Suy thoái dài nhất trong hơn 40 năm tại Eurozone đã chấm dứt
GDP quý 2 của Eurozone tăng trưởng 0.3% so với quý trước, vượt dự báo tăng 0.2% và trái ngược hoàn toàn với mức sụt giảm 0.3% trong quý đầu năm.
Đây là lần đầu tiên kinh tế Eurozone tăng trưởng trở lại kể từ quý 3/2011 và chấm dứt cuộc suy thoái dài nhất trong lịch sử của khu vực này.
* Khu vực Eurozone đang dần thoát khỏi suy thoái
* Nền kinh tế Pháp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn
Đà phục hồi mạnh của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã kéo khu vực này ra khỏi suy thoái trong quý 2
|
Dù vậy so cùng kỳ năm ngoái, GDP quý 2 của Eurozone giảm 0.7% và hiện tỷ lệ thất nghiệp của khu vực này vẫn còn đứng ở mức kỷ lục 12.1% trong tháng 6.
Sự phục hồi của hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Pháp cũng như suy thoái ngày càng suy yếu tại nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư khu vực – Ý và Tây Ban Nha – đã giúp Eurozone tăng trưởng trở lại.
Sáng ngày thứ Tư, Đức và Pháp công bố tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 vượt dự báo. Cụ thể trong quý vừa qua, kinh tế Đức tăng trưởng 0.7% so với quý 1 nhờ sự cải thiện của sức tiêu thụ trong nước.
Trong khi đó, Pháp bất ngờ thoát khỏi suy thoái với mức tăng trưởng 0.5% trong quý 2, vượt xa kỳ vọng tăng 0.2% và là tốc độ mở rộng nhanh nhất kể từ đầu năm 2011 khi châu Âu vật lộn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tín dụng có nguy cơ khiến khu vực này phải “tan đàn xẻ nghé”.
Người tiêu dùng và các doanh nghiệp ngày càng tin tưởng về lĩnh vực chi tiêu và đầu tư nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và cách thức áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” thoải mái hơn của các Chính phủ trong khu vực.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng bắt đầu phục hồi bất chấp bức tranh trái chiều của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Theo đó, lĩnh vực thương mại đã đóng góp đáng kể vào đà tăng trưởng của hai nền kinh tế Đức và Pháp. Số liệu mới nhất từ Trung Quốc và Nhật Bản cho thấy tăng trưởng đang chậm lại nhưng hai nền kinh tế Anh và Mỹ lại đang tăng tốc.
Phước Phạm (Theo CNBC)
Infonet
|