Ấn Độ kêu gọi kiều dân cứu đồng Rupee
Cộng đồng người Ấn Độ ở nước ngoài đã nhiều lần giúp nước này thoát khỏi các cuộc khủng hoảng kinh tế. Đối mặt với tình trạng đồng Rupee rớt giá thảm hại, New Dehli lên tiếng kêu gọi kiều dân gửi thêm kiều hối về nước để vực dậy tỷ giá đồng nội tệ.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters cho biết, lần này, những nhà đầu tư lớn trong cộng đồng kiều dân hơn 25 triệu người của Ấn Độ, tỏ ra không mấy hứng thú vì triển vọng kinh tế Ấn đang xấu đi, trong khi bất ổn chính trị có nguy cơ nổi lên trước thềm cuộc bầu cử toàn quốc.
Bộ trưởng Tài chính Ấn, ông P. Chidambaram xem kiều hối là một trong những trụ cột chính để hỗ trợ cho tỷ giá đồng Rupee. Từ đầu năm đến nay, đồng tiền này đã mất giá 20% so với USD, rớt xuống mức thấp kỷ lục vào ngày 28/8, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất ở châu Á.
Đồng Rupee mất giá đã thúc đẩy những người Ấn đi lao động xuất khẩu ở vùng Vịnh gửi tiền về nước nhiều hơn. Chuyển ngoại tệ mạnh về nước, những người này có thể đổi được nhiều Rupee hơn. Tuy nhiên, những người Ấn giàu có ở nước ngoài lại không mặn mà lắm với việc đầu tư những khoản lớn vào thị trường bất động sản hay chứng khoán ở trong nước. Thống kê cho thấy, đầu tư bất động sản của kiều dân Ấn tại thị trường trong nước đã giảm khoảng 30% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3.
Theo giới tư vấn đầu tư, kiều dân Ấn Độ giàu có hiện nhận thấy có quá nhiều rủi ro ở nền kinh tế trong nước, cho dù họ có cơ hội để thâu tóm nhiều tài sản bằng đồng Rupee giá rẻ. Tình trạng mất giá quá nhanh của đồng tiền này có thể khiến các nhà đầu tư mới đầu tưởng như có lãi, nhưng sau đó lại thua lỗ. Theo nhận định của một số chuyên gia, không biết đồng tiền của Ấn Độ còn giảm giá đến đâu. Đồng Rupee đã hạ giá từ mức 63 Rupee/USD vào ngày thứ Sáu tuần trước xuống 69 Rupee/USD vào ngày thứ Tư tuần này.
Tăng trưởng GDP của Ấn Độ hiện ở mức thấp nhất trong 1 thập kỷ, trong khi thâm hụt vãng lai lên mức cao kỷ lục. Năm 2012, GDP Ấn tăng 5% và có thể còn tăng chậm hơn trong năm nay. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 5 có thể thúc đẩy Chính phủ Ấn chi tiêu để lấy lòng cử tri, và theo đó gây thêm những bất ổn trong ngân sách.
Chưa kể, các nhà đầu tư đang giảm độ quan tâm tới các thị trường mới nổi, trong đó có Ấn Độ, do khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng đang thúc đẩy giới đầu tư rút tiền về Mỹ để mua tài sản.
Để thu hút được lượng vốn lớn hơn từ kiều dân, một số ngân hàng Ấn Độ đã nâng lãi suất tiền gửi đồng Rupee kỳ hạn 1 năm cho đối tượng này lên 8,5%, và thời hạn 5 năm lên 10%. Tuy nhiên, theo giới tư vấn đầu tư, tâm lý của các kiều dân Ấn giàu có giờ đã thay đổi, họ muốn rót tiền vào những tài sản bằng USD trên thị trường quốc tế và rất thận trọng với những sản phẩm đầu tư bằng Rupee đơn thuần.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ, nền kinh thế lớn thứ ba ở châu Á, là nước nhận kiều hối nhiều nhất trong năm 2012, ở mức khoảng 70 tỷ USD. Trung Quốc là nước có lượng kiều hối lớn thứ nhì, khoảng 66 tỷ USD. Năm 2011, Ấn Độ nhận được khoảng 63 tỷ USD kiều hối.
An Huy
vneconomy
|