Bê bối trong việc PVN chỉ định tổng thầu dự án 1,2 tỷ USD
Cơ quan chức năng đã chỉ ra hàng loạt bê bối xung quanh việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ định thầu tại dự án nhiệt điện Long Phú 1.
* PVN chỉ định thầu sai quy định
* PVN chấp thuận cho PVX thực hiện 2 gói thầu hơn 2 tỷ USD
Chỉ một tuần sau khi ký kết hợp đồng tổng thầu EPC, PTSC đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 vào ngày 05/1/2011
|
Tổng thầu dự án 1,2 tỷ USD “chưa có kinh nghiệm”
Tháng 7/2010, PVN chính thức phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 có công suất 1.200 MW, với tổng mức đầu tư lên đến 1.200 triệu USD. Tiếp đó, ngày 2/12/2010, PVN đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt phương án và nhà thầu thực hiện gói thầu EPC của dự án.
Ngày 28/12/2010, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản (số 9422) thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đồng ý về nguyên tắc để PVN tiến hành thủ tục chỉ định tổng thầu EPC, giao PVN chịu trách nhiệm về việc “lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu”, có hồ sơ đáp ứng về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ và hiệu quả của dự án.
Cùng ngày 28/12/2010, khi có văn bản số 9422, PVN và Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) (HNX: PVS) đã ký hợp đồng gói thầu EPC dự án có giá trị 1,2 tỷ USD.
Sau đó, PTSC đã thực hiện lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị cho gói thầu EPC với điều kiện thu xếp vốn tín dụng xuất khẩu ECA cho ít nhất 80% giá trị hợp đồng và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng là G7 hoặc tương đương. Trong quá trình triển khai công tác đấu thầu cung cấp thiết bị, PTSC đã nhiều lần thay đổi phương án phân chia thiết bị của nhà máy thành các gói thầu khác nhau và tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Từ các kết quả đánh giá, PVN đề xuất Liên danh nhà thầu PM – BTG trúng thầu gói BTB với giá trị là 772.281.335 USD. Liên danh nhà thầu GEC – GEII trúng gói thầu STG, với giá trị là 147.210.884 USD.
Trước sự vội vàng chỉ định thầu EPC của PVN, trong văn bản số 493 (ngày 21/6/2013) gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương khẳng định quyết định chỉ định thầu EPC cho PTSC trong cùng một ngày (ngày 28/12/2010) với ngày phát hành văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (văn bản số 9422) là “thể hiện sự vội vàng và thiếu chặt chẽ trong việc thực hiện các thủ tục chỉ định thầu EPC cho dự án”.
Đặc biệt, tại văn bản 493, Bộ Công Thương cho rằng PVN đã thực hiện chỉ định PTSC làm tổng thầu EPC trong khi PTSC “chưa có kinh nghiệm về quản lý, điều hành và thực hiện hợp đồng EPC cho một dự án nhiệt điện nào, nhất là dự án như Long Phú 1”. Vì vậy, quá trình lựa chọn nhà thầu phụ của PTSC đã bị kéo dài, nhiều lần đã phải thay đổi phương án phân chia các gói thầu, gây chậm trễ tiến độ, kết quả thực hiện không đạt được các mục tiêu mà PVN đưa ra.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại văn bản số 2863 (ngày 7/5/2013), cũng thẳng thắn nhìn nhận: “PTSC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC dự án nhà máy nhiệt điện than” nên “cần làm rõ việc xác định năng lực, kinh nghiệm làm tổng thầu của PTSC đã tuân thủ theo quy trình chỉ định thầu” hay chưa. Đồng thời, Bộ KHĐT đề nghị “cần thiết phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 9422 ngày 28/12/2010”.
“Đánh bùn sang ao”
Trái ngược với động thái nhanh chóng ký hợp đồng tổng thầu EPC với PTSC trong cùng ngày với ngày phát hành văn bản của Thủ tướng Chính phủ (ngày 28/12/2010), thì mới đây, ngày 6/3/2013, PVN lại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho thay đổi chủ thể hợp đồng EPC của dự án từ PTSC là tổng thầu thành liên danh tổng thầu EPC gồm PM – BTG (OJSC Power Machines và BTG Holding S.R.O - nhà thầu cung cấp gói BTB) và PTSC, trong đó PM – BTG là thành viên đứng đầu liên danh!.
Với đề xuất được xem là “đánh bùn sang ao” này, cả Bộ Tài chính (công văn số 5158, ngày 26/4/2013) và Bộ Kế hoạch Đầu tư (văn bản 2863) đều khẳng định, việc điều chỉnh chủ thể tổng thầu EPC theo kiến nghị của PVN là chưa có tiền lệ, chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu.
Tại văn bản số 493, Bộ Công Thương cũng đã thể hiện rõ quan điểm khi cho biết kiến nghị thay đổi tổng thầu EPC mà PVN đưa ra là “chưa đủ cơ sở pháp lý, chưa có tiền lệ, có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch trong xác định giá trị hợp đồng, làm tăng tổng mức đầu tư trong khi dự án trên thực tế chưa được triển khai sẽ đẩy tăng giá điện mà EVN phải mua và các hệ quả không tốt khác trong quá trình thực hiện dự án”.
Khi những bê bối trong việc chỉ định tổng thầu và các đề xuất của PVN đang vấp phải dự phản ứng, thì ngày 7/8/2013, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) lại có văn bản số 0801 “đốc thúc” PVN sớm triển khai các thủ tục chấm dứt hợp đồng EPC với tổng thầu PTSC, đồng thời xem xét thực hiện thủ tục chỉ định tổ hợp nhà thầu gồm PTSC – PM – BTG làm tổng thầu cho dự án như đề xuất của PVN tại văn bản ngày 6/3/2013.
Trong khi đó, nhiều người đã tỏ ý lo ngại về năng lực chuyên môn cũng như khả năng thu xếp vốn cho dự án 1,2 tỷ USD nếu tổ hợp nhà thầu PTSC – PM – BTG được chỉ định làm tổng thầu EPC như kiến nghị của EVN. Bởi, ngoài PTSC “chưa có kinh nghiệm về quản lý, điều hành và thực hiện hợp đồng EPC cho một dự án nhiệt điện nào” như báo cáo của Bộ Công Thương, thì với nhà thầu PM, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng đã có văn bản số 2863 (ngày 7/5/2013), khuyến cáo PVN “cần lưu ý” với một số tồn tại, khiếm khuyết của lò hơi tại dự án nhà máy nhiệt điện Uông Bí (Quảng Ninh) mà doanh nghiệp này thực hiện.
Về năng lực tài chính, theo Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam, đề xuất tài chính của tổ hợp nhà thầu này (MP – BTG) là các tổ chức ECA được xác định “có ít hoặc chưa có giao dịch trên thị trường tài chính nói chung và Việt Nam nói riêng”, điều này sẽ làm giảm sự quan tâm của các ngân hàng quốc tế đối với dự án…
Việt Hưng
pháp luật vn
|