Trung Quốc: Một vụ mua bán mỏ than đen tối như than
Zhongshe là một mỏ than tàn lụi ở tỉnh Shanxi (Sơn Tây), miền bắc Trung Quốc, nằm sâu hơn 1.150m dưới mặt đất. Nhưng hợp đồng mua mỏ với mức giá khổng lồ 1,6 tỉ USD của China Resources, một tập đoàn hàng đầu của nhà nước Trung Quốc, có lẽ còn tối tăm và rối rắm hơn nhiều.
Tài liệu rò rỉ về hợp đồng và một án tù ở Hong Kong bất ngờ bộc lộ những giao dịch thường là bí mật của một công ty thuộc sở hữu nhà nước ở Trung Quốc, đặt ra câu hỏi: có phải kinh tế và tài nguyên Trung Quốc đang bị chiếm dụng bởi các tập đoàn nhà nước có đặc quyền và bộ phận điều hành?
Những vấn đề của China Resources bắt đầu năm 2010, khi các chi nhánh của tập đoàn cùng một công ty đối tác cũng của nhà nước đồng ý trả 9,9 tỉ tệ mua ba mỏ than và tài sản liên quan. Bên bán là doanh nhân Zhang Xinming - có tiếng là một tay cờ bạc côn đồ - cũng nhận 20% cổ phần trong liên doanh mới.
Trụ sở mỏ than Zhongshe
|
Thương vụ có vẻ đem lại cho China Resources một vị trí chắc chắn trong công nghiệp mỏ than ở Shanxi, trung tâm công nghiệp than của Trung Quốc trong hơn 1 thế kỷ và gần với những thành phố ven biển và các nhà máy khát năng lượng. Tuy nhiên, báo cáo kinh doanh hàng tháng của công ty cho thấy, mỏ không còn sản xuất than kể từ khi chuyển quyền sở hữu vào 2010.
Theo luật sư Chen Ruojian tại công ty luật Duan&Duan ở Bắc Kinh, đại diện cho phía cổ đông thiểu số ở Hong Kong: “Về mặt pháp luật, đây là một giao dịch hoàn toàn bất thường. Không thể hiểu được tại sao họ làm như vậy – trả thật nhiều để mua những mỏ có giấy phép khai thác đã hết hạn”.
Vụ việc tăng thêm tính bất an chính trị sau khi hai nhà báo Trung Quốc cáo buộc có tham nhũng trong thương vụ và nêu đích danh Song Lin, chủ tịch tập đoàn mẹ China Resources và hiện là thứ trưởng trong chính phủ Trung Quốc.
Trang web của Nhân dân Nhật báo cho biết, cơ quan kỷ luật của đảng đã nhận đơn tố cáo ông Song và một viên chức cấp cao của China Resources và đang xử lý vụ việc. Ông Song không bị giam giữ hay kết án. Có thể xác định việc này dựa vào báo cáo trên trang web công ty về những lần xuất hiện của Song trước công chúng. Trong khi đó, China Resources phủ nhận phạm pháp, đồng thời ám chỉ có thể khởi kiện các nhà báo Trung Quốc.
Theo chuyên gia David Zweig tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hong Kong: “China Resources là một tay chơi lớn toàn cầu. Nếu các cáo buộc về mỏ than được chứng minh là đúng, nó chứng tỏ những công ty này có thể bị chia nhỏ hay lừa gạt. Vụ việc không báo trước điềm tốt cho khả năng toàn cầu hóa hay chuyên nghiệp hóa các công ty này.”
Vào 2012, China Resources là công ty công nghiệp sở hữu nhà nước Trung Quốc lớn thứ 18 tính về doanh số, với lợi nhuận 52 tỉ USD. Sản phẩm đa dạng bao gồm dược phẩm, bia, than, và bất động sản.
Song Lin, chủ tịch tập đoàn China Resources, đang bị cáo buộc tham nhũng
|
Tranh cãi về hợp đồng than làm cho China Resources trở thành mục tiêu chỉ trích của tất cả các công ty nhà nước.
Vào cuối thập niên 1990, Thủ tướng Chu Dung Cơ khi đó đã thúc đẩy hàng trăm ngàn công ty sở hữu nhà nước vào khu vực tư nhân. Khoảng 120 công ty nhà nước lớn nhất có nhiều thế lực chính trị đã phản đối tư nhân hóa, nhận được ủng hộ như là trụ cột nhà nước trong kinh tế, tiếp tục vun vén tài sản và tạo nhiều ảnh hưởng trong thập niên qua, một phần nhờ khả năng tiếp cận gần như không hạn chế khoản cho vay lãi suất thấp từ các ngân hàng sở hữu nhà nước.
Nhiều công ty, như công ty truyền tải điện State Grid, hay công ty điện thoại di động China Telecom, bị người dân Trung Quốc chỉ trích vì kém hiệu quả nhưng thu lợi lớn do tính phí cao. Khoản lợi nhuận này cho phép tập đoàn tuyển dụng và thăng chức con cháu các viên chức cấp cao trong chính phủ, đổi lại các viên chức chính phủ bảo đảm họ giữ ghế lâu dài.
Giữa tháng 7, nhà báo Wang Wenzhi của Nhật báo Economic Information tiết lộ China Resources đã trả giá mua mỏ Zhongshi gần gấp đôi mức mà Tập đoàn Mỏ Than Datong đề xuất chỉ 3 tháng trước đó. Wang không đề cập vai trò của ông Song, nhưng truyền thông Trung Quốc đã đồn đoán về số tiền mua mỏ về đâu.
Tuy trữ lượng Zhongshe nhiều và than chất lượng cao nhưng độ sâu của mỏ đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Hợp đồng không nhiều giá trị kinh tế do giá than tụt dốc kể từ khi China Resources mua mỏ cách đây 3 năm. Sản lượng các mỏ ở Nội Mông giờ đây vượt hơn mỏ Shanxi, trong khi nhu cầu tăng chậm hơn dự định. Do đó, giá than giảm còn 400 tệ/tấn từ mức 750 tệ vào 2010.
Ngoài ra, bên bán, một công ty tư nhân tên Shanxi Jinye Coking Group, chỉ giữ quyền khai thác mà không phải là sản xuất khoáng sản, và trước khi ký hợp đồng, ngay cả giấy phép khai thác cũng hết hạn, có nghĩa là: China Resources đã chi mạnh tay cho những tài sản mà bên bán không có quyền bán.
Ngày 18.7, China Resources Power cho biết, giao dịch là thẳng thắn và công ty đang xin phép khai khoáng hai trong ba mỏ; và mỏ thứ ba bắt đầu khai thác.
Vài ngày sau, China Resources phát biểu trên trang web công ty rằng, các cáo buộc là một phần trong một “chiến dịch gièm pha có hoạch định, tổ chức và điều phối cẩn thận ở phía sau và đút lót những khoản tiền lớn cho những kẻ được phép trên internet.”
Hôm thứ tư 7.8, chủ tịch China Resources, ông Song, phủ nhận các cáo buộc giao dịch bất hợp pháp là “những cáo buộc sai hoàn toàn.” Ông gọi vụ mua mỏ là “một hoạt đông kinh doanh bình thường”, và nói ông có thể khởi tố những kẻ cáo buộc. Cơ quan kiểm toán nhà nước nói rằng họ đang điều tra lại hợp đồng, và theo Ủy ban điều tra tham nhũng, bất cứ hành động có hại nào cũng sẽ bị trừng phạt.
Câu hỏi lớn giờ đây là một cuộc điều tra chính thức sẽ mở rộng đến đâu và nó sẽ tiết lộ cái gì.
Võ Phương (theo the NEW YORK TIMES)
sài gòn tiếp thị
|