Ngày 21/8, chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Theo chương trình dự kiến, tại phiên họp thứ 20 bắt đầu từ 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn trọn ngày 21/8 (ngày cuối cùng của phiên họp).
Các vị được lựa chọn đăng đàn ở các phiên này thường ít xuất hiện tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội.
|
Hiện, chương trình chi tiết của phiên chất vấn vẫn ở giai đoạn chuẩn bị. Trước đó, tất cả các vị đại biểu Quốc hội đều đã nhận được văn bản của Ban Công tác đại biểu đề nghị gửi chất vấn để làm cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn, dự kiến người và nhóm vấn đề cần chất vấn trực tiếp tại phiên họp.
Những năm gần đây, giữa hai kỳ họp Quốc hội trong năm, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp thường được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào các phiên họp tháng 3 và tháng 8 hàng năm.
Được phát thanh, truyền hình trực tiếp, đồng thời kết nối truyền hình trực tuyến với 63 đoàn đại biểu Quốc hội, các phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức có sự tham gia của đông đảo các vị đại biểu Quốc hội ở khắp các vùng miền.
Đặc biệt, các vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội cũng có điều kiện để chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ và các vị trưởng ngành. Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về nợ xấu vào ngày 21/8/2012, Chủ tịch Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đều đặt câu hỏi chất vấn trực tiếp.
Các vị được lựa chọn đăng đàn ở các phiên này thường ít xuất hiện tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Gần đây nhất, tại phiên họp tháng 3/2013, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã trực tiếp trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trao đổi với VnEcnonomy ngay khi nhận được đề nghị của Ban Công tác đại biểu, một số đại biểu Quốc hội cho biết đã chọn các vị "tư lệnh" ngành công thương, kế hoạch và đầu tư… để gửi chất vấn, chuẩn bị cho phiên chất vấn trực tiếp ngày 21/8 tới đây.
Ngoài một ngày chất vấn, các ngày còn lại của phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác lập pháp.
Các dự án luật, pháp lệnh sẽ được cho ý kiến gồm: Pháp lệnh Cảnh sát cơ động; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân; Luật hộ tịch; Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Tiếp công dân; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; Luật Việc làm; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Dự thảo nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, hoạt động kinh doanh casino cũng được xem xét tại phiên họp này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ nghe và thảo luận báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Cả ngày 16/8 là thời gian được dành để thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên cũng nằm trong chương trình phiên họp.
Nguyễn Lê
Vneconomy
|