Những đại dự án FDI rùa bò chưa thấy đích
Báo cáo của các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai... cho thấy, còn không ít dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn chậm tiến độ.
Đầu tháng 7/2013, một thông tin rất đáng chú ý được UBND tỉnh Quảng Ninh phát đi, đó là, lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Limitless (Ả rập Xê Út) đã ký một biên bản ghi nhớ về việc thực hiện Dự án Hạ Long Star ở Bãi Cháy, Quảng Ninh. Sau lễ ký, những kỳ vọng về việc “hồi sinh” dự án này đã được đặt ra.
Dự án Nhà máy Thép Guang Liang (Quảng Ngãi) sau 7 năm được cấp phép
|
Nói vậy là bởi, dự án có quy mô 125 ha, tổng vốn đầu tư 550 triệu USD này được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2003.
Tuy đã động thổ từ năm 2007, với mục tiêu xây dựng một khách sạn 5 sao với 250 phòng, một khách sạn hạng sang 100 phòng, 226 biệt thự, 85 nhà phố, 114 căn hộ và trung tâm thương mại, song cho đến nay, không có nhiều tiến triển đối với toàn khu đất rộng mênh mông của Dự án.
Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, do ảnh hưởng của suy thoái và do doanh nghiệp cơ cấu lại chủ sở hữu, nên Dự án đã triển khai chưa đúng tiến độ cam kết.
Cũng tại Quảng Ninh còn có Dự án Phát triển cảng Dân Tiến và Khu đô thị Phượng Hoàng của Công ty TNHH liên doanh Phát triển khu cảng Dân Tiến (liên doanh giữa Công ty TNHH MTV Duyên hải Quảng Ninh và Công ty Good Wishes Investment - Hồng Kông).
Được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2007, nhưng tiến độ thi công chậm, các hạng mục chính của Dự án chưa được thực hiện. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã họp bàn nhiều lần để đẩy nhanh tiến độ Dự án, thậm chí còn xem xét lại tính khả thi của Dự án.
Vào đầu năm ngoái, cũng đã có thông tin về việc Duyên hải Quảng Ninh rút khỏi Dự án và UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã yêu cầu Good Wishes Investment tiến hành triển khai Dự án trong tháng 4/2012, để có thể đhoàn thành Dự án trong năm 2013. Tuy nhiên, chậm vẫn hoàn chậm. Và hiện tại, việc giải phóng mặt bằng cho Khu đô thị Phượng Hoàng cũng rất khó khăn.
Ở Quảng Ninh, theo ông Đặng Huy Hậu, vẫn còn một dự án nữa chậm tiến độ, đó là Dự án Quần thể sân solf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Vân Đồn của Công ty TNHH liên doanh 167 - Việt Nam. Được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2007, song cho đến nay, vướng giải phóng mặt bằng, các kế hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp vẫn chỉ… nằm trên giấy.
Trong khi đó, tại Hải Phòng có những dự án FDI lớn chậm tiến độ nhiều năm liền. Chẳng hạn, các dự án Cảng container quốc tế Hải Phòng, Union Success Việt Nam, hay Dự án KCN Đồ Sơn, Dự án Khu liên hợp Đầu tư Thâm Việt.
Trong số này, theo ông Đan Đức Hiệp, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, đáng chú ý có Dự án KCN Đồ Sơn, được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2007 và đã được gia hạn hoàn thành đến hết năm 2010, nhưng cho đến nay, mới xây dựng chưa được 50% diện tích quy hoạch làm KCN (97 ha), tỷ lệ lấp đầy cũng mới chỉ đạt 32,7%. Góp vốn pháp định cũng mới chỉ được 8,02/25 triệu USD.
Với Dự án Khu liên hợp Đầu tư Thâm Việt, tình hình cũng không khá hơn, mặc dù Dự án đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, dù đã được cấp chứng nhận đầu tư từ cuối năm 2008, nhưng cho đến nay, chủ đầu tư mới góp được 22,8 triệu USD (57% vốn điều lệ) và bằng 13% tổng vốn đầu tư.
“Đáng chú ý, Công ty vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư nào vào KCN. Chúng tôi đang yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng KCN, thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Trong quá trình thu hút đầu tư, cũng phải lựa chọn các dự án có công nghệ cao, sạch, thân thiện với môi trường”, ông Hiệp nói.
Ở khu vực phía Nam, báo cáo từ Ban quản lý KCN tỉnh Đồng Nai cho biết, không ít dự án FDI của tỉnh này cũng chậm tiến độ. Chẳng hạn, Dự án của Công ty Sun Steel. Được cấp phép đầu tư từ năm 1996, với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, nhưng cho đến nay, chưa một đồng vốn nào được giải ngân, tiến độ triển khai phải gia hạn nhiều lần. Lý do, theo bà Nguyễn Phương Lan, Phó trưởng ban Quản lý KCN Đồng Nai, là vì chủ đầu tư chưa tích cực triển khai, công ty hạ tầng cũng chưa bàn giao đất.
“Ban quản lý KCN sẽ làm việc với chủ đầu tư Dự án để xem xét tính khả thi trong thời gian tới”, bà Lan cho biết thêm.
Cũng ở Đồng Nai, Dự án Công ty TNHH Điện lực Amata đang trong tình trạng tương tự. Được cấp phép đầu tư từ năm 1996, với vốn đăng ký 110 triệu USD và mục tiêu là sản xuất và cung cấp điện cho KCN, nhưng đến nay, do không có nguồn nguyên liệu để sản xuất, Điện lực Amata chỉ dừng ở việc mua điện của EVN và cũng mới đầu tư được 10% vốn đăng ký. Điện lực Amata cũng là “đối tượng” mà Ban quản lý sẽ tới làm việc trong thời gian tới.
Mặc dù, không khó để “điểm mặt, chỉ tên” các dự án FDI quy mô lớn chậm tiến độ, nhưng theo bà Lan, nhiều dự án FDI có quy mô lớn đã triển khai hiệu quả, hoạt động sản xuất ổn định, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động và nguồn thu cho ngân sách”.
Đây cũng là thực tế ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Vấn đề đặt ra là phải có biện pháp thúc đẩy các dự án chậm triển khai, xử lý các dự án không triển khai để dành đất đai cho các dự án mới khả thi .
Nguyên Đức - Hồng Sơn
đầu tư
|