Chê món hời triệu đô, ôm khoản lỗ chục tỷ
Những dự án một thời được vẽ lên lung linh, thu hút hàng ngàn người bỏ tiền tỷ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chỉ là một vùng hoang vu, chôn vùi đống tài sản của hàng chục ngàn nhà đầu tư.
* Đại lộ Thăng Long: 'Nghĩa địa' bất động sản Hà Nội
Tử nạn trên đường cao tốc
Trong cơn sốt đất phía Tây, anh Nguyễn Đức Thọ (giám đốc công ty tài chính ở Hà Nội) vội xuống tiền 2 lô đất tiền tỷ. “Sóng” nhà đất chưa được bao lâu, anh đã bị mắc kẹt tới bây giờ vẫn chưa có lối thoái.
Năm 2010, thông tin đại lộ Thăng Long sắp đưa vào sử dụng cùng ý tưởng trục Thăng Long được lập trong đề án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội có thể thành hiện thực đã được các đầu nậu lợi dụng thổi giá đất vùng ven phía tây Hà Nội tăng chóng mặt, kể cả đất nông nghiệp. Xã An Khánh (Hoài Đức - Hà Nội) được xem là tâm điểm tăng giá đất.
Anh Thọ cho hay, mảnh đất này anh mua lại của một người trong làng hồi tháng 1/2010, với giá 15 triệu/m2. Giá đất lên từng ngày, có lúc anh rao 26 triệu đồng/m2 vẫn có người hỏi mua nhưng anh cũng không vội bán. Cơn sốt đất hạ nhiệt, giá mảnh đất đó đã bốc hơi hơn một nửa, anh Thọ đang rao bán mảnh đất đó khắp nơi cũng chưa thể thoát hàng.
“Cứ nghĩ con đường đi vào hoạt động đất sẽ tăng giá chóng mặt nhưng ai ngờ đâu. Giờ rẻ mấy cũng không ai hỏi”, anh Thọ ngậm ngùi.
Nhiều văn phòng nhà đất dọc Đại lộ Thăng Long đã đóng cửa.
|
Dọc đại lộ Thăng Long, hai bên đường số văn phòng nhà đất còn mở cửa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều biển hiệu “tư vấn nhà đất” đã rách nát theo cùng năm tháng, giống như tình trạng ảm đạm của bất động sản khu vực này.
Chỉ tính riêng khu vực thôn Liệp Mai, xã Ngọc Diệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội, có tới hàng trăm mảnh đất được chia lô đang rao bán. Chị Hải, một người dân sống ở đây cho hay, cách đây chỉ hai năm, người “thủ đô” về đây săn lùng đất nhiều lắm, giá đất cũng tăng chóng mặt từ 15 triệu đồng/m2 lên 20 triệu đồng/m2, có lúc lên tận 25 triệu đồng/m2. Rất nhiều người ở nơi khác từng ngày đến hỏi mua đất ruộng để đầu cơ, chờ tăng giá, bán sang tay kiếm lời.
Chị Hải vừa chỉ tay các lô đất ngay ven đường đại lộ Thăng Long vừa kể: “Ngày trước ai cũng nghĩ mua đất ở đây rồi sẽ ra mặt đường nhưng giờ thì không có chuyện đó. Những mảnh đất ngay đường là vậy nhưng phải đi vòng trong làng mới vào được, còn chờ quy hoạch của xã còn lâu lắm. Toàn là đất nông nghiệp chưa có sổ đỏ”.
Theo chị Hải, những mảnh đất này đang rao bán với giá 5 – 10 triệu đồng/m2 thì khó có thể bán được. “Đất thổ cư có sổ đỏ trong làng vị trí mặt đường đẹp mà có 10 triệu đồng/m2,đất này ai mua mà à có mua cũng không biết bao giờ mới làm được sổ đỏ”, chị Hải thẳng thắn.
Cò cũng gẫy cánh
Chị Nguyễn Việt Hà, một dân đầu tư “ôm” lô đất Nam An Khánh đang “khóc dở, mếu dở” trong tình cảnh thị trường hiện nay. “Mình mua hai lô đất liền kề diện tích 276 m2 tại dự án Nam An Khánh giá 23 triệu đồng/m2. Nếu “chốt lời” ở thời điểm đó, mình đã thu về khoản lợi nhuận không hơn tỷ đồng tỉ đồng/lô, nhưng giờ thì mơ cũng không dám”, chị Hà cho hay.
Hơn 1 năm nay, chị Hà rao bán mấy lô đất đó cũng không có người hỏi mua. Mới đây, chủ đầu tư chào bán ra thị trường với giá khoảng 18 triệu đồng/m2 như “xát muối vào lòng”. “Hàng tồn nhiều mà chẳng có khách mua, vốn ứ đọng, hàng tháng căng lưng lo trả lãi những khoản vay từ trước không biết đến bao giờ đây…”, chị Hà rầu rĩ.
Nhắc tới cơn sốt đất trước đây, anh Trần Trung Kiên (một môi giới nhà đất tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa hết run. “Đúng là hồi đó sốt đất đi mua cứ như tranh cướp, cứ mua được là thắng, chẳng để ý gì tới pháp lý, sổ đỏ. May mà lướt vội, không thì vỡ mặt”, anh Kiên cho hay.
Mới đây, tại dự án Spendora không ít khách hàng, trong đó có nhà đầu tư thứ cấp đã phải dọa kiện chủ đầu tư vì một số rắc rối trong hợp đồng cũng như thi công. Một trong những nguyên nhân sâu xa của vụ việc này, là trái đắng của nhà đầu tư thứ cấp bị mắc kẹt tại dự án này. Một khách hàng cho hay, với hai căn hộ của mình khách hàng này đã phải trả tiền chênh lót tay so với giá gốc là 16 tỷ. Sau đó một năm, giữa năm 2011 ngay cả khi thị trường đã có dấu hiệu đi xuống thì giá trị tiền chênh của hai căn hộ này vẫn hơn chục tỷ.
Nhiều người ôm trên ba căn mua từ khi hợp đồng góp vốn thì lãi cả triệu đô một năm sau ký hợp đồng mua bán là bình thường. Đến thời điểm hiện tại, giá đã rớt thê thảm, trong khi đó phải đóng tiền để nhận nhà đang là gánh nặng với không ít người mua.
Anh Kiên cho biết, anh là một trong số ít những dân buôn đất lướt sóng kịp thời do ăn non. Không ít đồng nghiệp với anh đang còn mắc kẹt hàng chục tỷ đồng tiền đất ở dọc đại lộ Thăng Long. Thực chất, việc giá đất tăng chỉ là hậu quả từ việc lướt sóng của một số đầu nậu đất đai, chứ không phải phải là nhu cầu thực về đất ở. Nhiều người dân không nắm được thông tin, cũng tự tăng giá, khiến giá đất cao bất thường.
“Đất khu vực này nói chung mới chỉ là tiềm năng chứ chưa thể thành hiện thực được. Để có cơn sốt đất tiếp theo chắc cũng phải chờ lâu nữa, bởi người mua giờ cũng đã thấm đủ đòn rồi”, anh Kiên nhận định.
Sau quy hoạch, Thủ đô sẽ có một quỹ đất khổng lồ, chính vì thế tình trạng sốt đất như tại Đông Anh, Ba Vì... thời gian qua sẽ khó xảy ra, bởi các khu đô thị vệ tinh sẽ có tầm nhìn rất dài (30 năm). Cũng vì những người “chạy trước” đã không gặt hái được thành công, thậm chí là đã nếm phải trái đắng từ những gì được cho là có liên quan đến quy hoạch Thủ đô, nên giờ đây mọi động thái “xuống tiền” đã được giới đầu tư từ bé đến lớn cẩn trọng hơn rất nhiều.
Duy Anh
vietnamnet
|