Đẩy mạnh phát triển xăng E5 từ sắn
(PL)- Đó là nội dung được nhiều nông dân, doanh nghiệp và chuyên gia quan tâm tại Diễn đàn @ Nông nghiệp với chủ đề giải pháp phát triển sắn (khoai mì) bền vững do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 26-8, tại Tây Ninh.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, cho biết Tây Ninh là tỉnh có sản lượng sắn lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 45.000 ha, sản lượng 1,3 triệu tấn.
Việc phát triển nhiên liệu xăng sinh học lấy nguyên liệu từ sắn đang tạo cơ hội cho nông dân nhưng thiếu xây dựng vùng nguyên liệu sắn, chuỗi cung ứng cho chế biến xuất khẩu giữa nông dân và doanh nghiệp. Trong khi nhà máy sản xuất xăng E5 vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu sắn từ Campuchia với giá rẻ. Các nhà máy sản xuất xăng E5 sẽ tiếp tục được xây dựng thêm nhưng đang gặp phải sự cạnh tranh với các nhà máy chế biến xuất khẩu về giá. Nếu giá sắn cao thì các nhà máy sản xuất xăng E5 không thể mua giá cao vì nếu mua giá cao thì chắc chắn giá xăng E5 ra thị trường sẽ cao và khó tiêu thụ. Như vậy để giải bài toán nguyên liệu này chỉ bằng cách tăng năng suất sắn, giảm giá thành sản xuất.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hữu Hỷ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (Bộ NN&PTNT), cần phải quy hoạch, quản lý và chính sách riêng phát triển ngành sắn. Cụ thể, thành lập Hiệp hội Sắn Việt Nam nhằm điều hành kiểm soát giá sắn, liên kết nông dân, doanh nghiệp, xác định chiến lược phát triển sắn phù hợp; quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với từng nhà máy sản xuất từng loại sản phẩm như xăng E5, tinh bột…
Hiện nhu cầu tiêu thụ sắn sản xuất xăng E5 trong nước chiếm 36% sản lượng, 20% chế biến thủ công, 20% làm thức ăn chăn nuôi, tiêu dùng trực tiếp chỉ chiếm 12%, còn lại là nhu cầu khác.
Quang Huy
Pháp luật TPHCM
|