Dự thảo Nghị định tiền mặt:
Góp phần dịch chuyển nhận thức và thói quen dùng tiền mặt
Việc ban hành và đưa vào triển khai thực hiện Nghị định mới về thanh toán bằng tiền mặt sẽ góp thêm một cú huých quan trọng để chuyển đổi dần nhận thức và thói quen dùng tiền mặt sang không dùng tiền mặt của người dân Việt Nam.
Thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán bằng tiền mặt có mối quan hệ hữu cơ khăng khít theo nguyên tắc “bình thông nhau”. Định hướng đúng đắn về quản lý thanh toán bằng tiền mặt phù hợp với chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ sẽ trực tiếp có tác động tích cực thúc đẩy nhanh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt một cách hiệu quả. Ngược lại, phát triển mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tạo điều kiện trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật tiện lợi với các tiện ích văn minh để nâng cao tính khả thi của việc hạn chế một cách hợp pháp và hợp lý các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt.
Ngày 22/11/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định 101) – văn bản quy phạm pháp luật cao nhất dưới luật điều chỉnh các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã khởi tạo nên những cú huých quan trọng phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Do vậy, bên cạnh việc khẩn trương xây dựng và đưa vào triển khai thực hiện các thông tư hướng dẫn Nghị định 101, NHNN cũng đang gấp rút chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo Nghị định về Thanh toán bằng tiền mặt (Dự thảo Nghị định Tiền mặt) thay thế cho Nghị định số 161/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định về Thanh toán bằng tiền mặt (Nghị định 161) để trình Chính phủ ban hành trong năm 2013 góp phần củng cố, phát triển khuôn khổ pháp luật quản lý nhà nước một cách thống nhất, đồng bộ và hiệu quả cho lĩnh vực thanh toán nói chung.
Sau gần 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định 161 đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng góp phần hạn chế sử dụng tiền mặt và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển như: Chỉ thị 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước, Thông tư 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, Thông tư 01/2007/TT-NHNN ngày 7/3/2007 của Ngân hàng Nhà nước Hướng dẫn thực hiện Điều 4 và Điều 7 Nghị định số 161.
Nghị định 161 bước đầu đã phát huy được tác dụng góp phần giảm dần thanh toán bằng tiền mặt (tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế Việt Nam đã giảm từ 17,21% năm 2006 xuống còn 12,3% năm 2012), nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn và góp phần cải thiện tính minh bạch trong các hoạt động kinh tế của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và các đơn vị sử dụng vốn nhà nước. Với quy định về việc rút tiền mặt với số lượng lớn, Nghị định 161 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các TCCƯDVTT và Kho bạc Nhà nước chủ động chuẩn bị và phục vụ tốt hơn khi khách hàng có nhu cầu rút tiền mặt với số lượng lớn; cũng như quy định về phí trong Nghị định 161 đã tạo điều kiện và làm cơ sở để các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đưa ra các quy định cụ thể của tổ chức mình để vừa bù đắp chi phí thực tế vừa nhằm hạn chế khách hàng rút tiền mặt ra để giao dịch thanh toán.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, cùng với thời gian Nghị định 161 cũng đã bộc lộ một số tồn tại và hạn chế về phạm vi thanh toán bằng tiền mặt, cụ thể Nghị định 161 chưa điều chỉnh các giao dịch tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức khác không phải tổ chức sử dụng vốn nhà nước và tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước mặc dù nhóm đối tượng này ngày càng chiếm một tỷ trọng lớn trong giao dịch thanh toán và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Ngoài ra, Nghị định 161 chưa điều chỉnh một số giao dịch thanh toán sử dụng nhiều tiền mặt như giao dịch chứng khoán (người giao dịch chứng khoán đều phải có tài khoản thanh toán tại ngân hàng), giải ngân vốn cho vay, cả những giao dịch của các tổ chức đã có sẵn tài khoản tại ngân hàng hoặc ở những nơi đã đáp ứng điều kiện cơ sở hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt… cũng chưa được điều chỉnh. Thêm vào đó, cơ chế về phí dịch vụ tiền mặt tuy đã được quy định trong Nghị định 161 để nhằm hạn chế việc rút tiền mặt từ các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, nhưng trong thực tế vì sức ép cạnh tranh và để thu hút khách hàng nên phần lớn các ngân hàng quy định mức phí rút tiền mặt bằng 0%, điều này dẫn đến việc khách hàng không thanh toán qua tài khoản ngân hàng mà vẫn rút tiền mặt từ ngân hàng để trực tiếp thanh toán tiền mua hàng hóa dịch vụ, kể cả trong những giao dịch có giá trị lớn (do thanh toán bằng tiền mặt không mất phí hoặc mất phí kiểm đếm không đáng kể trong khi thanh toán qua ngân hàng lại mất phí lớn gấp tới 4-5 lần phí kiểm đếm tiền mặt nếu có)…
Do đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời để góp phần tăng cường vai trò, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh toán bằng tiền mặt, bảo đảm sự thống nhất với quy định của hệ thống pháp luật hiện hành về hoạt động ngân hàng (đồng bộ với Luật NHNN năm 2010, Luật các TCTD năm 2010 và Nghị định 101…) thì việc ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 161 là cần thiết.
Dự thảo Nghị định Tiền mặt được xây dựng trên quan điểm kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định 161 như điều chỉnh các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và tổ chức sử dụng vốn nhà nước cũng như một số điểm trong các quy định về việc rút tiền mặt và phí giao dịch tiền mặt. Với phạm vi điều chỉnh mới là “quy định về thanh toán bằng tiền mặt và quản lý nhà nước về thanh toán bằng tiền mặt trong một số giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam”, Dự thảo Nghị định Tiền mặt sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số giao dịch trong những lĩnh vực chưa được điều chỉnh bởi Nghị định 161 như giao dịch chứng khoán, giao dịch tài chính của doanh nghiệp, giải ngân vốn cho vay…
Khác với Nghị định 161, Dự thảo Nghị định Tiền mặt đã được thiết kế thêm một điều quy định về Mục đích trong Chương I - Quy định chung nhằm khẳng định chủ trương của Nhà nước “giảm thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế để tiết kiệm chi phí xã hội liên quan đến sử dụng tiền mặt; giảm thiểu rủi ro do thanh toán bằng tiền mặt; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và sử dụng vốn; góp phần từng bước cải thiện tính minh bạch trong một số giao dịch” và quy định rõ nguyên tắc triển khai thực hiện mục đích nêu trên là:“từng bước giảm thanh toán bằng tiền mặt đối với một số đối tượng, một số lĩnh vực cần thiết với lộ trình thích hợp theo chủ trương của Nhà nước”. Việc quy định rõ nguyên tắc như vậy sẽ giúp người dân và xã hội nhận thức được mục đích ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 161 được quán triệt theo định hướng: đưa ra các quy định giảm bớt một số giao dịch thanh toán bằng tiền mặt trước hết phải hợp Hiến, hợp pháp và hợp lý với một lộ trình thận trọng phù hợp với việc thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt lâu đời của người dân, xã hội, cũng như phải hoàn toàn khả thi dựa trên điều kiện hạ tầng thực tiễn phục vụ cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời không làm cản trở hoạt động của các tổ chức, cá nhân; không gây tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội. Qua đó có thể đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước đưa hệ thống thanh toán nói chung và tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt/GDP của Việt Nam cao ngang với một số nước phát triển trong khu vực, trên thế giới.
Về đối tượng áp dụng, Dự thảo Nghị định Tiền mặt giữ nguyên nhóm đối tượng là các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và tổ chức sử dụng vốn nhà nước như đã quy định ở Nghị định 161. Đáng chú ý là, Dự thảo Nghị định Tiền mặt bổ sung thêm đối tượng là tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán hoặc trong các giao dịch đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán, vì thực tế hiện nay các đối tượng tham gia các giao dịch chứng khoán nêu trên đều phải có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và các giao dịch chứng khoán đó chủ yếu diễn ra ở những thành phố, khu vực đã đáp ứng về điều kiện hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, Dự thảo Nghị định Tiền mặt còn bổ sung thêm các đối tượng là các doanh nghiệp có giao dịch tài chính với nhau vì theo chế độ kế toán tài chính, các doanh nghiệp có hạch toán đầy đủ các giao dịch thanh toán và đều có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Dựa trên những chứng từ đã phát sinh giao dịch thanh toán qua ngân hàng của các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng (Cơ quan Thuế, Kiểm toán…) có thể quản lý, làm cơ sở để tính thuế và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định liên quan đến thanh toán bằng tiền mặt của doanh nghiệp. Như vậy, cùng với việc mở rộng các nhóm đối tượng áp dụng như trên, theo Dự thảo Nghị định Tiền mặt thì (i) các giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán hoặc các giao dịch đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (Điều 6); (ii) giao dịch tài chính (góp vốn, mua bán chuyển nhượng phần vốn góp hoặc vay và cho vay lẫn nhau) của doanh nghiệp (Điều 7) đều là các giao dịch không thanh toán bằng tiền mặt.
Ngoài ra, giải ngân vốn cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là hoạt động liên quan đến sử dụng nhiều tiền mặt nên ngày 10/4/2012 Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư 09/2012/TT-NHNN (Thông tư 09) quy định việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Quá trình triển khai thực hiện Thông tư 09 tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thời gian vừa qua cho thấy quy định này là rất cần thiết và khả thi trong thực tiễn đã góp phần hỗ trợ kiểm tra, giám sát được mục đích sử dụng vốn vay được minh bạch hơn về đối tượng và tiến độ giải ngân cũng như giảm dần việc sử dụng tiền mặt trong giải ngân tín dụng ngân hàng. Do đó, quy định này cần được đưa vào Nghị định mới (Điều 8 của Dự thảo Nghị định Tiền mặt) để nâng cao hiệu lực pháp lý của quy định và nội dung này cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định Tiền mặt vì liên quan đến thanh toán bằng tiền mặt trong quá trình giải ngân tín dụng.
Để chuyển đổi dần nhận thức và thói quen thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, xã hội đòi hỏi các Bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thanh phố trực thuộc Trung ương cần phối hợp thống nhất với ngành Ngân hàng để triển khai thực hiện một kế hoạch thông tin tuyên truyền đồng bộ, kịp thời và hiệu quả tới đông đảo người dân trên toàn quốc (tham chiếu Khoản 3 Điều 11 và Khoản 1 Điều 13 Dự thảo Nghị định Tiền mặt).
Trên đây là những nội dung cơ bản nhất của Dự thảo Nghị định Tiền mặt – đánh dấu một bước tiến mới về chất so với Nghị định 161, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về ngân hàng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Việc ban hành và đưa vào triển khai thực hiện Nghị định mới về thanh toán bằng tiền mặt sẽ góp thêm một cú huých quan trọng để chuyển đổi dần nhận thức và thói quen dùng tiền mặt sang không dùng tiền mặt của người dân Việt Nam.
Ts. Dương Hồng Phương
sbv
|