4 nước châu Á tiến hành biện pháp bình ổn thị trường
Các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan - bốn nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sụt giảm xuất khẩu và mất cân đối tài khoản vãng lai - đang tiến hành các biện pháp nhằm bình ổn thị trường.
Trong phiên họp Nội các ngày 21/8, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói rằng chính phủ của ông sẽ công bố gói chính sách hạn chế ảnh hưởng của tình hình tăng trưởng sụt giảm và giảm lạm phát.
Ngân hàng quốc gia Indonesia cũng sẽ có biện pháp để bình ổn đồng rupiah vì ngày 21/8 đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm qua.
Tại Ấn Độ, Ngân hàng trung ương nước này cũng cho biết họ sẽ bơm vào thị trường 80 tỷ rupee (khoảng 1,26 tỷ USD) như là một trong hàng loạt động thái được tiến hành nhằm chặn lại sự sụt giảm của đồng nội tệ.
Cùng ngày tại Malaysia, chính phủ nước này cũng đưa ra tuyên bố làm yên lòng dân chúng, khi tuyên bố kinh tế Malaysia sẽ tiếp tục tăng trưởng và chính phủ sẽ có biện pháp liên quan tới các dòng vốn có dấu hiệu rủi ro.
Ngân hàng trung ương Thái Lan thì quyết định chưa tăng lãi suất, cho dù vào ngày 21/8 đồng baht đã giảm xuống mức thấp nhất trong 13 tháng.
Các nhà phân tích kinh tế của Singapore cho rằng do xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm nhiều trong mấy tháng vừa qua nên nhịp độ phát triển kinh tế của Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã giảm, dẫn tới thâm hụt tài khoản vãng lai ở ba nước, trừ Malaysia.
Điều này đồng nghĩa với việc các nước này phải vay thêm hoặc xuất nguồn tiền dự trữ để đáp ứng các khoản chi.
Theo bà Johanna Chua, kinh tế gia tại ngân hàng Citi, các biện pháp của Ấn Độ và Indonesia có tác dụng hạn chế do môi trường tài chính hiện nay cũng như các chính sách trước đây.
Trong những ngày này tại Singapore, các lao động Ấn Độ và Indonesia đang tích cực chuyển tiền về nước cho người thân nhằm tận dụng cơ hội đồng rupee và rupiah giảm giá./.
Kim Yến
vietnam+
|