M&A công ty chứng khoán: Nhiều thách thức
Sự suy yếu của thị trường chứng khoán trong 2 năm gần đây bộc lộ rõ những hạn chế của các công ty chứng khoán (CTCK): Số lượng dư thừa, kinh doanh yếu kém, quản lý tài chính không tốt. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp cho việc mua bán, sáp nhập (M&A) CTCK.
CôngThương - Hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 100 công ty đang hoạt động, nhưng thực chất chỉ còn khoảng trên dưới 10 công ty hoạt động khá tốt.Việc cấu trúc lại hoạt động của CTCK hoạt động yếu kém thông qua M&A là điều cần thiết, bắt nguồn từ nhu cầu nội tại của chính CTCK và thị trường tài chính.
Tín hiệu từ những thương vụ M&A giữa các CTCK đang trên đường về đích cho thấy, bên đi thâu tóm thường quan tâm đến những công ty có điểm mạnh lại là điểm yếu của chính công ty mình. Chẳng hạn, một CTCK có vốn khả dụng tốt quan tâm tới những CTCK có chỉ tiêu này kém, nhưng có phân khúc khách hàng ít… đụng hàng. Hay một CTCK có trụ sở tại Hà Nội chưa mở rộng mạng lưới hoạt động quan tâm nhiều hơn tới cơ hội M&A với các CTCK có địa bàn hoạt động rộng để hậu M&A thuận tiện hơn trong phát triển mạng lưới với chi phí thấp.
Theo ông Hoàng Xuân Nghiêm – Giám đốc Tư vấn Tài chính, Công ty Tài chính FIT cho biết, hiện có hai xu hướng M&A giữa các CTCK. Thứ nhất, các tổ chức tài chính nước ngoài tiến hành mua lại các CTCK trong nước. Đây là cách thức phổ biến trong lĩnh vực M&A trên thị trường chứng khoán thời gian qua. Thứ hai, các CTCK tiến hành sáp nhập để tồn tại. Tuy nhiên, hình thức này tỏ ra không hiệu quả, bởi sáp nhập hai CTCK yếu hầu như không cho kết quả của một phép cộng đơn thuần để thành một CTCK mạnh. Trong khi đó, các CTCK mạnh cũng không muốn nhận về một đối tác yếu.
Dù đây là thời điểm thuận lợi để M&A CTCK nhưng thực tế, số thương vụ đã thành công không nhiều. Nguyên nhân do trên thị trường, chỉ có hơn 10 CTCK chiếm phần lớn thị phần và đa số CTCK còn lại chiếm thị phần rất nhỏ. Do đó, các CTCK lớn cũng không đặt kỳ vọng nhiều vào việc mua lại các CTCK yếu kém hơn để thu hút khách hàng. Thêm nữa, nhân sự giữa các CTCK trong thời gian qua biến động rất nhiều. Khi nhân sự dịch chuyển sẽ kéo theo khách hàng từ công ty cũ sang công ty mới - không cần đến M&A, một số CTCK có thương hiệu, thị phần lớn kéo được khách hàng. Thậm chí, lãnh đạo một số CTCK đã có suy nghĩ, tự "cứu" chính mình còn chưa xong, huống gì nghĩ đến “cứu” doanh nghiệp khác.
Về khách quan, trên thế giới, dù M&A đã rất phổ biến và tỏ ra hiệu quả nhưng tại Việt Nam, hoạt động này vẫn mới mẻ và thiếu khung pháp lý rõ ràng bởi CTCK khi lựa chọn đối tác sáp nhập cần đề cập đến những yếu tố như: Thị phần, nhân sự, giá trị thặng dư để có hướng sáp nhập phù hợp và khả thi.
Trước thực tế này, ông Hoàng Xuân Nghiêm cho rằng, muốn M&A thành công thì cần thiết phải có một đội ngũ chuyên viên về luật, tài chính – ngân hàng, kiểm toán, thẩm định giá, nhân sự đồng thời có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Các CTCK phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về xác định mục tiêu, tìm kiếm đối tác tốt nhất, các thủ tục pháp lý, thuế, lao động... nhằm chủ động khi tiếp cận M&A và đồng thời có những chiến lược phát triển cụ thể để đối phó với khả năng bị thôn tính bởi các CTCK nước ngoài.
Tăng cường sự phối hợp thống nhất giữa các cơ quan như: UBCK Nhà nước, Cục Quản lý cạnh tranh, Cảnh sát kinh tế… để kiểm soát hoạt động M&A, đạt được mục tiêu là giúp các CTCK Việt Nam đủ năng lực để cạnh tranh, đứng vững trong nền kinh tế.
Nếu không làm đúng quy trình, không có sự hiểu nhau giữa các doanh nghiệp thì việc M&A dù đã hoàn thành cũng khó cùng nhau “chung sống”. Trường hợp CTCK Kenanga bán 49% vốn cho đối tác ngoại là điển hình. Từ 1 mâu thuẫn giữa chủ tịch công ty với 2 cá nhân trong HĐQT, một cuộc họp HĐQT đã được tổ chức, ra quyết định phế truất chủ tịch đương nhiệm, bầu 1 đại diện phía nước ngoài lên nắm quyền Chủ tịch công ty. Như vậy, công ty này có 2 chủ tịch và cuộc tranh cãi pháp lý nổ ra, đang chờ các cơ quan chức năng phán quyết.
Nguyễn Hải
công thương
|