Thứ Hai, 05/08/2013 11:43

Ngân hàng đua nước rút về đích tín dụng

Để cán đích tăng trưởng tín dụng cả hệ thống NHTM năm 2013, theo kế hoạch, là 12%, nhiều nhà phân tích cho rằng từ nay đến cuối năm mỗi tháng toàn hệ thống ngân hàng (NH) phải có mức tăng trưởng tín dụng bình quân khoảng 1,4%.

Tìm mọi cách tăng dư nợ

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm từ đầu năm đến nay, gần đây các NH không còn quan tâm đến việc đua lãi suất tiền gửi mà tập trung chủ yếu vào đưa vốn ra thị trường để cân bằng tỷ lệ tăng trưởng dư nợ cho vay và số dư tiền gửi. Trong đó sản phẩm tín dụng cá nhân gần đây được nhiều NH đẩy mạnh, thay vì tập trung cho vay các dự án lớn như mọi năm.

Mô hình quầy giao dịch theo quán cà phê để thu hẹp khoảng cách giữa ngân hàng với khách hàng đang phát triển ở các ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh

Chẳng hạn ngày 2/8/2013, Vietcombank (HOSE: VCB) ký kết với hệ thống siêu thị Saigon Co.op phát hành thẻ đồng thương hiệu cho người dân mua sắm tại hệ thống siêu thị Co.opMart. NH này cũng đặt mục tiêu trong năm đầu tiên sẽ phát sinh dư nợ cho khoảng 30% trên tổng số hơn 3 triệu khách hàng thành viên của hệ thống bán lẻ Co.opMart.

Theo đại diện Vietcombank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, việc ký kết hợp tác với Saigon Co.opMart cho ra sản phẩm thẻ đồng thương hiệu không dừng lại ở việc tăng trưởng dư nợ cho vay mà còn là cơ hội cho NH bán chéo các sản phẩm dịch vụ tài chính khác, làm gia tăng tiện ích cho khách hàng.

Trước đó, VietinBank (HOSE: CTG) cũng ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty dịch vụ thông tin Trẻ thơ phát hành thẻ đồng thương hiệu cho các thành viên trong diễn đàn của trang mạng do công ty quản lý. Ngay sau đó, NH này lại ký kết với Công ty VNG và Công ty truyền thông Thanh Sơn phát hành thẻ đồng thương hiệu VietinBank-VNG.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó tổng giám đốc VietinBank, sắp tới VietinBank sẽ ký kết với rất nhiều đối tác khác vì việc phát hành thẻ đồng thương hiệu giúp NH bán sản phẩm thẻ cũng như các chương trình marketing nhằm đem lại những tiện ích gia tăng cho khách hàng.

Cũng nhằm vào khách hàng cá nhân, OceanBank đang tập trung thay đổi sản phẩm dịch vụ NH truyền thống bằng cách triển khai mô hình Coffee Banking. Theo đó, NH này đã mua lại thương hiệu bánh Girvan để thực hiện 2 loại hình dịch vụ mới. Một là tại các phòng giao dịch NH sẽ có Coffee Banking, khách hàng được phục vụ cà phê trong thời gian sử dụng mọi loại hình giao dịch NH.

Một hình thức khác là NH mở những khu giao dịch liền kề khu cà phê của Girvan để mỗi khách hàng khi đến quán Girvan sẽ được cung cấp mọi sản phẩm của OceanBank. Trên thực tế, loại hình này đã chính thức triển khai tại Hà Nội và theo số liệu của OceanBank, NH này đang tập trung đào tạo nhân lực để đến đầu năm 2014 sẽ mở rộng hơn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Thực tế Tập đoàn OceanBank đã mua lại thương hiệu “Kem Tràng Tiền” với nhiều dự định mới được triển khai. Một số NH khác cũng đang tìm kiếm khách hàng trực tiếp với những gói sản phẩm đặc thù như: NamABank liên kết với một số đơn vị để bán gói sản phẩm ra thị trường mang tính đặc thù của ngành bất động sản. Tienphongbank triển khai sản phẩm giao dịch vàng online. ANZ có dịch vụ quản lý tài sản…

Sớm đạt kế hoạch?

Chưa thể khẳng định kết quả của những giá trị tăng thêm ngoài các sản phẩm tín dụng NH cung cấp gần đây, song phần lớn lãnh đạo các NH đều khẳng định đây sẽ là chiến lược kinh doanh hiệu quả vì các gói tín dụng trên đã được NH chọn lọc kỹ khách hàng tham gia.

Chủ tịch HĐQT một NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay lãi suất đã giảm nhiều so với những năm trước đây nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn chưa thể tiếp cận vốn vay NH một cách phổ biến vì điều kiện tín dụng được quản lý rất chặt chẽ.

Mặt khác, thực tế, lãi suất huy động bình quân tại các NHTM đang phổ biến 7%/năm, khả năng kéo giảm lãi suất ngắn hạn hơn nữa sẽ khó khăn.

NH đã cố kéo giảm lãi suất trung hạn của NH chỉ còn xoay quanh 13%-14%/năm nhưng việc cho vay cũng không dễ dàng. “Trong bối cảnh hiện nay, đối với các DN có tình hình tài chính tốt, NHTM vẫn chào lãi suất cho vay thấp, chỉ 8-9%/năm nhưng việc tăng trưởng tín dụng khối DN vẫn còn khá chậm.

Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, không thể chỉ trông chờ vào gói tín dụng DN mà phải tạo nguồn thu ở tất cả các lĩnh vực. Do vậy, khó ở khối DN, chúng tôi chuyển hướng triển khai thêm các gói tín dụng mới cho khối khách hàng cá nhân cũng như đẩy mạnh bán sản phẩm trực tuyến, phát triển NH điện tử…”, vị lãnh đạo trên nói.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Dũng khẳng định những gói sản phẩm mới của họ sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tăng trưởng tín dụng. Bởi lẽ, việc ký kết hợp đồng hợp tác giữa VietinBank và DN không chỉ đem đến cho khách hàng những sản phẩm, tiện ích ưu việt nhất, mà còn tận dụng những cơ hội và khai thác triệt để thế mạnh và tiềm năng của mỗi bên, góp phần tăng trưởng thị phần và khả năng cạnh tranh, phát triển hoạt động kinh doanh của cả hai bên.

“Chẳng hạn, VietinBank phát triển thẻ đồng thương hiệu với webtretho - một diễn đàn xã hội thu hút gần 1 triệu thành viên tham gia với tốc độ tăng trưởng thành viên là 25%/năm. Sắp tới, một diễn đàn dành cho phụ nữ có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam với 37 triệu pageview/tháng, thành viên diễn đàn chủ yếu trong độ tuổi từ 25- 45 tuổi, có thu nhập khá ổn định, có nhu cầu trao đổi kinh nghiệm và mua sắm trực tuyến… sẽ là khách hàng của VietinBank”, ông Dũng nói.

Đại diện OceanBank cũng chia sẻ, tăng trưởng tín dụng của các NHTM chủ yếu dựa vào cho vay tiêu dùng, còn tín dụng cho DN vẫn rất thấp. Do vậy, dự án mới của đơn vị này chủ yếu vẫn là hình thức NH điện tử dành cho khối cá nhân. Những sản phẩm mà NH này áp dụng tại các quán cà phê, phòng giao dịch là sản phẩm Internet Banking, hướng dẫn tư vấn cho khách hàng thực hiện giao dịch trực tiếp, giúp đơn vị này không chỉ đạt tăng trưởng tín dụng đề ra, mà còn kỳ vọng sẽ trở thành một trong 6 NH điện tử tại Việt Nam.

Rõ ràng, các NHTM đang rất tự tin rằng kết quả tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch của từng NH sẽ đạt được vào cuối năm. Bởi các NH đều nhận định rằng áp lực lạm phát tăng cao hiện không lớn và chỉ phụ thuộc vào việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục, hành chính từ nay đến cuối năm như thế nào.

Do vậy, khi tâm lý người dân ổn định, chi tiêu mua sắm của họ cải thiện thì việc bán sản phẩm tín dụng, cho vay tiêu dùng từ đó tốt hơn. Thừa nhận điều này, một chuyên gia kinh tế phân tích: “Mức tăng trưởng tín dụng 12% của năm nay không tăng áp lực đối với chỉ số lạm phát, ngay cả việc dồn hết vào 6 tháng cuối năm, mỗi tháng 2%.

Điều cần làm hiện nay là bên cạnh việc kiểm soát nợ xấu, khi đưa vốn ra thị trường, các NH chỉ cần triển khai các gói tín dụng phù hợp với từng đối tượng khai thác, lúc đó việc kích tổng cầu để khơi thông tín dụng, giúp DN phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh, đưa NH về đích an toàn là chuyện không quá khó”.

Quỳnh Vũ

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Đến năm 2020 chúng ta có nhà máy in tiền lớn tầm khu vực (05/08/2013)

>   Đến năm 2020 chúng ta có nhà máy in tiền lớn tầm khu vực (05/08/2013)

>   Dấu hỏi với VAMC (05/08/2013)

>   Vốn xây dựng nhà ở xã hội chưa tới tay doanh nghiệp (05/08/2013)

>   Ngân hàng lớn thất thiệt vì tín dụng đen (04/08/2013)

>   11 chứng nhận bảo hiểm tiền gửi sắp hết hạn (04/08/2013)

>   Tin vào sự ổn định của VND và tỷ giá (03/08/2013)

>   Nợ xấu “đè” lợi nhuận ngân hàng (03/08/2013)

>   Bắt buộc mua cổ phần TCTD được kiểm soát đặc biệt khi việc chấm dứt hoạt động gây mất an toàn hệ thống (02/08/2013)

>   Khoản vay đối với Nhà ở xã hội : Quản quá hóa... “chặt” (02/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật