Bất ổn quy định giữ hộ vàng
Cơ quan quản lý khó có thể nhận biết đâu là vàng của người dân gửi, đâu là vàng của ngân hàng, từ đó ngân hàng có thể bán ra một phần số vàng giữ hộ, gây nhiều hệ lụy
Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ bảo quản vàng miếng (tạm gọi là giữ hộ vàng) của các NH thương mại. Thông tin này đang được dư luận chú ý.
Ngân hàng ngưng huy động và hạn chế giữ hộ vàng khiến người có vàng phải lo tự cất giữ
|
Coi chừng biến tướng
Theo đó, nội dung quan trọng nhất là NH thương mại không được sử dụng vàng miếng giữ hộ dưới mọi hình thức, kể cả chuyển đổi thành tiền, bán, cho vay, cầm cố, thế chấp, ký quỹ bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của NH. NH cũng không được ủy thác cho tổ chức, các đại lý, cá nhân khác thực hiện dịch vụ giữ hộ vàng miếng… Tuy nhiên, theo dự thảo, các NH được sử dụng vàng miếng giữ hộ của khách hàng này để trả lại vàng miếng đã nhận giữ hộ cho khách hàng khác.
Nhiều ý kiến cho rằng NH Nhà nước ban hành quy định cụ thể về giữ hộ vàng là để ngăn chặn các NH sử dụng vàng giữ hộ vào mục đích khác. Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh và Ðầu tư vàng Việt Nam (VGB), dự thảo không cho phép các NH bán, ký quỹ, ủy thác, thế chấp vàng sẽ hạn chế được tình trạng NH dùng vàng của khách hàng làm tài sản thế chấp để vay VNÐ từ NH bạn nhằm đối phó những thời điểm thiếu hụt về thanh khoản. Thế nhưng, tổng giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội cho rằng dự thảo cho phép NH dùng vàng của người gửi để trả cho người khác có thể dẫn đến tình trạng NH tùy tiện sử dụng vàng của người gửi, kể cả bán vàng giữ hộ. "Giả sử NH nhận giữ hộ 100 lượng vàng rồi bán ra 50 lượng để lấy vốn kinh doanh, sau đó NH tiếp tục nhận giữ hộ 50 lượng vàng hoặc mua lại trên thị trường bù đắp cho số vàng đã bán để trả lại cho khách hàng... thì cũng không ai kiểm soát được" - vị này cho hay.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - NH Trường Ðại học Mở TP HCM, cho rằng do NH thường xuyên mua - bán vàng nên trong số vàng mà các NH đang nắm giữ, cơ quan quản lý không thể phân biệt được đâu là vàng của NH, đâu là vàng mà NH nhận giữ hộ. Do đó, vàng giữ hộ sẽ dễ dàng biến thành vàng của NH và nếu NH chủ động bán ra thì cơ quan quản lý bó tay.
Ðừng quên bài học tất toán trạng thái vàng!
Một số ý kiến lo ngại trường hợp NH cố tình bán vàng giữ hộ có thể xảy ra nhiều tình huống khó lường. Chẳng may sau khi bán, giá vàng tăng đột biến, NH phải mua lại bằng mọi giá. Ðiều này có thể làm cho thị trường vàng bất ổn, thậm chí có thể gây rủi ro dây chuyền. Bài học từ việc các NH phải tất toán trạng thái vàng vừa qua mà một minh chứng.
Dư luận đặt vấn đề có hay không trong thời gian qua, một số NH đã bán một phần số vàng mà khách hàng gửi trước ngày 11-7 (thời điểm hàng chục NH tạm ngưng giữ hộ vàng) và chưa đến hạn rút vàng. Nếu điều này là có thật thì việc các NH mạnh tay mua vàng trong số 56,8 tấn vàng thông qua 55 phiên đấu thầu vừa qua cũng là điều dễ hiểu. TS Nguyễn Văn Thuận cho rằng: Do thời gian gần đây các NH giữ hộ vàng có trả phí, miễn phí cho người gửi nên không ít NH đã chuyển hóa một phần số vàng giữ hộ thành tiền. Khi khách hàng đột ngột rút vàng, NH vội vã mua lại số vàng đã bán khiến giá vàng vào những thời điểm đó biến động mạnh...
Lãnh đạo một số NH cũng cho rằng nếu chỉ giữ hộ vàng thuần túy như một dịch vụ thì chắc chắn rất ít NH mặn mà. Tổng giám đốc một NH tại TP HCM phân tích: Tuy NH Nhà nước đã cấp phép giữ hộ vàng cho nhiều NH thương mại (hiện đã có 12 NH thương mại được phép) nhưng không ít NH không muốn triển khai vì mức phí quá ít, chỉ từ 10.000-20.000 đồng/lượng/năm!
Hậu kiểm vàng nhập khẩu
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo cho phép miễn kiểm tra và khai báo chi tiết về thủ tục hải quan đối với vàng do NH Nhà nước nhập khẩu. Vàng nhập khẩu được đưa về kho của đơn vị do NH Nhà nước ủy nhiệm nhận hàng với điều kiện được niêm phong cho đến khi hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định...
Xung quanh vấn đề này, ngày 26-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Ðộng, Phó Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng giải thích: Do vàng nhập khẩu là tài sản quốc gia, giá trị quá lớn, các khâu khai báo và kiểm tra hải quan mất quá nhiều thời gian nên Chính phủ cho phép đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu rồi kiểm tra sau để NH Nhà nước kịp thời cung ứng cho thị trường.
|
Thy Thơ
người lao động
|