Dự án chống ngập tăng vốn lên hơn 50.000 tỉ đồng
Dự án này có thể đến năm 2020 mới hoàn thành thay vì năm 2017 như kế hoạch ban đầu
Dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM (còn gọi là dự án 1547) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư hơn 11.531 tỉ đồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng Trung tâm Ðiều hành chương trình chống ngập nước TP HCM (gọi tắt là Trung tâm Chống ngập) chủ trì.
Nhiều khu vực ở TP HCM sẽ giảm ngập nếu dự án 1547 được thi công đúng tiến độ
|
Dự án được chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2008-2012, thực hiện các giải pháp kiểm soát thủy triều, chủ động hạ thấp mức nước trên các kênh trục bao quanh bờ hữu ven sông Sài Gòn - Nhà Bè; giai đoạn sau năm 2012 sẽ thực hiện các giải pháp kiểm soát ở khu vực ngã ba sông Ðồng Nai - Sài Gòn với các giải pháp kiểm soát lũ thượng lưu và nước biển dâng trong tương lai, gắn kết việc vận hành công trình kiểm soát nước với việc cải thiện môi trường kênh rạch, các vùng đất phèn. Ðể giải quyết tình trạng trên, dự án sẽ xây 13 cống ngăn triều, 6 tuyến đê bao lớn và cải tạo 9 trục thoát nước chính. Ðây là dự án được Chính phủ, Bộ NN-PTNT, UBND TP HCM đánh giá là dự án lớn, sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng cho TP HCM và các tỉnh lân cận, giúp cải thiện môi trường kênh rạch...
Theo Trung tâm Chống ngập, đến thời điểm này, ngoài cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã thi công đạt 70% tiến độ và đang đưa vào vận hành thử, hầu hết các hạng mục còn lại như cống kiểm soát triều rạch Tra, cống kiểm soát triều sông Vàm Thuật, rạch Nước Lên, rạch Bến Nghé vẫn đang chờ vốn. Còn các tuyến đê bao và bờ hữu ven sông Sài Gòn với tổng chiều dài 179,6 km đến nay mới thực hiện được hơn 50,3 km. Toàn bộ dự án hiện mới chỉ giải ngân được 2.500 tỉ đồng. Do kéo dài thời gian thi công dẫn đến vốn đầu tư dự án từ 11.531 tỉ đồng tăng lên trên 50.000 tỉ đồng và dự kiến phải đến cuối năm 2020, dự án mới hy vọng hoàn thành thay vì năm 2017 như kế hoạch đề ra.
Ông Vũ Văn Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án 1547 (thuộc Trung tâm Chống ngập), cho biết nguyên nhân dự án chậm tiến độ trong nhiều năm là do thiếu vốn. Ngoài ra, do đây là dự án lớn và phức tạp nên phải lấy ý kiến nhiều sở - ngành và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. "Thời gian tới, nếu không có vốn để thi công kịp thời thì những hạng mục đã thi công sẽ bị lãng phí, nguồn vốn đầu tư có thể tiếp tục đội lên so với hiện tại" - ông Bình nhấn mạnh.
Thành Đồng
người lao động
|