Vụ chìm tàu Dìn Ký:
Dìn Ký đã bồi thường, cơ quan tố tụng nói chưa
Trong bài “27 tháng vẫn chưa điều tra xong vụ chìm tàu Dìn Ký” trên Tuổi Trẻ hôm qua (26-8), Công an và Viện KSND tỉnh Bình Dương giải thích sở dĩ chậm xử lý là vì các nạn nhân Trung Quốc chưa thỏa thuận được phần bồi thường dân sự. Tuy nhiên, thân nhân của nạn nhân lại nói khác.
Thân nhân của bốn nạn nhân người Trung Quốc trong vụ chìm tàu Dìn Ký khẳng định họ đã nhận đủ tiền bồi thường và đã làm đơn bãi nại, không còn vướng mắc nào về dân sự. Thông tin này được ông Guo Liang Cai (Quách Lương Tài - quốc tịch Trung Quốc), người đứng ra tổ chức bữa tiệc sinh nhật cho con trai Quách Hồng Đạt trên chiếc tàu gặp nạn, và luật sư Hà Hải (đại diện cho các nạn nhân) khẳng định với Tuổi Trẻ.
Luật sư Hà Hải khẳng định phần bồi thường dân sự của vụ án chìm tàu Dìn Ký đã được thực hiện xong rất sớm, vào ngày 21-7-2011. Cụ thể theo biên bản, chủ doanh nghiệp tư nhân Dìn Ký đã bồi thường cho gia đình nạn nhân Jiang Li (Khương Lị) 13.000 USD, gia đình nạn nhân Zho Ying Hua (Trác Anh Hoa) 11.000 USD, gia đình nạn nhân Guo Dong Hui (Quách Đông Huy) 13.000 USD và gia đình nạn nhân Guo De Cai (Quách Đức Tài) 12.000 USD.
Lý do vô lý
Khác với khẳng định của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho rằng phải ủy thác tư pháp để biết thân nhân các nạn nhân người Trung Quốc cần bồi thường, trợ cấp cho người thân và những yêu cầu khác về mặt dân sự, biên bản thỏa thuận việc bồi thường của Dìn Ký và các nạn nhân người Trung Quốc đã thể hiện rất chi tiết các khoản bồi thường cho mỗi gia đình nạn nhân, bao gồm: chi phí đi lại, tổn thất tinh thần, cấp dưỡng cho cha mẹ trên 60 tuổi và con cái dưới 18 tuổi.
Ông Guo Liang Cai, người đã có vợ, con cùng bảy người thân trong gia đình tử nạn trong vụ chìm tàu Dìn Ký, nói ông “rất khó hiểu vì sao vụ việc lại để lâu đến như vậy”. Ông cho rằng lý do Công an và Viện KSND tỉnh Bình Dương đưa ra (chưa thỏa thuận được phần dân sự với các nạn nhân người Trung Quốc) là vô lý. Và lý do cần phải ủy thác tư pháp vì họ không có thân nhân ở VN càng vô lý hơn. Bởi nạn nhân Jiang Li có chồng và nạn nhân Zhou Ying Hua có vợ và sau này là em trai ở VN. Còn hai nạn nhân Guo Dong Hui và Guo De Cai chính là anh em con chú bác với ông Guo Liang Cai. Ông Guo cũng là người đại diện cho gia đình hai nạn nhân trên (được thể hiện trong biên bản nhận bồi thường), nhưng từ khi vụ án xảy ra đến nay ông không hề nhận được liên lạc nào từ phía Công an và Viện KSND tỉnh Bình Dương.
Cơ quan tố tụng không biết?!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Nhiều - phó viện trưởng Viện KSND Bình Dương - cho rằng ông không nắm được thông tin liên quan đến việc bãi nại và thỏa thuận dân sự giữa Dìn Ký và bốn nạn nhân mang quốc tịch Trung Quốc. “Nếu đúng có những biên bản thỏa thuận này một cách hợp pháp thì đề nghị nhà báo báo giùm với Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương để cơ quan này gặp gỡ thân nhân và tiếp cận với các biên bản trên để tiến hành theo đúng thủ tục tố tụng” - ông Nhiều nói.
Trao đổi với đại tá Trần Văn Chính - phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương - về việc có khôi phục điều tra hay không khi phần thỏa thuận dân sự giữa các nạn nhân và nhà hàng Dìn Ký đã được thống nhất, ông Chính hẹn sẽ trả lời vào hôm khác sau khi xin ý kiến cấp trên.
Luật sư Huỳnh Lâm Phát (Đoàn luật sư TP.HCM):
Vi phạm thủ tục tố tụng
Với tình tiết của vụ án mà ai cũng đã biết, rõ ràng hai bị can Nguyễn Văn Đức và Lao Văn Quang đã có dấu hiệu phạm tội, thậm chí là phạm nhiều tội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cho nên hai bị can nói trên có thể sẽ phải gánh chịu hình phạt tù tổng hợp đến hoặc hơn 10 năm theo quy định của Bộ luật hình sự. Vì vậy, việc Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can và nhất là việc không áp dụng biện pháp ngăn chặn là không đúng quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự.
Ông Trần Đông Chu (kiểm sát viên cao cấp Viện phúc thẩm 3, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao):
Sẽ tạo thành tiền lệ rất xấu
Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự VN quy định trong trường hợp các bị can bị bệnh tâm thần và phải giám định mới tạm đình chỉ điều tra vụ án và tạm đình chỉ điều tra bị can chứ không có quy định nào cho phép tạm đình chỉ điều tra vì chưa bồi hoàn được trách nhiệm dân sự. Bởi vậy, lý do tạm đình chỉ điều tra do cơ quan điều tra đưa ra là thiếu thuyết phục và không đúng với quy định của pháp luật. Thông thường trong những vụ án cụ thể, nếu chưa giải quyết được phần dân sự thì sẽ tách ra để xử lý phần hình sự trước.
Do đó, việc Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện KSND tỉnh Bình Dương có làm tới cùng hay không hoàn toàn là trách nhiệm của hai đơn vị này. Vụ chìm tàu Dìn Ký là một vụ án được dư luận quan tâm và hậu quả của nó vô cùng thảm khốc. Nếu vụ án này không được xử lý cẩn thận, rốt ráo đúng người, đúng tội thì sẽ trở thành tiền lệ rất xấu cho những vụ án khác.
Theo tôi, trách nhiệm về hình sự ở đây không chỉ là của hai nhân viên nhà hàng là người đã lái tàu và người đã điều tàu đi mà còn có trách nhiệm của người sở hữu phương tiện. Đối với phương tiện đã hết hạn đăng kiểm và không còn an toàn thì không được phép lưu thông. Bởi vậy, yêu cầu bây giờ là phải điều tra và xử lý vụ án một cách nghiêm túc và công bằng, không thể để lọt tội phạm, dù người đó là ai.
|
Hoàng Điệp - Viễn Sự
tuổi trẻ
|