Thứ Bảy, 17/08/2013 09:03

Sửa luật để ngăn chặn chính sách bị lợi dụng

Sau thời kỳ chạy đua thu hút vốn FDI, Việt Nam đang phải giải quyết nhiều hệ lụy do mặt trái chính sách đem lại nhưng cách giải quyết vẫn còn lúng túng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) thừa nhận số lượng doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ trốn đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây nhưng cơ quan quản lý thiếu cơ sở để giải quyết. Các vướng mắc nằm ở khâu thu hồi giấy chứng nhận đầu tư; giải thể, thanh lý DN; thu hồi đất; xử lý tài sản, công nợ, giải quyết chế độ cho người lao động...

Công ty TNHH Hai Min (TP HCM, chủ doanh nghiệp Đài Loan bỏ trốn) đang bị một công ty cho thuê tài chính xiết nợ

Tưởng chặt hóa lỏng

Ngay từ việc tưởng như đơn giản là thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định. Chính quyền địa phương không thể đứng ra thanh lý, giải thể DN vì theo quy định, đây là trách nhiệm của DN, chỉ được giải thể khi thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ khác.

Trong việc thu hồi đất, nhà nước nhiều khả năng gặp rủi ro vì chủ DN có thể kiện do tài sản của họ được bán không theo giá thị trường. Với việc xử lý tài sản, công nợ thì không thể giải quyết qua trọng tài cũng như tòa án vì chủ đầu tư đã về nước, không xác định được địa chỉ của bị đơn...

Về giải quyết quyền lợi cho người lao động, nhiều DN nợ BHXH làm ảnh hưởng đến nhiều người. Chủ DN bỏ trốn khiến nhiều công nhân mất việc làm, bị nợ lương nhưng cơ quan quản lý không hỗ trợ được vì không có cơ chế...

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH-ĐT, cho rằng hơn 500 chủ DN bỏ trốn là đáng báo động về công tác quản lý DN FDI. Theo ông Thắng, hiện việc quản lý vốn FDI có vẻ được phân công, phân cấp rõ ràng và chặt chẽ. Cục thuế địa phương chịu trách nhiệm quản lý thuế; hải quan theo dõi hoạt động xuất nhập khẩu; Bộ Công Thương quản lý hoạt động thương mại; Bộ KH-ĐT giám sát hoạt động cấp phép, đăng ký đầu tư; Bộ LĐ-TB-XH theo dõi về lao động, tiền lương…

Tuy nhiên, thực tế mỗi cơ quan chỉ theo dõi phần việc của mình, không có cơ chế phối hợp và cũng không có cơ quan đầu mối tập hợp để kịp thời phát hiện tình huống bất thường nên khi DN "chết" mới tá hỏa. Nếu có sự phối hợp tốt giữa các bên, khi DN nợ lương hoặc tồn kho, nợ xấu ngân hàng (NH), chậm nộp thuế vài tháng... là đã "bắt được bệnh", không để đến mức chủ bỏ trốn để lại "vườn không nhà trống".

Một chuyên gia từng công tác tại Vụ Pháp chế Bộ KH-ĐT nhận xét: "Quản lý việc thu hút, sử dụng vốn FDI được thực hiện theo cơ chế "tiền buông hậu kiểm" nhưng khâu "hậu kiểm" rất lỏng lẻo. Sau cấp phép, cơ quan quản lý có rất ít thông tin về DN, thậm chí không biết trụ sở, vì DN có thay đổi cũng không báo cáo".

Sửa luật, tăng giám sát

Chuyên gia này cho rằng pháp luật về đầu tư nước ngoài hiện chưa chặt chẽ. Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 chỉ cho phép DN nước ngoài đem vốn ở ngoài vào thành lập công ty TNHH, số vốn phía nước ngoài góp trong liên doanh không thấp hơn 30% tổng vốn đăng ký. Trong khi đó, Luật Đầu tư năm 2005 cho phép nhà đầu tư nước ngoài được bình đẳng vay vốn NH trong nước. Vì vậy, đã có tình trạng nhà đầu tư bất động sản chỉ đem theo "vốn mồi" rồi huy động vốn của khách hàng ứng trước để xây nhà bán. Cũng có trường hợp "vẽ" dự án vay hàng trục triệu USD của NH trong nước rồi cao chạy xa bay... Đây là những vấn đề cần siết lại.

Cựu chuyên gia Vụ Pháp chế Bộ KH-ĐT đề xuất cần tăng cường công tác thẩm định dự án và năng lực nhà đầu tư. Cần thiết phải phối hợp với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài vì các tiêu chí của dự án đều do nhà đầu tư tự báo cáo, kê khai.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng có trường hợp DN bỏ trốn vì nguyên nhân khách quan là kinh tế khó khăn, làm ăn thua lỗ nhưng cũng có trường hợp nhà đầu tư lợi dụng kẽ hở của luật pháp để "đánh quả". Vì thế, cần sửa Luật Đầu tư để có cơ chế phòng ngừa, trong đó chú trọng tìm hiểu thông tin nhiều chiều về năng lực tài chính cũng như nhân thân chủ đầu tư, không chạy đua thu hút FDI bằng mọi giá.

Theo ông Vũ Đình Ánh, cũng cần theo dõi DN có thực sự chuyển vốn vào như cam kết hay không, thông qua hệ thống NH. "Việc quản lý, giám sát hoạt động của DN FDI phải được điều chỉnh tốt hơn bởi pháp luật và sự phối hợp chặt chẽ trong khâu giám sát" - ông Ánh đề xuất.

Tuy nhiên, một chuyên gia Vụ Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lo ngại ngoài lỗ hổng của pháp luật, phần lớn nguyên nhân là do thực thi, giám sát lỏng lẻo. Nếu siết điều kiện đầu tư thì có thể làm ảnh hưởng ngay đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, gây lực cản dòng vốn trung chuyển.

Cần đơn vị đầu mối

Theo ông Phan Hữu Thắng, nếu quy định đặt cọc, khoán thuế như một số ý kiến đề xuất, Việt Nam có thể rơi vào cảnh "một mình một chợ", giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thay vào đó, cần có một cơ chế phối hợp từ trung ương đến địa phương, trong đó giao một đơn vị làm đầu mối tập hợp thông tin để báo cáo. Các địa phương thu hút vốn FDI lớn cần phải cử một phó chủ tịch chuyên trách, làm đầu mối tổ chức giao ban hằng tháng với các sở về FDI. Đồng thời, các địa phương có nhiều DN FDI bỏ trốn cần sớm tìm ra nguyên nhân, đề ra giải pháp ngăn chặn tình trạng này.

Tô Hà - Phương Nhung

Người lao động

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp khó tận dụng tốt ưu đãi GSP (17/08/2013)

>   Thực phẩm và đồ uống tăng tồn kho (17/08/2013)

>   "Đáp ứng nhu cầu sử dụng điện là mục tiêu số 1" (16/08/2013)

>   Ký thỏa thuận giao đất cho dự án lọc dầu 4,5 tỷ USD (16/08/2013)

>   Vinacomin phát triển ngành khai khoáng bền vững (16/08/2013)

>   Chàng trai trẻ gác đèn ở Nam Yết (16/08/2013)

>   Tiêu thụ điện thấp hơn dự báo (16/08/2013)

>   Bao nhiêu doanh nghiệp thực sự phá sản 6 tháng đầu năm? (16/08/2013)

>   Áp thuế hợp lý để thu hút đầu tư (16/08/2013)

>   Phải buộc doanh nghiệp FDI đặt cọc (16/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật