Kiều hối khả quan bất chấp kinh tế khó khăn
Mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng kiều hối chuyển về TP.HCM 7 tháng đầu năm nay khá khả quan, đạt trên 2,2 tỷ USD, cao hơn 19% so với cùng kỳ năm 2012.
Lượng kiều hối năm nay cũng có sự dịch chuyển, trong đó kiều hối không đổ nhiều vào bất động sản như những năm trước mà chuyển qua hỗ trợ sản xuất kinh doanh và gửi về cho thân nhân.
6 tháng đầu năm, có khoảng 816 triệu USD kiều hối chuyển qua ngân hàng Sacombank, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2012. Riêng doanh số kiều hối từ nguồn xuất khẩu lao động trong 6 tháng đầu năm nay tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2012.
Ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sacombank (STB) cho biết: “Lượng kiều hối gửi về qua Sacombank cho thân nhân hoặc kiều hối qua hợp tác lao động tăng đáng kể và thực tế đơn vị cũng khai thác thị trường rất rộng ở Mỹ, Canada, Úc, ASEAN và Trung đông”.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM (HDBank), nếu năm 2011 trở về trước, lượng kiều hối dành cho bất động sản chiếm trên 50% thì 6 tháng đầu năm nay, kiều hối dành cho lĩnh vực này chỉ chiếm 22%, 49% dành cho sản xuất kinh doanh và số còn lại hỗ trợ khó khăn cho thân nhân. Trong đó, tỷ lệ chuyển đổi ngoại tệ ra tiền đồng tăng khá.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết: “Những năm trước lượng kiều hối chuyển về hỗ trợ trong nước phần lớn giữ lại bằng ngoại tệ và chỉ quy ra tiền đồng ở mức 11-12%. Nhưng năm 2012, 2013 do thị trường ngoại hối cũng tỷ giá ổn định nên lượng tiền kiều hối chuyển qua tiền đồng tăng một cách đáng kể, cao gấp đôi năm 2011 về trước”.
Theo các chuyên gia, hiện lãi suất tiết kiệm xuống thấp, chỉ còn 7%/năm, thậm chí các ngân hàng lớn chỉ huy động với mức 5,5%/năm, kênh tiết kiệm không còn hấp dẫn kiều hối. Trong khi đó, đầu tư vào vàng rủi ro, chứng khoán chưa phổ biến, bất động sản còn trì trệ thì kênh đầu tư vào sản xuất kinh doanh hấp dẫn hơn hơn cả.
Dự báo, kiều hối cả năm 2013 trên địa bàn TP.HCM sẽ đạt khoảng 4,5-4,7 tỷ USD, tăng từ 10-15% so với năm 2012.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng: “Sở dĩ chúng tôi đưa ra con số này vì nhìn thấy triển vọng kiều hối trong 6 tháng đầu năm vừa qua. Thứ hai, thường kiều hối tăng nhanh và tăng mạnh ở quý IV, hàng năm chiếm khoảng 30-35% so với tổng lượng kiều hối của cả năm.
Một số dự báo của các công ty kinh doanh dịch vụ kiều hối cho biết, dòng tiền kiều hối xuất khẩu lao động từ Đông Nam Á và Trung Đông đang phục hồi và có dấu hiệu khởi sắc. Tỷ lệ thất nghiệp các nước phát triển đã giảm 50% so với năm trước, hiện khoảng 4-5% so với 9-10% trước đây, nên công đồng người Việt tại Mỹ, Úc, Canada có công việc ổn định, đây là tác nhân quan trọng để thu hút 1 lượng kiều hối đổ về Việt Nam vào cuối 2013 và đầu 2014.
Bên cạnh những kênh truyền thống, nguồn kiều hối những năm gần đây được ghi nhận gia tăng mạnh mẽ từ nguồn xuất khẩu lao động. Dự báo, lượng kiều hối năm 2013 có thể vượt mức hơn 10 tỷ USD so với năm 2012.
Nguyệt Hà
vtv
|