Bí ẩn đằng sau việc tái cấu trúc của Hoàng Anh Gia Lai
Cuối cùng một doanh nghiệp lớn trên sàn được nhiều nhà đầu tư quan tâm, một doanh nghiệp năng động bậc nhất Việt Nam đã phải tuyên bố tái cấu trúc. Điều này đồng nghĩa với Hoàng Anh Gia Lai thừa nhận những khó khăn của mình. Ở một góc nhìn tích cực hơn thì rõ ràng đó là một sự năng động, chủ động vượt qua khó khăn để vươn lên.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng đây chỉ là “bánh vẽ” hoặc là đằng sau đó còn những điều bí ẩn khác.
* HAGL: Đã bán 6 dự án thủy điện, thu về hơn 2,000 tỷ
* HAG sẽ có công ty AMC riêng trong 3 năm?!
Tại buổi tiếp xúc các nhà đầu tư vào ngày 19/08 tại TPHCM, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) đã công bố kế hoạch tái cấu trúc Tập đoàn. Theo đó, Tập đoàn này sẽ dần thoái vốn và thu hẹp các ngành khai khoáng, thủy điện, bất động sản tại Việt Nam và đầu tư vào hai mảng chính là nông nghiệp và bất động sản tại Myanmar.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý nhất trong kế hoạch tái cấu trúc đó là việc HAG sẽ tách phần lớn mảng kinh doanh bất động sản trong nước qua một công ty độc lập với Tập đoàn. Trong giới tài chính, thuật ngữ dùng để chỉ cách thức tái cấu trúc này là “spin off”. Hiểu một cách đơn giản đây là quá trình tái cấu trúc bằng cách tách mảng kinh doanh nào đó của doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả hoặc không phải là hoạt động kinh doanh lõi ra và chuyển vào một công ty hoàn toàn mới. Như vậy, sự yếu kém trong mảng hoạt động trước đây sẽ không làm ảnh hưởng đến công ty mẹ và đồng thời kỳ vọng doanh nghiệp mới sẽ làm ăn tốt hơn nhờ sự năng động hoặc được bơm vốn mới bởi cổ đông khác.
Kế hoạch tái cấu trúc tại HAG là tách CTCP Xây lắp An Phú (hiện là công ty con của CTCP XD & PT Nhà Hoàng Anh) ra thành một công ty độc lập và chuyển một số dự án bất động sản từ công ty Nhà Hoàng Anh sang An Phú. Do công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai chiếm đến hơn 99% sở hữu tại hai công ty này nên quá trình sẽ được thực hiện một cách dễ dàng và không ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông hiện tại.
Đáng lưu ý là nếu quá trình tái cấu trúc dừng lại ở Bước 2 tức chỉ đơn thuần chuyển tài sản từ Nhà Hoàng Anh sang An Phú thì về thực chất trên báo cáo tài chính hợp nhất của HAG sẽ không có gì thay đổi. Điểm mấu chốt của quá trình này chính là việc tách riêng An Phú ra khỏi Tập đoàn bằng cách bán cổ phần An Phú cho cổ đông hiện hữu của HAG. Tất nhiên, cổ đông cũng không phải bỏ ra đồng tiền nào vì tiền mua cổ phiếu An Phú bằng đúng số tiền nhận được từ cổ tức HAG. Như vậy, đến Bước 3 này thì cổ đông của HAG vẫn có một khối lượng tài sản như của HAG trước khi tái cấu trúc.
Ông Đoàn Nguyên Đức (trái) tại buổi tiếp xúc nhà đầu tư tại TPHCM ngày 19/08 - Ảnh: Vietstock
|
Điểm mấu chốt của quá trình tái cấu trúc này chính là những giá trị mà nó sẽ tạo ra sau này. Trước tiên, đối với cổ phiếu HAG đang niêm yết lúc này sẽ không liên quan về mặt sở hữu đối với An Phú. Mối liên hệ duy nhất là món nợ hơn 3,000 tỷ đồng mà An Phú đang vay HAG. Tuy nhiên, nếu món nợ này được ông Đoàn Nguyên Đức đảm bảo cá nhân bằng chính số lượng cổ phiếu của mình thì rủi ro của khoản nợ này rất thấp.
Như vậy, việc tái cấu trúc này sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu HAG trên thị trường chứng khoán nếu như nhà đầu tư cho rằng khối bất động sản mà của An Phú vừa được HAG bán cho lớn hơn giá trị sổ sách thì có nghĩa là giá trị của HAG đã giảm xuống và họ sẽ bán ra cổ phiếu HAG. Ngược lại, những nhà đầu tư xem bất động sản của HAG chỉ là “cục nợ xấu” thì giá trị HAG sẽ tăng thêm và họ sẽ mua vào.
Đối với những cổ đông lớn của HAG như ông Đoàn Nguyên Đức thì việc tách ra này có thể là bước đi đầy toan tính. Giá trị của những bất động sản tại An Phú có thể lớn hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách. Ngoài ra, khi không còn chịu ràng buộc bởi quy định của một doanh nghiệp niêm yết thì An Phú có thể năng động trong quá trình tái cấu trúc, vay vốn phát triển dự án hoặc bán các tích sản của mình. Lúc đó, An Phú sẽ nhanh chóng thu hồi được vốn và mang lại cho những cổ đông lớn như ông Đoàn Nguyên Đức một số món lời lớn. Tất nhiên, cũng có khả năng An Phú thua lỗ và ông Đức phải mất tài sản, tiền bảo lãnh nhưng có lẽ điều này khó diễn ra.
Như vậy, đằng sau câu chuyện tái cấu trúc của HAG vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Mức độ ảnh hưởng đến cổ phiếu HAG đang niêm yết sẽ tùy thuộc vào cách nhìn nhận của nhà đầu tư. Tuy nhiên, cần lưu ý với một doanh nhân có đầu óc “chiến lược” như ông Đoàn Nguyên Đức thì đây có lẽ không phải là việc tái cấu trúc bình thường. Đối với doanh nghiệp khác thì bước đi tiên phong của HAG sẽ là bài học rất quý giá.
Hồ Xung
Infonet
|