Hiến định vai trò kinh tế nhà nước: Đừng cố “thương” mà phải “mệt”
Sau kỳ họp thứ 4, kết thúc vào tháng 11 năm ngoái, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bỏ hiến định kinh tế nhà nước là chủ đạo khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân.
"Không quy định thành phần kinh tế chủ đạo của kinh tế nhà nước để không có sự phân biệt, đối xử không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường"
|
Tuy nhiên, đến kỳ họp thứ 5, tháng 6/2013, khái niệm này tái xuất, và có vẻ muốn được khẳng định một cách mãnh liệt nhất khi trong 3 phương án đưa ra, thì có tới 2 phương án đều nhắc đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Tuy có “dao động”, bởi tinh thần bỏ thì thương, vương thì... mệt vốn có trong tâm lý người Việt, nhưng như theo tổng hợp của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành không cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Kỳ họp thứ 6, tháng 10/2013, Quốc hội sẽ thông qua bản Hiến pháp sửa đổi. Hiện vẫn chưa rõ ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ quyết thế nào về các phương án này. Dưới đây là ghi nhận về những kiến giải cho việc đừng nên cố “thương” mà đành phải “mệt”.
Phải cho các thành phần kinh tế cùng phát triển
Ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Trong ba phương án về chế độ kinh tế, phương án 1 là chép theo văn kiện cương lĩnh của Đảng, phương án 2 tóm tắt lại nhưng nói kinh tế nhà nước chủ đạo, phương án 3 giống 2 nhưng không nêu chủ đạo.
Tôi ủng hộ phương án 3. Tại sao? Hiện nay chúng ta đang muốn giải phóng lực lượng sản xuất, muốn huy động tất cả nguồn lực và chúng ta luôn khẳng định là các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Trong điều kiện Việt Nam, chúng ta xây dựng một “quan hệ sản xuất tiên tiến phù hợp với lực lượng sản xuất”. Lực lượng sản xuất bây giờ là giải phóng các thành phần bình đẳng với nhau và tôi nghĩ như vậy vừa không ảnh hưởng gì đến mục tiêu lâu dài của Đảng, vừa động viên các lực lượng sản xuất.
Chúng ta không nên sa vào vai trò, vị trí của từng thành phần kinh tế cụ thể mà xác định hai yếu tố căn bản của nền kinh tế là: mô hình nền kinh tế là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời, xác định tính chất của nền kinh tế là nền kinh tế đa thành phần.
Bên cạnh đó, làm rõ quan điểm của nước ta là tích cực và chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế để phù hợp hơn với tình hình hội nhập ngày càng sâu rộng của nước ta. Những điểm căn bản như vậy vừa mang tính lâu dài vừa gắn liền với quá trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Không khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước như trước đây là phù hợp với tính chất của một bản Hiến pháp sau khi đã được sửa đổi. Việc không nêu chi tiết vai trò, địa vị của từng thành phần kinh tế trong Hiến pháp là hợp lý vì vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế là khác nhau.
Không cần hiến định, vẫn rõ vai trò
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
Trước hết tôi tán thành cao quan điểm nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, tôi nhận thức rằng Nhà nước đóng một vai trò hết sức quan trọng mang tính chất quyết định, giữ vai trò chủ đạo trong việc điều tiết nền kinh tế, chi phối nền kinh tế và định hướng nền kinh tế.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải hiểu rằng Nhà nước sử dụng và phát huy vai trò điều tiết nền kinh tế của mình chủ yếu thông qua cơ chế và chính sách. Nhà nước sử dụng công cụ này để phát huy và khai thác nguồn lực vật chất của quốc gia. Bởi vì nguồn lực vật chất của Nhà nước thì chỉ có giới hạn thôi.
Chính vì vậy tôi tán thành phương án 3 nêu trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp là nền kinh tế Việt Nam là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”.
Một điểm nữa cũng hết sức quan trọng là trong các văn kiện của Đảng, kể cả cương lĩnh, kể cả chiến lược và các văn kiện của đại hội, chúng ta đã khẳng định khuyến khích, động viên các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Chúng ta cũng khẳng định rõ là chúng ta tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, số lượng các doanh nghiệp nhà nước và quy mô doanh nghiệp nhà nước trong 10 đến 20 năm tới đây chắc chắn sẽ giảm đi trong tổng quy mô của nền kinh tế.
Nhưng điều đó không có nghĩa là vai trò của Nhà nước, sức mạnh của Nhà nước trong việc điều tiết nền kinh tế bị suy giảm đi. Vai trò, sức mạnh của Nhà nước chủ yếu nằm ở cơ chế, chính sách và trong tương lai chúng ta phát huy sức mạnh này là chính.
Muốn tiến bộ, cần bỏ hai từ “chủ đạo”
Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng
Trên cơ sở cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chỉ cần quy định: nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Có như vậy thì mới có thể coi là điểm mới, điểm tiến bộ khi chúng ta sửa đổi Hiến pháp lần này.
Bởi vì, Hiến pháp năm 1992, điều 19 đã quy định, kinh tế nhà nước được củng cố và phát triển, nhất là trong các ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chúng ta cần khẳng định các thành phần kinh tế đều bình đẳng như nhau và đều là thành phần cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Không xác định thành phần kinh tế nào là chủ đạo và là nền tảng của kinh tế quốc dân. Như vậy, vừa bám sát nội dung của cương lĩnh, vừa thể hiện một cách khái quát, cô đọng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phù hợp với tính chất, quy định của Hiến pháp.
Còn tên gọi và vai trò cụ thể của từng thành phần kinh tế sẽ được xác định trong luật và các chính sách cụ thể của Nhà nước. Không nêu rõ vai trò của thành phần kinh tế nhà nước như những quả đấm thép, để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, cạnh tranh bình đẳng với nhau.
Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, một loạt các tập đoàn kinh tế nhà nước bị suy sụp, bên bờ vực phá sản do tham nhũng, lãng phí, quản trị doanh nghiệp kém, mà nhiều đại biểu Quốc hội đã ví tập đoàn kinh tế nhà nước này như người khổng lồ chỉ dùng bầu sữa ngân sách nhà nước và cũng không biết trân trọng dòng sữa này để sử dụng một cách có hiệu quả, trong khi các thành phần kinh tế khác tự bươn trải nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao so với đồng vốn bỏ ra.
Cần bảo đảm tính ổn định cho Hiến pháp
Ông Lê Văn Tân, Phó bí thư Tỉnh ủy Hà Nam
Về nền kinh tế Việt Nam, điều 54, tôi nhất trí với phương án 3 “nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”.
Không nhất thiết phải kể tên các thành phần kinh tế, như thế có thể là thiếu hoặc thừa. Các thành phần kinh tế đều bình đẳng nhau, đề cập nội dung như vậy là đủ, vừa đảm bảo tính khái quát và ổn định của Hiến pháp khi cơ cấu kinh tế thay đổi.
Không quy định thành phần kinh tế chủ đạo của kinh tế nhà nước để không có sự phân biệt, đối xử không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Tài nguyên của quốc gia đương nhiên Nhà nước nắm giữ, quản lý, còn doanh nghiệp nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không muốn làm, hoặc không thể làm khi Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi. Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ những lĩnh vực quan trọng nhất của quốc gia như khai thác dầu khí, truyền tải điện, công nghiệp quốc phòng...
Dù không đề cập đến việc kinh tế nhà nước là chủ đạo, nền kinh tế của chúng ta vẫn có thể đảm bảo đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa, quan tâm đến những vấn đề xã hội, thông qua các công cụ điều tiết nền kinh tế như: thuế, chính sách khuyến khích hỗ trợ...
Quá trình phát triển không thể là bất biến
Ông Phạm Trọng Nhân, Phó chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Vật liệu và Xây dựng Bình Dương
Tại khoản 1, điều 54 hiến định về chế độ kinh tế dự thảo đưa ra 3 phương án. Nếu chọn phương án 1 hoặc 2 tức là xác định vị thế kinh tế nhà nước là chủ đạo hoặc việc xác định ưu tiên hay khuyến khích một thành phần kinh tế nào đó trong Hiến pháp theo tôi đều không phù hợp.
Bản Hiến pháp được xem như một đạo luật gốc, do đó chỉ nên ghi nhận nguyên tắc và thừa nhận sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước không thể là bất biến. Từng thời kỳ các chính sách sẽ được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với quá trình phát triển vì thế việc ưu tiên khuyến khích hay hạn chế chỉ nên luật định mà không nên hiến định.
Tôi đề nghị chọn phương án 3 như nội dung dự thảo, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Tôi cho rằng tuyên bố nguyên tắc như vậy là hoàn toàn phù hợp với cương lĩnh và nội dung tuyên bố tại khoản 2 điều này. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Tôi xin nhấn mạnh cụm từ “bình đẳng” tại khoản 2, điều 54 là vô cùng ý nghĩa và đúng đắn, đây cũng là nguyện vọng của đại bộ phận cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong cả nước, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ tiếp tục mong muốn hợp tác với Việt Nam. Quan trọng hơn hết là nhất quán với mục tiêu công bằng xã hội mà chúng ta đã thể hiện ngay phần kết của lời nói đầu.
Đoàn Trần
tbktvn
|