Chưa có lối ra cho cổ phiếu dưới mệnh giá
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết từ nay tới cuối năm tiếp tục xem xét tháo gỡ khó khăn cho việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá của các doanh nghiệp trên cơ sở ý kiến của đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp về việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá và giá phát hành.
Thị giá hơn một nửa cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn chứng khoán đã xuống dưới mệnh giá
|
“Trong thời gian trước mắt, cơ quan quản lý tiếp tục cho phép các tổ chức niêm yết không phải ngành kinh doanh có điều kiện được phát hành dưới mệnh giá nếu có đủ thặng dư vốn bù đắp”, nguồn tin từ cơ quan này cho biết.
Theo UBCKNN, ngoài ý kiến của đại hội đồng cổ đông, doanh nghiệp nếu muốn phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá vẫn phải tuân thủ các điều kiện phát hành ra công chúng và một số điều kiện quy định khác.
Các quy định khác ở đây, theo dự thảo thông tư hướng dẫn về phát hành cổ phần dưới mệnh giá, doanh nghiệp phải có thặng dư vốn cổ phần, hay lợi nhuận chưa phân phối đủ bù đắp số thiếu hụt vốn chủ sở hữu từ đợt chào bán cổ phần dưới mệnh giá.
Sau khi phát hành, vốn điều lệ phải nhỏ hơn hoặc bằng vốn chủ sở hữu. Song hiện nay dự thảo thông tư này không được ban hành vô thời hạn vì “không phù hợp với các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” nên theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, đã xin hoãn việc ban hành thông tư và chuyển sang nghiên cứu, bổ sung vào các văn bản khác khi có điều kiện.
“Chúng tôi đang ở thế khó, bởi SSC với tư cách là cơ quan thi hành, không phải đơn vị ban hành các văn bản pháp luật, nên khả năng gỡ rối về pháp lý rất hạn chế”, theo ông Vũ Bằng. Tuy nhiên, thời gian qua, trên nguyên tắc này, UBCKNN cũng đã cấp phép cho vài doanh nghiệp được phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá.
Hiện nay, trên hai sàn chứng khoán niêm yết, hơn một nửa số cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần). Việc UBCKNN mới đây cấp phép cho Công ty cổ phần tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) được phát hành cổ phần dưới mệnh giá đã mở ra nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp đang thiếu vốn và khó khăn về dòng tiền.
Theo UBCKNN, những khó khăn của nền kinh tế cùng với lý do các điều kiện niêm yết, quản lý giám sát chặt chẽ hơn đặc biệt là vấn đề công bố thông tin nên số lượng công ty niêm yết mới giảm mạnh và số lượng công ty bị hủy niêm yết tăng với mức cao nhất từ trước tới nay.
Sáu tháng đầu năm, số lượng công ty niêm yết mới tăng khoảng 7 công ty. Trong khi đó có 21 công ty và 1 chứng chỉ quỹ bị hủy niêm yết (trong đó 16 công ty hủy niêm yết bắt buộc, 3 công ty hủy niêm yết tự nguyện, và 2 công ty chuyển sang thị trường Upcom), đưa tổng số công ty niêm yết trên 2 sàn vào khoảng 737 công ty (chưa kể 135 công ty giao dịch trên hệ thống Upcom).
Cũng trong 6 tháng đầu năm đã có 21 công ty niêm yết bị hủy niêm yết do: lỗ 3 năm liên tiếp, lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ, hủy niêm yết tự nguyện để tái cấu trúc công ty và để thực hiện giải thể công ty (bằng số lượng công ty hủy niêm yết cả năm 2012).
Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu, đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu Chính phủ đạt 114.840 tỉ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ năm 2012). Tuy nhiên, huy động vốn qua phát hành cổ phiếu giảm mạnh, chỉ đạt 2.344 tỉ đồng (giảm tới 58% so với cùng kỳ).
Nửa cuối năm 2013, UBCKNN cho biết đang xem xét tháo gỡ cho doanh nghiệp trong vấn đề huy động vốn qua phát hành trái phiếu, sớm xây dựng tổ chức định mức tín nhiệm, triển khai sản phẩm quỹ hưu trí và các sản phẩm mới về trái phiếu.
Trường Nam
tbktsg
|