Thứ Sáu, 23/08/2013 17:03

NHNN dự kiến cấp lại Giấy phép hoạt động cho các TCTD

Đa số các NHTM cho rằng, cần quy định cho phép TCTD thực hiện nghiệp vụ kinh doanh bất động sản như cho thuê trụ sở khi không sử dụng hết. Ngoài ra, nhiều NHTMCP khác cũng “thắc mắc”: một số hoạt động trung gian thanh toán cho nghiệp vụ thẻ, mua bán nợ là hoạt động bình thường của ngân hàng thì có cần đưa vào trong giấy phép hay không?

Khó ngay từ cách gọi tên...

Cũng như nhiều luật khác, Luật Các TCTD 2010, có hiệu lực từ 1/1/2011, cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để áp dụng trong thực tế. Và một trong những vướng mắc của các NHTM khi áp dụng Luật Các TCTD 2010 là các quy định về hoạt động của các TCTD.

Theo Luật Các TCTD 1997, hoạt động của các TCTD được quy định trong Chương III và cụ thể hóa tại Điều 78, Nghị định 59/2009/NĐ - CP ghi: Ngân hàng được thực hiện các hoạt động quy định tại Chương III Luật Các TCTD, Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Các TCTD, các quy định hiện hành có liên quan của Chính phủ và NHNN. Tuy nhiên, tại Khoản 11, Điều 4 Luật Các TCTD 2010 lại ghi rõ: TCTD không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong Giấy phép được NHNN cấp cho TCTD.

Không sử dụng hết, NHTM cho thuê một phần trụ sở. Ở địa điểm khác, họ lại phải đi thuê. Thế có phải là kinh doanh BĐS?

Do có sự thay đổi về nội dung quy phạm pháp luật giữa Luật Các TCTD 1997 và 2010 về quy định hoạt động của TCTD nên đang gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước và hoạt động của các TCTD, chi nhánh NHNNg. Một số NHTM phản ánh, hoạt động của họ có nguy cơ bị gián đoạn; hoặc phát sinh các thủ tục hành chính không cần thiết cho chính cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các TCTD.

Để xử lý vấn đề này, NHNN dự kiến cấp đổi Giấp phép cho các NHTM, chi nhánh NHNNg. Và để hoàn thiện và thuận tiện hơn trong khâu đăng ký kinh doanh các sản phẩm dịch vụ, các NHTM đang tích cực đưa ra nhiều ý kiến đóng góp xây dựng Giấy phép hoạt động của ngân hàng.

Ngay từ tên gọi của ngân hàng và chi nhánh ngân hàng, các NHTM cũng cho rằng cần phải được chuẩn hóa trong Giấy phép hoạt động để có cách gọi đồng nhất và dễ dàng hơn trong việc xin đăng ký kinh doanh.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng, hiện nay tồn tại vài cách viết khác nhau và khi các TCTD làm đăng ký kinh doanh cơ quan công an ở một số địa phương lại yêu cầu ghi theo một cách khác. Ví dụ, NHTMCP A Chi nhánh Hà Nội hoặc Chi nhánh NHTMCP A Hà Nội. Ông Trương Thanh Đức cho biết, tại đơn vị ông đang công tác là NHTMCP Hàng Hải (MaritimeBank) thì khoảng 50% ghi là: MaritimeBank chi nhánh A; số còn lại thì ghi ngược lại.

Đại diện Agribank còn đưa ra câu chuyện thực tế về tên gọi của ngân hàng cho thấy sự cứng nhắc từ phía cơ quan quản lý. Theo đại diện ngân hàng này, trước đây theo Luật DN thì ngân hàng có tên: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) nhưng đến năm 2011 chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên thì khi đăng ký kinh doanh, khắc con dấu của ngân hàng có cái tên dài dằng dặc là Công ty TNHH một thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Do tên gọi quá dài nên con dấu có chữ quá nhỏ.

Vì vậy, Agribank đã phải đề nghị bỏ bớt cụm từ Công ty TNHH một thành viên. Vị cán bộ pháp chế của Agribank lo ngại, do Agribank được thành lập dựa trên Quyết định của Chính phủ, không có Giấy phép thành lập và hoạt động và là ngân hàng đặc thù được hoạt động dựa trên điều lệ của NHNN và Giấy phép kinh doanh quy định rằng được hoạt động các nghiệp vụ ghi trong điều lệ của ngân hàng.

“Tới đây NHNN chỉnh sửa giấy phép thành lập, hoạt động ngân hàng thì điều lệ hoạt động của Agribank có cần phải chỉnh sửa gì không?” - đại diện Pháp chế của Agribank đặt vấn đề.

…Đến các nghiệp vụ

Theo bà Lê Thu Hiền – Trưởng phòng Pháp chế Vietcombank, Giấy phép hoạt động nên tập hợp được tất cả các dịch vụ, tránh trường hợp khi có đăng ký kinh doanh vẫn phải xin thêm “giấy phép con”.

Căn cứ vào Thông tư 01/2013/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 21/2012/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các TCTD, NHNNg có quy định tại khoản b, Điều 13: TCTD được nhận tiền gửi thanh toán và các giao dịch gửi tiền, nhận tiền gửi có kỳ hạn tối đa 3 tháng tại TCTD khác. Nhưng trên giấy phép hiện nay chưa có quy định này, vì vậy cần bổ sung thêm vào giấy phép để tạo điều kiện cho các ngân hàng.

Một vấn đề nữa cũng được đại diện của Vietcombank đưa ra là nghiệp vụ chiết khấu bộ chứng từ không cần hối phiếu. Trong thanh toán xuất nhập khẩu, Vietcombank thực hiện nhiều nghiệp vụ này. Nhưng khi rà soát pháp lý thì thấy nghiệp vụ này chưa được quy định trong giấy phép. Vì vậy, cần bổ sung vào giấy phép mà NHNN dự kiến cấp lại tới đây.

Ông Bùi Huy Thọ - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (TTGS NH) cho rằng, việc ngân hàng chiết khấu bộ chứng từ không cần hối phiếu là bình thường với các ngân hàng đã được thực hiện nghiệp vụ thanh toán quốc tế.

Tới đây khi thực hiện cấp đổi Giấy phép hoạt động, NHNN sẽ ghi bổ sung. Tuy nhiên, vấn đề khiến NHNN đang cân nhắc hiện nay là có nên gộp cả cấp đổi và cấp mới Giấy phép vào là một? Vì thực tế, ngoài những NHTM kỳ cựu như BIDV, Vietcombank, Agribank... thì nghiệp vụ này như là tất yếu; hay với các NHTMCP có trên 10 năm hoạt động cũng đã triển khai nghiệp vụ thanh toán quốc tế; nhưng những ngân hàng mới thành lập lại chưa được phép.

Một cán bộ pháp chế của VietinBank cũng đề nghị, hiện nay các ngân hàng có dịch vụ lưu ký chứng khoán nên trong Giấy phép nên bổ sung thêm chức năng giám sát quản lý các quỹ đầu tư vì hoạt động này gắn liền với hoạt động trung gian.

Bên cạnh đó, đa số các NHTM cho rằng, cần quy định cho phép TCTD thực hiện nghiệp vụ kinh doanh bất động sản như cho thuê trụ sở khi không sử dụng hết.

“Chúng tôi đang vướng ở chỗ khi các chi nhánh xây dựng trụ sở mới thì chỉ sử dụng hết 70% diện tích thôi. Nhưng muốn cho thuê và xuất hóa đơn thì phải đúng chức năng nhiệm vụ, mà muốn đúng chức năng thì phải ghi vào giấy phép” - bà Lê Thu Hiền cho biết.

Ngoài ra, nhiều NHTMCP khác cũng “thắc mắc”: một số hoạt động trung gian thanh toán cho nghiệp vụ thẻ, mua bán nợ là hoạt động bình thường của ngân hàng thì có cần đưa vào trong giấy phép hay không?

Tiếp nhận những câu hỏi này, ông Bùi Huy Thọ cho biết: Cơ quan TTGS NH đã và đang làm việc với các NHTM và lắng nghe các ý kiến đóng góp để tổng hợp, bổ sung vào Giấy phép hoạt động mới trình lãnh đạo NHNN.

Đức Nghiêm

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Đấu tranh hiệu quả với tội phạm rửa tiền (23/08/2013)

>   Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ: Nhiều tín hiệu khả quan hỗ trợ tăng trưởng tín dụng (23/08/2013)

>   VAMC “tắc” vì điều kiện mua nợ khắt khe (23/08/2013)

>   Vietnam Airlines rút vốn khỏi Techcombank (23/08/2013)

>   Vinashin vẫn 'có phần' trong 5.000 tỷ đồng nợ xấu SHB (23/08/2013)

>   Địa ốc Hồng Loan được vay vốn từ nguồn tái cấp vốn của NHNN (22/08/2013)

>   Góp phần dịch chuyển nhận thức và thói quen dùng tiền mặt (22/08/2013)

>   NHNN lên tiếng về việc tỷ giá bất ngờ tăng mạnh ngày 22/08 (22/08/2013)

>   VAMC sẽ xử lý nợ xấu của Agribank (22/08/2013)

>   Nợ xấu ngân hàng “kẹt” ở Cơ quan Thi hành án (22/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật