Trùm “cái bang” nhởn nhơ làm giàu
Ở các xã vùng quê Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều kẻ chuyên sống dựa vào người già, tàn tật và trẻ em xin ăn. Họ sống phè phỡn, nhà cửa khang trang trong khi những người bị chăn dắt thì bị bóc lột thậm tệ, thậm chí còn bị đánh đập, bỏ đói...
Theo lời kể của nhiều nạn nhân bị các đối tượng chăn dắt, bắt đi ăn xin, bán kẹo, vé số ở TP HCM, Hà Nội, Vinh..., chúng tôi tìm về các xã ven biển huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Sống trong lo lắng, đau khổ là tâm trạng của những gia đình có người thân rơi vào tay bọn chuyên chăn dắt người này.
Người bỏ mạng, kẻ biệt tăm
Theo một cán bộ UBND xã Quảng Thái, từ những năm 1980, do cuộc sống khó khăn, nhiều người dân ở xã này đã kéo nhau đi ăn xin. Phong trào ăn xin sau đó lan rộng ra các xã lân cận như Quảng Lợi, Quảng Lộc, Quảng Lưu...
“Lúc đầu, người ta đi theo kiểu tự phát, đói khổ quá nên phải kiếm cái ăn. Từ sau năm 2000, việc đi xin ăn, bán vé số ở các thành phố được đầu nậu tổ chức thành những đường dây hoạt động rất chặt chẽ” - vị này cho biết.
Phát hiện gia đình nào có người già, tàn tật, trẻ em, các đối tượng này liền tiếp cận, rủ đến các thành phố “làm việc”. Anh T. ngụ xã Quảng Bình, cho biết: “Tôi bị teo cơ, liệt nửa người từ nhỏ. Năm 2001, một người ở xã Quảng Thái đến rủ tôi đi làm rồi đưa vào TP HCM. Hằng ngày, có người chở tôi đi ăn xin khắp nơi, không chịu đi thì họ đánh đập, bỏ đói. Chúng tôi kiếm được bao nhiêu tiền, họ lấy hết”.
Ngôi biệt thự sang trọng của trùm “cái bang” Hà Văn Bảy ở xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa
|
Quảng Khê, một xã nghèo ở huyện Quảng Xương, có rất nhiều em nhỏ, người già bị dụ dỗ, ép buộc đi xin ăn, bán hàng cho những tay trùm “cái bang”. Ông Hoàng Văn Hùng, cán bộ chính sách xã Quảng Khê, băn khoăn: “Nhiều gia đình nghèo khó, khi nghe được đưa đi Sài Gòn, Hà Nội làm việc là theo ngay, nhất là các cháu nhỏ và người già. Chúng tôi không ngờ họ bị bắt buộc phải đi ăn xin, bán vé số, sống lay lắt, vật vã tại các thành phố. Cách đây không lâu, tôi phải vào TP HCM đón 6 cháu nhỏ bị đưa đi ăn xin về địa phương”.
Ông Lê Đình Dậy ở thôn 7, xã Quảng Khê là nạn nhân điển hình của những kẻ chuyên chăn dắt người ăn xin. Căn nhà nhỏ lụp xụp cạnh bờ sông Lý của ông giờ hoang lạnh vì vắng bóng người. Ông Dậy vốn tâm thần không bình thường nên ai nói gì cũng nghe theo. Vì thế, đã 2 lần ông bị dụ dỗ đưa vào Nam ăn xin.
Anh Lê Đình Hùng - con trai ông Dậy, sống ở nhà kế bên - bức xúc: “Cách đây 3 năm, một người tên Hiền ở xã Quảng Thái đưa bố tôi vào Sài Gòn ăn xin. Gia đình vào đó tìm mãi mới đưa được ông về. Một năm trước đây, lợi dụng lúc không có ai ở nhà, một tay trùm chăn dắt khác lại đến đưa ông đi ăn xin. Gia đình tôi chỉ biết ông bị chúng đưa vào Nam, còn hiện giờ ở đâu, sống chết thế nào đều không rõ”.
Nhiều người dân Quảng Xương cho biết năm 2012, một tay trùm tên Trịnh Đình Sáu ở xã Quảng Lộc đã dụ dỗ đưa một cụ già ở xã này vào TP HCM. Trong quá trình “đi làm” cho kẻ chuyên chăn dắt người già, trẻ em này, cụ đã chết khi đang xin ăn.
“Rất khó xử lý”!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các xã Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Lộc… có rất nhiều tay trùm chăn dắt, bóc lột người già, tàn tật và trẻ em. Những kẻ này đều có thâm niên hàng chục năm trong “nghề” và đều giàu có, nhà cửa khang trang, sống phè phỡn, nhởn nhơ. Nổi bật trong số đó là vợ chồng Trịnh Đình Sáu - Nguyễn Thị Trúc, Nguyễn Đình Trử, Nguyễn Văn Tòng (xã Quảng Lộc); Hà Văn Bảy, Trình Viết Thuận, Trần Văn Long, Phạm Văn Minh, Phạm Văn Thành (xã Quảng Lợi); ông Hiền, bà Thu (xã Quảng Thái)...
Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là nhiều lãnh đạo địa phương lại tỏ ra thờ ơ trước vấn nạn này. Quảng Thái là xã có lượng người đi ăn xin rất đông và cũng là địa phương có nhiều kẻ cầm đầu các đường dây chuyên tổ chức đưa người đi ăn xin, bán vé số ở các thành phố. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về các tay trùm “cái bang”, ông Trần Công Tính, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, cho biết “mới nghe”. “Hiện tượng này là có nhưng xã chưa phát hiện trường hợp nào cụ thể” - ông Tính nói.
Ông Bùi Ngọc Vinh, Trưởng Công an xã Quảng Lộc, giải thích: “Các đối tượng chăn dắt chủ yếu đến các xã khác - nhất là ở miền núi, nơi người dân còn nhận thức hạn chế - để gom người rồi thuê xe khách đưa đi. Chúng đưa người ta đến tận TP HCM, Hà Nội nên dù nghe thông tin, chúng tôi cũng rất khó có bằng chứng để xử lý”.
Theo ông Vinh, xã Quảng Lộc trước đây có một đối tượng tên Nguyễn Văn Tòng đã dụ dỗ đưa một người khuyết tật ở xã Quảng Tân vào miền Nam ăn xin. “Gia đình người khuyết tật này đã nhiều lần làm đơn nhờ công an can thiệp, yêu cầu Tòng đưa người thân của họ về. Tuy nhiên, Tòng là đối tượng nghiện ma túy, lại không thường xuyên ở địa phương nên chúng tôi rất khó xử lý” - ông Vinh phân trần.
Trong khi đó, ông Trịnh Viết Hà, Phó trưởng Công an xã Quảng Lợi, cho biết: “Đi ăn xin, bán vé số thì xóm nào cũng có. Họ đi không báo với xã nên chúng tôi không nắm rõ. Trên địa bàn xã cũng có một số người thu gom các cháu nhỏ, người già đưa đến các thành phố để ăn xin, bán hàng rong. Thời gian qua, công an đã bắt và xử lý một số đối tượng về hành vi này, như các tên Long, Thuận ở xóm Tiên Trang”.
Trở về thân tàn ma dại
Thủ đoạn của những tay trùm “cái bang” ngày càng kín kẽ. Khi dụ dỗ đưa người “đi làm”, chúng thường ký cam kết sẽ trả công với mức 1,5-2 triệu đồng/ tháng, bao ăn ở. Sau khi đưa đến các thành phố, chúng bắt họ đi ăn xin, bán hàng rồi bóc lột thậm tệ.
“Họ ác lắm, bắt các cháu nhỏ, cụ già ngày đêm đi ăn xin, bán hàng. Ai không đi thì bị đánh đập, bỏ đói. Ở Quảng Xương, riêng tôi đã biết mặt tới vài chục tên chuyên tổ chức đưa người đi xin ăn, bán hàng. Kẻ nào cũng giàu có, nhà to cửa rộng, sống sung sướng cả. Chỉ tội những ai lỡ để con cháu, cha mẹ, ông bà theo chúng thì sau 1-2 năm trở về đều thân tàn ma dại” - bà M. ở xóm 8, xã Quảng Thái lo ngại.
|
Đức Ngọc
người lao động
|