Khi chính sách chọi nhau!
Từ đầu năm 2012 đến nay, DN gặp rất nhiều khó khăn. Hàng trăm nghìn DN giải thể, tạm ngừng kinh doanh, thu hẹp quy mô hoạt động.
Vì vậy, Chính phủ đã có những biện pháp kịp thời để hỗ trợ DN như giảm thuế thu nhập DN, dãn thu thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất và lãi suất tiền vay ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm. Đó là những chính sách đúng, cần thiết giúp DN giảm bớt khó khăn để duy trì và dần dần gượng dậy. Song, thật buồn vì các chính sách lại... chọi nhau. Chính sách ra sau đã và đang triệt tiêu tác động tích cực của những chính sách hỗ trợ DN đã ban hành.
Khi những chính sách hỗ trợ DN chưa thực sự phát huy tác dụng thì việc thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện được ráo riết thực thi. Thế là, khoản tiết kiệm nhỏ nhoi của DN vì được dãn nộp thuế GTGT đã bị lấy mất bằng việc nộp phí bảo trì đường bộ!
Thêm nữa giá xăng, dầu liên tục tăng, kể cả khi giá xăng dầu thế giới giảm. Cùng với xăng dầu là giá điện. Không ít lần các quan chức trong cơ quan quản lý và EVN cam kết rằng, điện chưa tăng giá để chia sẻ khó khăn cho các DN. Song, thật bất ngờ, giá điện lại đã tăng! Như vậy, số tiết kiệm được của các DN nhờ các gói hỗ trợ của Chính phủ lại... chuyển hết cho ngành xăng dầu và ngành điện. Suy cho cùng, các gói hỗ trợ DN đã ban hành chỉ là để hỗ trợ cho kinh doanh xăng dầu và ngành điện. Các DN khác trong nền kinh tế được lợi gì?
Chưa hết, lương tối thiểu tăng và tất yếu số tiền phải nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng theo. DN lại gồng mình chịu trận để cứu cho quỹ bảo hiểm xã hội không bị... vỡ!
Viện phí tăng với tốc độ chóng mặt. Tuy không phải là yếu tố đầu vào trực tiếp của các DN, nhưng nó tác động rất lớn tới đời sống của người lao động (NLĐ). Viện phí tăng tạo ra sức ép để DN phải tăng lương cho NLĐ nếu muốn giữ ổn định đội ngũ nhân viên. Có ý kiến cho rằng, thu phí bảo trì đường bộ, tăng giá xăng dầu, điện, viện phí... là do nguyên nhân khách quan. Nhưng ý kiến đó không hoàn toàn đúng vì chỉ xăng dầu mới chịu tác động trực tiếp của giá thế giới.
Việc thu thêm phí, tăng giá vẫn có thể thực hiện khi không có những gói hỗ trợ DN và sẽ là cú hích để các DN “chết” nhanh hơn. Nhưng khi có các gói hỗ trợ mà vẫn làm cho các DN “chết” thì khó có thể chấp nhận.
Luật gia Vũ Xuân Tiền
Lao động
|