Thứ Tư, 28/08/2013 16:51

Loạn quảng cáo thổi phồng

9 DN kinh doanh thực phẩm chức năng cùng đồng loạt bị Cục An toàn thực phẩm ban hành quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền xử phạt là 135 triệu đồng vì quảng cáo sai sự thật. Liệu đây có phải là hồi chuông cảnh tỉnh với những DN có hành vi quảng cáo thổi phồng hay quảng cáo theo kiểu bất chấp hậu quả ?

9 DN đó là: Cty TNHH xuất nhập khẩu sản xuất dịch vụ thương mại Thiên Nam Dược, Cty TNHH TM và XNK Đại Đông, Công ty TNHH Viễn Bằng, Cty TNHH bán lẻ nhanh, Cty cổ phần dược phẩm Hoa Thiên Phú, Cty TNHH Beful, Nhà thuốc Phương Chính, Cty TNHH TM DP Nam Á và Cty TNHH Tân Thánh Hữu.

Thổi phồng để thổi giá

Vi phạm về quảng cáo ở dưới mọi hình thức, mọi cấp độ. Chẳng hạn sản phẩm mì khoai tây Omachi được quảng cáo là những vắt mì chống nóng làm từ khoai tây và trứng khiến người xem lầm tưởng những sợi mì của Omachi được làm bởi trứng và khoai tây nguyên chất, nhưng đọc mỏi mắt mới thấy trong vô số thành phần tạo nên mì Omachi thì khoai tây, trứng chỉ chiếm tỷ lệ cực nhỏ.

Thị trường hạt nêm cũng từng loạn quảng cáo với những câu slogan thổi phồng: "ngon từ thịt, ngọt từ xương", rồi "100% làm từ thịt thăn và xương ống" khiến bao người nội trợ thở phào vì yên tâm từ nay đã có sản phẩm thay thế cho mì chính vừa ngon, ngọt, bổ rẻ mà không lo bị ung thư. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm hạt nêm thực chất là dùng hóa chất siêu bột ngọt. Hàm lượng thịt và xương chỉ chiếm chưa đầy 2%...

Nguy hiểm hơn là quảng cáo theo kiểu “triệt hạ” sản phẩm cùng loại. Điều này đôi khi gây hoang mang đối với NTD. Vừa qua, một đài truyền hình đã phát quảng cáo nước mắm của Masan Food với nội dung: một em bé đang định chấm thức ăn vào bát nước mắm để trên bàn thì bị mẹ ngăn lại với lý do trong nước mắm vẫn còn vi khuẩn; em bé nói nước mắm đã đun sôi rồi thì người mẹ lại tiếp tục khẳng định ngay cả nước mắm đã đun sôi vẫn chưa hết sạch vi khuẩn...

Những thước phim quảng cáo này gây hoang mang cho không ít NTD. Vì họ làm sao để biết được nước mắm nào đạt tiêu chuẩn, nước mắm nào nhiễm khuẩn. Nhiều chuyên gia về thủy sản lên tiếng phản đối về nội dung đoạn quảng cáo này là hoàn toàn phản khoa học và vô hình trung ám chỉ nước mắm truyền thống không an toàn.

Quảng cáo thổi phồng của một số loại thực phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) trong một số trường hợp đã tạo nên một trào lưu sử dụng đến mức lạm dụng của NTD. Nhiều hãng sữa đã đưa ra những lời quảng cáo "thổi phồng" về công dụng của váng sữa. Điều này khiến khiều phụ huynh lầm tưởng sản phẩm này là những gì tốt nhất được "chắt lọc" từ sữa nên cho con ăn càng nhiều càng tốt.

Còn với TPCN, với những lời quảng cáo thổi phồng, các sản phẩm này bỗng chốc trở thành "thần dược" có thể chữa bách bệnh. Trong khi đó, theo định nghĩa đã được luật hóa trong Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. Đứng trước những quảng cáo về tính năng “siêu việt” của TPCN, người Việt Nam ngày càng chuộng các sản phẩm thực phẩm chức năng, đặc biệt là hàng nhập ngoại. TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng VN cho biết, qua kết quả điều tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, ở Hà Nội, cứ 100 người lớn có 56 người sử dụng thực phẩm chức năng, ở TPHCM tỷ lệ này là 48/100. Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng cao của người dân đối với loại thực phẩm này và nó đang dần trở thành một ngành kinh tế “sức khỏe”.

Cơ quan quản lý lúng túng

Theo quy định về việc hướng dẫn quản lý quảng cáo trong lĩnh vực y tế thì các cơ quan phát hành quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo những nội dung đã được thẩm định. Tuy nhiên, hiện nay, việc vi phạm vẫn xảy ra. Thực tế trong thời gian vừa qua, các cơ quan thanh tra của ngành y tế đã xử lý rất nhiều vụ vi phạm về quảng cáo nhưng chỉ xử lý được DN có TPCN, mà không thể xử lý các cơ quan phát hành quảng cáo, cho nên hình thức xử lý này chỉ là hình thức chạy theo vụ việc, rất khó ngăn chặn từ đầu.

Theo pháp luật hiện hành, ngành y tế có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo TPCN, nhưng việc kiểm tra quảng cáo có "thổi phồng" lại là cơ quan khác. Luật Quảng cáo ban hành năm 2012 quy định Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Trong khi đó, chuyện quản lý các loại quảng cáo trên báo chí nói chung và quảng cáo TPCN nói riêng, đúng ra phải là cơ quan chuyên môn Bộ Thông tin - Truyền Thông - nơi được giao nhiệm vụ quản lý báo chí và nắm sát nội dung báo chí, kể cả quảng cáo trên báo chí. Thực ra, "chuyên môn" của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch chỉ là quảng cáo ngoài trời, những nơi công cộng, trong khi 80% nội dung quảng cáo được chuyển tải trên các phương tiện truyền thông.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng Đăng ký cấp chứng nhận (Cục ATVSTP), các vi phạm hiện nay là các thông tin trong quảng cáo, ghi nhãn của TPCN. Vi phạm chủ yếu là thổi phồng công dụng và hướng dẫn sử dụng sai với sự công bố của nhà sản xuất đã được phê chuẩn, chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền nước xuất xứ. Việc không ghi nhãn là thực phẩm sẽ gây ra sự ngộ nhận cho người tiêu dùng thiếu hiểu biết về công dụng của sản phẩm.

Một số quảng cáo cố tình mập mờ, lấy một thành phần rất nhỏ có trong sản phẩm nhưng lại đặt tên cho sản phẩm.
Đồng quan điểm này TS Bùi Minh Đức - Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, TPCN, thực phẩm thuốc khác với thức ăn phổ biến thông dụng. Cơ quan chức năng cần làm rõ thế nào là thực phẩm thuốc, TPCN. Vì nếu là thức ăn thuốc thì sản phẩm phải đảm bảo độ chính xác cao về đặc tính khoa học kỹ thuật y dược cũng như liều lượng trong chế biến.

Tại Mỹ, khi sử dụng thực phẩm thuốc phải được bác sĩ kê đơn". Được biết, hành vi quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh bị nghiêm cấm tuyệt đối đã được quy định tại Thông tư số 08/2013/TT-BYT mới đây. Trước đó, Điều 8 Nghị định 19/2012/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD cũng quy định: Phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân là bên thứ ba cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp.

Trở lại việc xử phạt bằng hình thức phạt tiền đối với 9 DN vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu, buộc các cơ sở vi phạm dừng ngay hành vi vi phạm; thu hồi, tiêu hủy các tài liệu quảng cáo sai quy định; đính chính trên phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung quảng cáo sai. Đồng thời hướng dẫn các cơ sở khi tiến hành quảng cáo thực phẩm phải đăng ký nội dung quảng cáo theo quy định, chỉ được quảng cáo khi đã có giấy xác nhận nội dung quảng cáo.

Tuy nhiên, liệu những hình thức xử phạt được cho là quyết liệt trên có được tiến hành thường xuyên và triệt để? Dư luận vẫn đang dõi theo những động thái muộn còn hơn không này của cơ quan chức năng.

Coca-Cola cũng bị hầu tòa

Tập đoàn nước giải khát lớn nhất thế giới, Coca-Cola, phải đối mặt với vụ kiện tập thể của người tiêu dùng vì tội cố tình ghi nhãn hàng hóa sai cho các sản phẩm nước cam, bao gồm Simply Orange, Minute Maid Premium và Minute Maid Pure Squeezed.

Người tiêu dùng từ rất nhiều bang của Mỹ như New York, New Jersey, California, Florida, Illinois, Missouri và Alabama đã gửi đơn khiếu nại lên tòa án thành phố Kansas từ hồi tháng 8/2012 vì cho rằng chất lượng của các sản phẩm nước cam của Coca-Cola không tương xứng với lời quảng cáo ghi trên nhãn hàng hóa.

Cụ thể, đối với Simply Orange, kể từ năm 2006, Coca-Cola đã để nhãn rằng sản phẩm này là “nước cam ép nguyên chất 100%” và “hoàn toàn tự nhiên”. Tuy nhiên, hương vị thực sự của Simply Orange chỉ là các hương liệu hóa học đã qua quá trình chế biến kỹ càng chứ không hề “tinh khiết” hay “tự nhiên”. Tương tự, Coca-Cola tiếp tục khiến người tiêu dùng “hiểu nhầm” về chất lượng của nước giải khát vị cam Minute Maid Premium và Minute Maid Pure Squeezed.

Bức xúc trước kiểu kinh doanh “treo đầu dê bán thịt chó này”, những người tiêu dùng cho rằng quảng cáo như vậy là lừa đảo, vi phạm nghiêm trọng luật bảo vệ người tiêu dùng Hoa Kỳ. Trả lời phỏng vấn của tờ Bloomberg, Thẩm phán Fernando J. Gaitan Jr., bang Missouri, cho biết hiện các cáo buộc của người tiêu dùng đã quá đủ và phù hợp với luật liên bang để có thể đưa vụ việc ra tòa. Đồng thời, Gaitan cũng tuyên bố bác bỏ những lập luận của Coca-Cola cho rằng người tiêu dùng không đưa ra được những bằng chứng chứng tỏ thiệt hại nặng nề mà họ gánh chịu từ quảng cáo sai của hãng này.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Coca-Cola áp dụng chiêu bài quảng cáo sai sự thật. Trước đó, hồi tháng12/2008, Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) cũng đã phản đối hãng này dán nhãn sai trên Coke Diet Plus là Diet Coke.

Ở Việt Nam, Coca-Cola cũng có sản phẩm nước cam Minute Maid Teppy được tuyên bố là dùng các tép cam tự nhiên, hay trà xanh Real Leaf kết hợp trà xanh nguyên chất 100%. Dù đa phần người tiêu dùng đã hình thành phản ứng không tin tưởng vào những lời quảng cáo không chân thật, nhưng chúng sẽ vẫn có tác động mạnh mẽ tới giới trẻ khi đi kèm với những hình ảnh hàm ý rằng sử dụng việc sản phẩm mới là sành điệu, hợp mốt. Và Coca-Cola cũng như những Cty kinh doanh nước giải khát có đường khác vẫn mặc sức tung hô chất lượng sản phẩm của mình bởi không hề sợ bất kỳ cơ quan chức năng nào giám sát.


Bá Tú

diễn đàn dn

Các tin tức khác

>   Một doanh nghiệp nghi buôn vàng qua tài khoản (28/08/2013)

>   Vụ lương “khủng” 2,6 tỷ: Các sếp nộp lại tiền (28/08/2013)

>   Mỹ chỉ tấn công tên lửa Syria trong 3 ngày? (28/08/2013)

>   Cần cân nhắc lại việc đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng của các doanh nghiệp (28/08/2013)

>   Bắt TGĐ Petimex buôn lậu gần 6.000 tấn dầu (28/08/2013)

>   Bộ Y tế thừa nhận đã thành lập ban soạn thảo thông tư "ngực lép" (28/08/2013)

>   Giám đốc quảng cáo chiếm đoạt 1,2 tỉ đồng của Sabeco lãnh án (28/08/2013)

>   Chủ tịch lương tiền tỷ: 'Tôi không xâm phạm đồng nào của Nhà nước' (28/08/2013)

>   Càng tăng viện phí, càng lạm dụng nhiều (28/08/2013)

>   Ông Nguyễn Bá Thanh gợi ý TP.HCM xử tham nhũng (27/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật