Chứng khoán Kenanga: Chủ tịch tố thành viên HĐQT “thụt két” 4 tỷ đồng
Chủ tịch HĐQT của CTCK Kenanga Việt Nam (KVS) Cao Văn Sơn tố cáo nguyên quyền Tổng giám đốc và nguyên trợ lý HĐQT thông đồng chiếm đoạt của KVS hơn 4 tỷ đồng.
* Vẫn còn nhiều sai phạm chưa khắc phục
* KVS: Chủ tịch HĐQT “tố” Tổng Giám đốc rút ruột công ty
Vì đâu nên nỗi?
Làm việc với Báo ĐTCK chiều 19/7, ông Sơn cho biết, kể từ khi lên nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của KVS, vì nguyên quyền Tổng giám đốc Nguyễn Việt Hải là con một người bạn, nguyên trợ lý HĐQT của KVS Nguyễn Thị Thanh Hằng là nhân viên cũ, nên ông đã ủy quyền điều hành Công ty cho Hải. Vì tin tưởng ông Hải, nên ông Sơn không trực tiếp kiểm tra các giao dịch, hợp đồng giữa KVS với các đối tác. Đây là kẽ hở để ông Hải và bà Hằng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của KVS. Dù đã nhiều lần liên hệ với ông Hải và bà Hằng, nhưng cả hai luôn tìm cách lẩn tránh, không hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt tại Công ty.
Chủ tịch HĐQT Cao Văn Sơn (phải) bức xúc khi trao đổi với báo giới chiều 19/7
|
Ông Sơn đã gửi đơn tố cáo hành vi sai phạm của ông Hải và bà Hằng tới Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội. Tại Công văn 2783CV/PC46 (Đ9) ngày 15/5/2013 của Cơ quan điều tra, Công an TP. Hà Nội, do Thượng tá Phan Cao Thu, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra ký gửi KVS nêu, quá trình điều tra, xác minh bước đầu của Cơ quan điều tra xác định: ông Hải cùng các đối tượng liên quan ký khống 3 hợp đồng với Công ty TNHH thương mại dịch vụ và đầu tư phát triển Tùng Anh về mua sắm trang thiết bị văn phòng, bảo trì và thuê máy photocopy để rút số tiền hơn 333,8 triệu đồng. Tại Cơ quan điều tra, ông Hải khai nhận hành vi sai phạm của bản thân. Ngày 7/5/2013, ông Hải đã tự nguyện nộp lại số tiền hơn 333,8 triệu đồng cho cơ quan điều tra để trả lại cho KVS. Hiện Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ hành vi sai phạm của các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật…
“Ngoài số tiền hơn 333,8 triệu đồng, ông Hải và đồng phạm còn dùng thủ đoạn lập hợp đồng giả và mua bán hóa đơn để chiếm đoạt 247,5 triệu đồng của KVS...”, ông Sơn nói và cho biết thêm, ông Hải và bà Hằng còn thông qua việc cấu kết nâng giá trị tài sản của CTCP Công nghiệp thương mại và dịch vụ y tế Phúc Thái, cấp vốn cho Công ty này 7 tỷ đồng để lấy 1,749 tỷ đồng. Mới đây, Ban kiểm soát của KVS còn phát hiện một văn bản do ông Hải ủy quyền cho bà Hằng đứng ra nhận 1,692 tỷ đồng từ Tổng công ty Bất động sản Đông Á. Số tiền này ông Hải và bà Hằng chuyển vào tài khoản cá nhân rồi chiếm đoạt. Vì sợ bị bại lộ, nên họ tìm cớ không trả lại tài sản đảm bảo của Tổng công ty Bất động sản Đông Á cho KVS, khiến KVS không có cơ sở pháp lý để thu hồi 25 tỷ đồng đã đầu tư vào công ty này. Tổng số tiền mà ông Hải và bà Hằng đã chiếm đoạt của KVS, theo ông Sơn, là hơn 4 tỷ đồng…
Tiếp tay cho đối tác Malaysia thâu tóm KVS?
Theo ông Sơn, ngoài ủy quyền toàn bộ hoạt động điều hành KVS cho ông Hải, ông còn đề xuất để ông Hải và bà Hằng vào HĐQT của KVS, đồng thời ủy quyền cho hai người này đại diện nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu khá cao của Công ty (ông Hải được ủy quyền nắm 11%; bà Hằng được ủy quyền nắm trên 8% vốn). Khi bị KVS tố cáo các hành vi sai phạm, đồng thời miễn nhiệm chức vụ quyền Tổng giám đốc đối với ông Hải và chức trợ lý HĐQT đối với bà Hằng từ tháng 8/2012, hai người này đã quay sang ủng hộ 3 thành viên HĐQT là người Malaysia. Cụ thể, bằng các Giấy ủy quyền số 00170/GUQ và 000171/GUQ lập ngày 23/3/2013 tại Văn phòng công chứng châu Á (TP. HCM), bà Hằng và ông Hải đều ủy quyền cho ông Kho Yaw Huat, thành viên HĐQT của KVS thay mặt và nhân danh họ tham gia các cuộc họp HĐQT và thực hiện quyền biểu quyết thông qua các vấn đề được đưa ra thảo luận tại cuộc họp HĐQT của KVS…
Từ diễn biến trên, ông Sơn cho biết, đối tác phía Malaysia công khai ý đồ thâu tóm KVS, bởi trước đó họ có nhiều động thái ép ông Sơn chuyển nhượng toàn bộ 51% cổ phần của KVS do ông đang nắm giữ với giá rẻ mạt. Có trong tay 5/7 phiếu trong HĐQT, nên các thành viên HĐQT phía Malaysia đã bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với ông Sơn và bầu ông Wee Kim Hong, ủy viên HĐQT làm Chủ tịch HĐQT. Chi tiết nội dung này được thể hiện trong Nghị quyết HĐQT của KVS ngày 25/3/2013 và Tập đoàn K&N Kenanga Holdings Berhad (Malaysia) đã báo cáo lên UBCK.
Theo KVS, việc đối tác Malaysia bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với ông Sơn là không hợp lệ, vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp. Trong đơn trình báo gửi Phòng An ninh điều tra, Công an TP. Hà Nội ngày 29/3/2013, KVS còn phản ánh về tình trạng tranh chấp con dấu giữa người nhận là Chủ tịch HĐQT mới của Công ty với phía ông Sơn. Tuy nhiên, hiện nay, con dấu của KVS vẫn do phía ông Sơn nắm giữ.
Liên quan đến giải quyết tình trạng rối ren nội bộ tại KVS, diễn biến mới nhất từ phía cơ quan chức năng cho thấy, UBCK vừa có Công văn 3971/UBCK-QLKD ngày 18/7 về việc chuẩn bị tài liệu kiểm tra gửi KVS. Theo đó, đoàn kiểm tra của UBCK sẽ bắt đầu kiểm tra KVS từ ngày 23/7/2013.
“Ngoài mong đợi UBCK sớm có kết luận về những vấn đề bất ổn tại KVS, đặc biệt là những động thái bất minh, vi phạm pháp luật của phía đối tác Malaysia, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng sớm khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hải và bà Hằng, để điều tra làm rõ dấu hiệu phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hơn 4 tỷ đồng của KVS…”, ông Sơn nói và cho biết thêm, theo kế hoạch, ngày 2/8, Ban kiểm soát KVS sẽ triệu tập ĐHCĐ bất thường để bãi nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Hải và bà Hằng. Hiện ông Sơn đã thu hồi ủy quyền sở hữu cổ phiếu KVS đối với ông Hải, bà Hằng.
Báo ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có diễn biến mới.
Hữu Đạo
đầu tư chứng khoán
|