộ vàng không thu phí, đến mức NHNN phải nhắc nhở. Nhắc không được, NHNN yêu cầu phải dừng luôn dịch vụ này. Nhưng không bao lâu, NHNN lại “nới” ra bằng thông báo ban hành ngày 8/7/2013.

Ngày 12/7, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết, trên địa bàn thành phố chưa có ngân hàng nào được cấp phép các dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn, bao gồm cả dịch vụ giữ hộ vàng. Nhưng đến ngày 5/8, cũng ông Minh cho biết đã có 12 ngân hàng được phép triển khai dịch vụ giữ hộ vàng. Một số ngân hàng thương mại khác cũng đang gửi hồ sơ xin cấp phép. Tại sao các TCTD lại sốt sắng như vậy, khi mà chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng để triển khai dịch vụ này rất lớn trong khi nhu cầu khách hàng không cao. Thực tế, tại Việt Nam, đại đa số người dân không có thói quen nhờ ngân hàng giữ hộ tài sản quý. Không chỉ tiền mặt, giấy tờ có giá, giấy tờ quan trọng hay vàng, USD…vẫn được người dân cất giữ trong két tại nhà hoặc trong ngăn kéo tủ, thậm chí… chôn dưới đất.

Họ sốt sắng vì có thể “mượn” vàng của người gửi để kinh doanh khi NHNN chưa có quy định cụ thể cho dịch vụ này. Nhằm ngăn ngừa, hạn chế việc mượn vàng này, NHNN đang chuẩn bị ban hành một thông tư chính thức quy định về dịch vụ giữ hộ vàng. Nhưng ngay từ lần đầu đưa ra dự thảo quy định về việc NHNN yêu cầu các TCTD phải ghi lại số sê-ri của miếng vàng nhận gửi, NHNN đã vấp phải sự phản đối của các ngân hàng thương mại.

Theo nguồn tin của Doanh Nhân, trong dự thảo gần đây nhất, NHNN đã sửa lại quy định theo hướng có trường hợp vàng gửi phải ghi lại sê-ri, có trường hợp không bắt buộc.

Sự kiện đáng chú ý thứ hai, từ ngày 31/7/2013, TienPhongBank đã triển khai dịch vụ mua bán vàng vật chất thông qua hệ thống Internet Banking. Đồng thời, ngân hàng này còn ra mắt dịch vụ eCounter, cho phép khách tự thực hiện các giao dịch như mua vàng, rút tiền, gửi tiền vào tài khoản mà không cần thông qua giao dịch viên.

Nếu triển khai tốt, đây là một kênh giao dịch thuận tiện cho các nhà đầu tư lướt sóng. Nếu có lợi nhuận, chẳng có lý do gì để cản trở các TCTD khác ngoài TienPhongBank tham gia cung cấp dịch vụ này. Như vậy, hiện tượng “tái canh” vàng rất dễ được mở rộng. Vấn đề của cơ quan quản lý là kiểm soát được đường đi của vàng trên thị trường, làm sao để việc “canh tác” đó của các ngân hàng thương mại đúng quy định, không làm méo mó thị trường.

Thái Thanh

diễn đàn dn

Các tin tức khác

>   Giá vàng quay đầu giảm mạnh, USD tự do chững lại (20/08/2013)

>   Vàng, bạc đồng loạt rút lui sau tuần tăng mạnh (20/08/2013)

>   Sáng mai, tiếp tục đấu thầu 26.000 lượng vàng (19/08/2013)

>   Không dùng vàng miếng nhận bảo quản để đổi thành tiền, bán, cho vay, cầm cố, thế chấp, ký quỹ (19/08/2013)

>   Giá vàng tăng, USD tự do tiếp tục giảm (19/08/2013)

>   “Còn thiếu cung thì còn đấu thầu vàng” (17/08/2013)

>   Chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới rút mạnh (17/08/2013)

>   Giá vàng tuần tới: Mục tiêu 1.400 USD/oz (17/08/2013)

>   Vàng bứt phá ấn tượng 4.5%, bạc tăng ngoạn mục 14%/tuần (17/08/2013)

>   Vàng bứt phá ấn tượng 4.5%, bạc tăng ngoạn mục 14%/tuần (17/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật