Thứ Ba, 23/07/2013 22:06

Xây cầu hơn 1000 tỷ đồng, sử dụng một năm đã hỏng

Kể từ ngày 20-7, cầu Thuận Phước của TP. Đà Nẵng lại tiếp tục bị ngăn xe để sửa chữa vì mặt thảm bê tông nhựa bị lún, nứt, dồn cục. Với kinh phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng chỉ mới đưa vào sử dụng hơn một năm bề mặt cây cầu đã xuất hiện nhiều vết nứt, xô dồn cục. Phó Giám đốc Sở GT-VT Đà Nẵng Lê Văn Trung lý giải, cầu hỏng là do... thời tiết.

Dù chậm tiến độ tới 4 năm...

Cầu Thuận Phước là cây cầu dây võng lớn nhất Việt Nam bắc qua cửa biển Đà Nẵng, được khởi công tháng 10- 2003, do nhà thầu là Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng (ECC) xây dựng. Theo thiết kế, tổng chiều dài toàn cầu là 1.255m, rộng 18m, hai tháp chính cao 80m, khoảng cách giữa hai trụ tháp là 405m, độ tĩnh không thông thuyền 27m, với tổng mức đầu tư là 598 tỷ đồng. Theo dự kiến ban đầu, cầu Thuận Phước sẽ được khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng TP Đà Nẵng (ngày 29-3-2005). Tuy nhiên, tiến độ xây dựng cầu Thuận Phước đã bị chậm gần 4 năm, kéo theo tổng mức đầu tư tăng thêm 60% so với dự toán, phát sinh thêm lên tới trên 1.000 tỷ đồng. Mãi đến quý II-2009, cầu Thuận Phước mới được đưa vào sử dụng.

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do công tác khảo sát, thăm dò địa chất ban đầu quá sơ sài nên việc đúc các trụ cầu thuộc đường dẫn đã gặp phải sự cố nghiêm trọng về kỹ thuật. Tại thời điểm đó, dư luận hết sức lo âu và đặt dấu hỏi lớn về tính hiện thực và bền vững của cây cầu. Chính do sự cẩu thả trong khâu khảo sát thiết kế dẫn đến việc đơn vị thi công đã phải loay hoay mất rất nhiều thời gian, liên tục thay đổi công nghệ thi công cho phù hợp. Cũng do việc khảo sát không đạt yêu cầu đã làm nảy sinh hàng loạt vấn đề tiếp theo trong quá trình thi công cầu chính, kéo theo iệc đội kinh phí đầu tư xây dựng lên tới 60% so với sự toán ban đầu.

…Vẫn hỏng sau một năm sử dụng

Đưa vào sử dụng năm 2009, nhưng chỉ sau một năm vận hành, tháng 6-2010, cầu Thuận Phước đã bị hư hại nghiêm trọng. Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) thành phố Đà Nẵng, lớp phủ mặt cầu Thuận Phước gồm lớp dính bám Epoxy Bond Coat và lớp bê tông nhựa Epoxy Asphalt dày 41mm, là công nghệ vật liệu mới được triển khai áp dụng đầu tiên tại Việt Nam vào thời điểm đó. Về lý do chọn loại vật liệu mới trong xây dựng cầu Thuận Phước, Phó Giám đốc Sở GT-VT Đà Nẵng lúc đó là ông Lê Chưa khẳng định: "Quá trình nghiên cứu vật liệu mới được thực hiện tương đối đầy đủ và kỹ lưỡng trên mọi phương diện, các thí nghiệm được thực hiện cả trong và ngoài nước trước khi đi đến quyết định lựa chọn loại vật liệu để áp dụng...”.

Điều này cũng được người kế nhiệm là Phó Giám đốc Sở GT-VT Lê Văn Trung tái khẳng định: "Đây là loại vật liệu đã được áp dụng cho mặt cầu thép ở các nước Mỹ, Canada, Nhật... và gần đây là Trung Quốc và Thái Lan. Quá trình thi công được giám sát chặt chẽ theo công nghệ bởi các chuyên gia nước ngoài. Có thể nói, quá trình nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn hết sức kỹ càng và tốn rất nhiều thời gian”. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm đưa vào sử dụng, tháng 6-2010, mặt cầu Thuận Phước đã xuất hiện những hư hỏng nghiêm trọng. Lớp phủ mặt cầu đã xuất hiện nhiều vết nứt tại các vị trí khác nhau, bề mặt bê tông nhựa có sự dồn cục từng điểm cục bộ.

Lý giải cho việc mới đưa vào sử dụng một năm mặt cầu đã hư hỏng nặng nề, ông Lê Văn Trung cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hư hại mặt cầu là do... thời tiết. "Hư hỏng chủ yếu xuất hiện vào mùa hè khi thời tiết nắng nóng. Lúc này do ảnh hưởng đồng thời của nhiệt độ (có lúc lên tới 80OC) và ảnh hưởng chuyển vị lớn, vặn xoắn của loại kết cấu dây khi có tải trọng xe chạy xảy ra hiện tượng biến dạng không đồng nhất của hai loại vật liệu: Mặt cầu bằng thép và lớp phủ mặt cầu bằng bê tông nhựa Epoxy. Tại một số vị trí bất lợi (các vị trí vừa có dao động lớn, vừa chịu tải trọng của xe), lớp phủ mặt cầu có hiện tượng nứt, dồn cục...” – ông Trung khẳng định.

Hư hỏng có còn tái diễn?

Tuy nhiên, lý giải của ông Trung lại hoàn toàn mâu thuẫn với những gì ông và người tiền nhiệm Lê Chưa đã khẳng định trước đó: Khâu nghiên cứu, thí nghiệm để lựa chọn vật liệu hết sức kỹ càng, quá trình thi công được giám sát chặt chẽ bởi các chuyên gia nước ngoài và các nhà tư vấn. Vậy thì vì lý do gì trong quá trình nghiên cứu, thí nghiệm hết sức cẩn thận ấy, các nhà thầu, tư vấn thiết kế... lại không tính đến thời tiết nắng nóng của Việt Nam? Như vậy mà được coi là cẩn thận và kỹ càng ư? Chưa kể, cũng chính vị Phó Giám đốc Sở này đã khẳng định công nghệ này cũng đã được áp dụng ở nhiều nóc trên thế giới và trong khu vực. Vậy thì vì sao cầu Thuận Phước hỏng, trong khi các cây cầu khác lại không vấn đề gì?

Điều đáng nói là ngay khi cầu Thuận Phước xảy ra hư hỏng vào năm 2010, Sở GT-VT đã không tham mưu cho UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu nhà thầu là Công ty ECC phải lột lớp mặt cầu để rải lại. Thay vào đó, sở này lại tham mưu chỉ yêu cầu Công ty ECC sửa chữa theo kiểu vá víu là "khắc phục tạm thời” các vết nứt, hư hỏng bằng vật liệu nhựa đường cải tiến Polime để hạn chế nước thấm xuống mặt cầu thép gây rỉ mặt cầu. Cùng với đó là "sửa chữa thí điểm” một đoạn dài 100m (hai làn xe chạy giữa có nhiều hư hỏng nhất) bẳng việc sử dụng lớp dính bám bằng nhựa đường Epoxy và lớp phủ bê tông nhựa Polime PMB3.

Chính từ sự chắp vá đó mà mặt cầu Thuận Phước tiếp tục bị hư hại từ đó cho đến nay. Và cho tới ngày 6-7-2013, UBND thành phố Đà Nẵng đã phải cho phép đơn vị thầu là Công ty ECC sửa chữa bằng cách: Đào bỏ toàn bộ lớp phủ mặt cầu bị hư hỏng; kết cấu lớp phủ sửa chữa bằng lớp dính bám nhựa đường Epoxy, có tăng cường các râu thép hàn gắn vào mặt cầu; thảm mới bằng lớp bê tông nhựa Polime PMB3 cải tiến có gia cường sợi thủy tinh dày 7cm (gồm hai lớp 4cm và 3cm)... Tổng số kinh phí đầu tư sửa chữa dự kiến lên tới 3,368 tỷ đồng.

Với việc một công trình đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng chỉ đưa vào sử dụng hơn một năm đã hư hại nghiêm trọng. Cùng với đó là sự sửa chữa theo kiểu chắp vá, làm đi làm lại khiến dư luận đặt câu hỏi liệu lần sửa chữa này đã phải là lần cuối chưa? Hay trong thời gian ngắn tới đây, cầu Thuận Phước lại tiếp tục bị hư hỏng phải sửa chữa?

Lê Anh Đức

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Công bố sai số liệu thống kê bị phạt 30 triệu đồng (23/07/2013)

>   Bị cáo Đoàn Văn Vươn và người thân tiếp tục ra toà (23/07/2013)

>   Siu Black trong vòng vây nợ nần? (23/07/2013)

>   Độc chiêu chế 5 kg hạt thành 1 tạ cà phê bột (23/07/2013)

>   Bỏ xử phạt xe chính chủ và mũ bảo hiểm dỏm (23/07/2013)

>   750 triệu thẻ SIM có nguy cơ bị tấn công (23/07/2013)

>   Lo bị truy thu tiền tỷ, S99 khiếu nại Tổng cục Thuế (23/07/2013)

>   Phát hiện vàng nhái SJC tinh vi (22/07/2013)

>   Thống đốc sẽ không xem xét khen thưởng lãnh đạo TCTD có nợ xấu trên 5% (22/07/2013)

>   Chứng khoán Kenanga: Chủ tịch tố thành viên HĐQT “thụt két” 4 tỷ đồng (22/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật