Thứ Tư, 14/08/2013 21:36

Kinh tế nông thôn chưa được hưởng lợi từ tăng trưởng

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung. Tuy nhiên, vẫn còn những vùng miền, những nhóm đối tượng không được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng kinh tế.

Đây là một trong những đặc điểm nổi bật của Báo cáo kinh tế nông thôn "Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố.

Báo cáo của CIEM cho thấy thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình ở nông thôn đang giảm dần trong khi tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2010-2012 không giảm, tương ứng số hộ tái nghèo tăng lên. Theo đó, thu nhập trung bình của hộ thuần nông chỉ đạt 48.618 đồng/ngày, tức khoảng 1,458 triệu đồng/tháng.

Điều quan trọng là vẫn tồn tại sự khác biệt lớn trong phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội giữa các tỉnh, thành. Các hộ gia đình ở vùng cao, đặc biệt ở vùng Tây Bắc, nghèo hơn và ít có cơ hội tiếp cận với những hàng hóa thiết yếu như nước uống an toàn và nhà ở chất lượng.

Báo cáo cũng chỉ ra các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Điện Biên và Lai Châu tụt hậu so với các tỉnh khác về thu nhập, tiếp cận dịch vụ và liên kết thị trường. Vấn đề an ninh lương thực cũng đang có sự sụt giảm rõ rệt ở hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai.

Ông Lưu Đức Khải, Trưởng Ban Chính sách phát triển nông thôn (CIEM) cho biết, hai kênh bán hàng chủ yếu của người nông dân là bán cho hộ gia đình và bán cho thương lái.

Tại một số tỉnh như Lâm Đồng, Long An gần như toàn bộ sản phẩm được giao dịch qua thương lái. Ở các tỉnh phía Bắc thì phần lớn sản phẩm đầu ra được bán cho cá nhân. Điều này cho thấy, ở khu vực phía Nam hướng tới sản xuất có quy mô lớn hơn ngoài Bắc.

Báo cáo của CIEM cũng chỉ ra các nhóm dân tộc thiểu số tiếp tục bị tụt hậu hơn so với các khu vực có dân tộc Kinh sinh sống chủ yếu, với mức độ thấp hơn về an ninh lương thực và thu nhập của hộ gia đình. Trong khi việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam đang bắt đầu ảnh hưởng đến khu vực nông thôn thì nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của hầu hết các gia đình nông thôn.

Giáo sư Finn Tarp (Trường Đại học Copenhagen, Đan Mạch) đánh giá, các chỉ số tính trên bình quân hộ, bình quân đầu người và tính chung có vẻ có nhiều cải thiện hơn so với trước về thu nhập, phúc lợi xã hội, tỷ lệ sử dụng nước sạch, chất lượng nhà ở, mức chi tiêu cho lương thực. Tuy nhiên, nhìn sâu vào các trường hợp điều tra thì thấy ngày càng có sự chênh lệch lớn về khoảng cách giàu nghèo, giữa các vùng miền với nhau. Và mức độ đói nghèo cũng đang “sâu sắc” hơn.

Kết quả 47% hộ gia đình được điều tra từ CIEM trả lời rằng họ "không” hoặc "rất không” hài lòng với cuộc sống của họ. Thu nhập tuyệt đối của người nông dân chi phối đời sống tinh thần của họ. Khoảng cách sống giữa các vùng miền ngày càng được bộc lộ rõ nét và sâu sắc.

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đây là bức tranh nghèo của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam và bức tranh này được phản ánh từ hồi tháng Sáu, tháng Bảy năm ngoái, còn nếu điều tra ở thời điểm này chắc chắn bức tranh đói nghèo còn nặng nề hơn.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện CIEM, phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm nhưng để có được chiến lược, kế hoạch và chính sách phát triển thì phải có luận cứ khoa học và thực tế phù hợp để xây dựng một cách bài bản, hệ thống. Bản báo cáo kinh tế nông thôn Việt Nam sẽ là một luận cứ.

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, Chính phủ nên tiếp tục ưu tiên cho phát triển khu vực miền núi thông qua các chương trình đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để giúp người dân tăng thêm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, các chính sách đối với người di cư nội địa cần được cải thiện theo hướng giúp người di cư có thể tận dụng tốt hơn cơ hội việc làm và thu nhập ở những nơi khác.

Giáo sư Finn Tarp cho rằng Việt Nam cần tập trung phân bổ lợi ích kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông thôn, đồng thời chuyển đổi, giúp các hộ ở vùng cao có thêm giá trị gia tăng thông qua tiếp cận thị trường hàng hóa, lao động và vốn. Bên cạnh đó, cần đưa ra các chính sách dựa trên các bằng chứng điều tra có thể giúp mang đến kết quả tốt hơn cho các hộ ở nông thôn.

Cùng quan điểm này, theo Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn Lưu Đức Khải, để thay đổi đời sống hộ gia đình nông thôn hiện nay, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong những giải pháp thay đổi. Tuy nhiên, đây là đề án lớn và được đặt trong đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Do đó, việc phân bổ các nguồn lực cho ngành nông nghiệp cũng phải gắn với đề án tái cấu trúc nền kinh tế, cùng với đó là tạo điều kiện gắn kết, huy động các tác nhân tham gia vào đề án tái cơ cấu này.

Bên cạnh những giải pháp trên, các chuyên gia kinh tế của CIEM cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng khả năng chống đỡ rủi ro cho nông dân, đặc biệt là đẩy mạnh áp dụng bảo hiểm nông nghiệp; phát triển thị trường đất đai ở nông thôn. Vì nếu người dân có thể mua bán ruộng dễ hơn thì đất sẽ được dùng hiệu quả hơn./.

Thúy Hiền

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay mua tạm trữ thóc gạo (14/08/2013)

>   Bà Rịa-Vũng Tàu áp dụng một cửa cho nhà đầu tư (14/08/2013)

>   Tồn kho trên 500.000 tấn phôi thép (14/08/2013)

>   Foxconn và Compal: “Đại gia” FDI xí đất (14/08/2013)

>   Mỹ áp thuế 7,88% với tôm nhập khẩu từ Việt Nam (14/08/2013)

>   “Nền kinh tế cần bước ngoặt đột phá” (14/08/2013)

>   Thị trường EU: Hàng Việt vẫn có lợi thế (14/08/2013)

>   Ngành cà phê nợ xấu hơn 6.300 tỉ đồng (14/08/2013)

>   Vốn FDI nhỏ giọt vào ĐBSCL (14/08/2013)

>   Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp đạt hơn 45.000 tỉ đồng (13/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật