Áp thuế hợp lý để thu hút đầu tư
Suốt mấy tháng qua, nhiều doanh nghiệp “thấp thỏm” lo âu bởi thông tin Bộ Tài chính sẽ tăng thuế suất đối với ngành khoáng sản. Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng trong lúc “sức khỏe” của doanh nghiệp đã quá yếu như hiện nay, việc tăng thuế chẳng khác nào đẩy họ đến đường cùng.
Tính ưu việt của thuế
Bộ Tài chính cho biết, qua 3 năm thực hiện quy định về Biểu mức thuế suất tài nguyên đã đạt được kết quả đề ra. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của thị trường, hiện mức thuế suất thuế tài nguyên đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần thiết phải điều chỉnh lại. Theo đó, xây dựng Dự thảo Nghị định lấy ý kiến tăng thuế suất tài nguyên khoáng sản từ 10 - 30%.
Lò đúc vàng tại Công ty Phước Sơn - Quảng Nam
|
Cụ thể, đối với thuế suất sắt tăng từ 10 lên 15%; Titan tăng từ 11 lên 16%, đặc biệt là thuế suất vàng tăng lên 25%. Theo tính toán, nếu thuế suất Titan dự kiến tăng lên 16%, lợi nhuận trên một đơn vị tài nguyên khai thác giảm còn 7.266 đồng/tấn và số tiền thuế thu về dự kiến khoảng 123,8 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 38,7 tỷ đồng. Tương tự, số thu thuế tài nguyên từ vàng dự kiến đạt khoảng 348,3 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 139,3 tỷ đồng. Qua đó, các địa phương tăng thêm ngân sách để đầu tư cải tạo môi trường, đồng thời hạn chế khai thác tràn lan, buộc các doanh nghiệp phải khai thác tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt phải tập trung đầu tư công nghệ vào chế biến sâu nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên.
Và những tác động...
Bên cạnh tính ưu việt trên, các chuyên gia cho rằng việc tăng các loại thuế, đặc biệt là thuế tài nguyên là chưa nên và chưa phù hợp trong giai đoạn này. Bởi hầu hết DN vẫn đang bị bao trùm bởi “đám mây” khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chuyên gia khoáng sản, Ts Thục Anh cho biết: tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đang tiếp tục đẩy các doanh nghiệp vào giai đoạn khó khăn nhất. Phần lớn nguồn tài chính cho hoạt động đầu tư khoáng sản đều có liên quan đến nguồn vốn vay từ các ngân hàng trong khi lãi suất ngân hàng luôn biến động theo hướng “phi mã”. Trong khi đang gặp khó về vốn, thị trường thì nay lại tăng thuế chẳng khác nào “siết” cổ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc áp mức thuế tài nguyên như đề xuất sẽ làm gia tăng các hoạt động khai thác trái phép. Các đối tượng khai thác trái phép không đóng lệ phí cấp giấy phép, không đóng tiền ký quỹ bảo vệ môi trường mà còn gây nên những vấn đề môi trường nghiêm trọng. Mặt khác, họ cũng không trả thuế thu nhập doanh nghiệp, không đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng cho cộng đồng và cũng chắc chắn không đóng thuế tài nguyên.
Nghiêm trọng hơn, việc tăng mức thuế tài nguyên khoáng sản sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các hoạt động khai thác trái phép, kéo theo vấn nạn tham nhũng, đặc biệt làm giảm các hoạt động đầu tư hợp pháp vào ngành khoáng sản. Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường cho biết, nhà đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư vào dự án khoáng sản khi họ thấy mức thuế hợp lý. Vì vậy, việc đưa ra những mức thuế suất hợp lý sẽ tạo sự công bằng giữa các chủ thể đang khai thác tài nguyên, đồng thời góp phần khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Tổng giám đốc Công ty TNHH Vàng Phước Sơn Lê Minh Kha cho rằng việc áp dụng chính sách tăng thuế suất tài nguyên với ngành khoáng sản vàng lên 25% sẽ ảnh hưởng đến tương lai của ngành khai khoáng cũng như tác động tiêu cực tới kinh tế, đầu tư, môi trường, vấn đề an sinh xã hội.
Xu hướng dịch chuyển
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012-2013 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tiến hành khảo sát với 144 nền kinh tế, Việt Nam xếp vị trí 75, tụt 10 bậc so với năm 2012 (vị trí 65). Trong khi đó, các nước trong khu vực có xu hướng duy trì và cải thiện thứ hạng. Singapore bảo vệ thành công vị trí á quân. Malaysia dù bị tụt 4 bậc xuống vị trí thứ 25, nhưng vẫn duy trì điểm số. Thái Lan sau 6 năm liên tiếp tụt hạng, đã tạm dừng xu hướng tiêu cực ở vị trí 38.
Cùng với đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng đang có sự chững lại. Theo thống kê sơ bộ, giai đoạn 2005-2010, Việt Nam đã chiếm trên 10,29% tổng FDI, đạt cao nhất tới 17% trong năm 2008. Tuy nhiên, đến năm 2011 vốn đăng ký FDI chỉ đạt 14,7 tỷ USD, giảm tới 26% so với năm 2010. Trong đó, riêng vốn đăng ký mới đạt 11,6 tỷ USD, giảm 35%.
Đặc biệt đối với ngành mỏ từ chỗ 10% năm 2006 xuống còn trên 1% như hiện nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh này, trong đó không thể không kể đến ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, do Luật Khoáng sản hiện hành phức tạp, cơ chế quản lý không rõ ràng và tăng thuế suất thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên, bãi bỏ ưu đãi thuế giá trị gia tăng…
Nguyên Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho biết: điều đáng buồn là bên cạnh vấn đề thuế đang giảm dần ý nghĩa thì việc chúng ta không giữ các nhà đầu tư lại được bởi nhiều chính sách khác như thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà, vấn đề lao động, hạ tầng cơ sở, chuỗi giá trị gia tăng, sức mua thị trường... Do vậy, trong khi những lợi thế khác của Việt Nam đang yếu cộng thêm việc tăng thuế thì rất cần sự thận trọng.
Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học địa chất và khoáng sản, Ts Trần Tân Văn cho biết: những nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam vì những ưu đãi. Khi ưu đãi bị giảm bớt hoặc chấm dứt, trong lúc những lợi thế khác của Việt Nam yếu hơn trong tương quan so sánh, họ dịch chuyển đầu tư sang quốc gia khác, đó là quy luật chung của các dòng vốn đầu tư trên thế giới. Do đó, Việt Nam muốn tối ưu hóa lợi ích của FDI thì cũng không thể quên lợi ích của các nhà đầu tư, một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, hấp dẫn.
Giám đốc thuế và các dịch vụ doanh nghiệp Ronald Parks (Công ty kiểm toán KPMG) cho rằng: khi đến Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các cơ hội đầu tư. Vì thế, điều Việt Nam cần làm là tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện đầu tư và lĩnh vực đầu tư có điều kiện phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý FDI “sạch” để hướng tới sự phát triển bền vững.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích một phần nội dung trong báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban KHCN-MT năm 2012 khi đánh giá về hạn chế, yếu kém trong “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường”, đó là cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư các dự án, công trình trong lĩnh vực khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản để phát triển bền vững chưa thực sự hấp dẫn...
Nhật Anh
đại biểu nhân dân
|