Rơi rụng cổ phiếu margin
Cùng với kết quả kinh doanh sa sút là sự gia tăng số mã CP bị loại khỏi danh sách được giao dịch ký quỹ (margin). Đây có lẽ là nguyên nhân khiến dòng tiền đổ vào TTCK giảm sút thời gian gần đây.
Những ngày gần đây, cả 2 sở giao dịch chứng khoán TPHCM và Hà Nội liên tục phát thông báo đưa hàng loạt CP vào danh sách các mã CK không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Mới nhất là trường hợp của CTCP Đầu tư sản xuất và Thương mại Việt Nam (CTV).
Theo công bố của HNX, căn cứ theo Quyết định 637/QĐ-UBCK và Công văn 3240/UBCK-QLKD về việc hướng dẫn xác định danh sách CK không được phép giao dịch ký quỹ, CTV sẽ không đủ điều kiện được giao dịch ký quỹ kể từ ngày 28-8 do lợi nhuận sau thuế trên BCTC bán niên soát xét năm 2013 âm 490 triệu đồng.
Tính đến thời điểm hiện nay có đến 189 mã CP không được margin trên cả 2 sàn CK, trong đó có 67 mã trên sàn HOSE và 122 mã trên sàn HNX.
Tính đến thời điểm hiện nay đã có gần 30 mã CP bị đưa vào danh sách không được margin sau thời điểm công bố BCTC bán niên. So với cùng thời điểm này của năm 2012, số mã CK bị rớt khỏi danh sách được margin tăng đáng kể.
Điều dễ dàng nhận thấy, các mã CK bị loại khỏi danh sách margin phần nhiều là các doanh nghiệp nhỏ trên sàn HNX, lý do chính là lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2013 là con số âm. Trong đó, các doanh nghiệp ngành than đứng đầu bảng với 3 trường hợp của CTCP Than Cao Sơn - TKV (TCS) lỗ 67 tỷ đồng, CTCP Than Đèo Nai - TKV (TDN) lỗ 62 tỷ đồng và CTCP Than Cọc Sáu - Vinacomin (TC6) lỗ 54 tỷ đồng.
Nhóm doanh nghiệp có ít nhiều liên quan đến lĩnh vực bất động sản cũng nằm trong danh sách thua lỗ và không được margin như: CTCP Cơ điện Thủ Đức (EMC), CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM), CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD 1 (HU1), CTCP Cơ khí điện Lữ Gia (LGC), CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Tân Kỷ (TKC).
Các mã CK bị loại khỏi danh sách margin mùa BCTC bán niên năm nay có khá nhiều tên tuổi gây bất ngờ cho giới đầu tư. Điển hình là trường hợp của LGC, một trong những mã CK có tính chất đầu cơ trước đây trên sàn HOSE.
Theo BCTC quý II-2013, lợi nhuận sau thuế của LGC bất ngờ âm hơn 5,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái doanh nghiệp lãi gần 3,5 tỷ đồng. Giải trình về nguyên nhân thua lỗ, ông Nguyễn Văn Thành, Tổng giám đốc LGC, cho rằng do tình hình kinh tế khó khăn, hoạt động kinh doanh cho thuê mặt bằng và văn phòng của công ty không được thuận lợi.
Trong nửa đầu năm 2013, một số khách hàng đã thanh lý hợp đồng trước thời hạn khiến doanh thu từ hoạt động này giảm đáng kể. Bên cạnh đó, doanh thu bán căn hộ cũng giảm sút nghiêm trọng trong khi chi phí lãi vay lại tăng cao cũng là nguyên nhân đẩy LGC vào tình trạng thua lỗ.
CTCP Dược phẩm Phong Phú (PPP) thua lỗ và bị loại khỏi danh sách margin cũng là trường hợp gây bất ngờ. Theo BCTC bán niên 2013, lũy kế 6 tháng đầu năm PPP lỗ 730 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 1,5 tỷ đồng (tương đương mức giảm hơn 148%).
Ông Hồ Vinh Hiển, Tổng giám đốc PPP, cho rằng hàng loạt chi phí gia tăng trong thời gian gần đây chính là nguyên nhân gây thua lỗ. Chẳng hạn, chi phí tài chính từ 48 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái tăng lên 2,2 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp từ 1,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái tăng lên gần 2,9 tỷ đồng.
Hải Hồ
sài gòn đầu tư tài chính
|