Tỉ giá bớt căng thẳng
Tại các ngân hàng thương mại, giá mua USD đã thấp hơn giá bán từ 50-60 đồng/USD, doanh nghiệp dễ dàng hơn khi mua ngoại tệ của các tổ chức tín dụng
Sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước tăng tỉ giá liên NH từ 20.828 đồng/USD lên 21.036 đồng/USD (tăng 1%) vào cuối tuần trước, những ngày qua, các NH thương mại đều đồng loạt điều chỉnh giá mua bán USD. Trên cơ sở tỉ giá liên NH cộng biên độ 1%, các NH thương mại được phép mua bán với giá trần là 21.246 đồng/USD.
Sau khi tăng tỉ giá, cung - cầu USD ở các ngân hàng bước đầu đã bớt căng thẳng
|
Không thiếu ngoại tệ
Ngày 3-7, NH Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết giá mua vào 21.170 đồng/USD, bán ra 21.240 đồng/USD; NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) mua vào cao hơn Vietcombank 10 đồng/USD và bán ra 21.245 đồng/USD. Nhiều NH khác cũng mua bán USD với mức giá không mấy khác biệt so với Vietcombank và Eximbank. Riêng NH Nhà nước thì mua vào 20.826 đồng/USD và bán ra với giá trần là 21.246 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, giới kinh doanh ngoại tệ mua vào 21.450 đồng/USD, bán ra 21.490 đồng/USD, cao hơn giá bán của các NH thương mại 243 đồng/USD (tuần trước giá USD tự do thường cao hơn NH trên dưới 300 đồng/USD).
Trước ngày 28-6 (thời điểm NH Nhà nước chính thức tăng tỉ giá liên NH), thị trường ngoại tệ có phần căng thẳng. Lúc đó, hầu hết NH thương mại niêm yết USD với giá trần là 21.036 đồng/USD và giá mua vào, bán ra gần như bằng nhau; thậm chí có NH còn thu phí khi bán ngoại tệ cho khách hàng. Sau khi tỉ giá liên NH được điều chỉnh, các NH thương mại cũng điều chỉnh theo nhưng luôn mua vào thấp hơn so với giá bán ra từ 50 - 60 đồng/USD. Doanh nghiệp (DN) cũng dễ dàng mua ngoại tệ từ NH hơn.
Ông Đỗ Văn Tơ, Tổng Giám đốc Công ty Tôn Tân Phước Khanh (TP HCM), cho biết hiện các NH đều giao dịch USD theo đúng giá niêm yết. DN nhập khẩu đã dễ dàng mua USD hơn và khi có nguồn thu từ xuất khẩu, DN bán lại ngoại tệ cho NH. Theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt (Pomina), trong mấy ngày qua, công ty cần mua vài triệu USD cũng đã được NH đáp ứng…
Theo các NH, do nhu cầu mua USD để thanh toán hàng hóa nhập khẩu hoặc DN mua USD để trả nợ cho NH không cao, đồng thời các DN có nguồn thu ngoại tệ đều bán ra nên các NH không thiếu ngoại tệ.
Kỳ vọng chuyển đổi USD sang VNĐ
Giới phân tích cho rằng về lâu dài, việc NH Nhà nước tăng tỉ giá liên NH, giảm mạnh lãi suất tiền gửi USD khiến thị trường kỳ vọng người dân sẽ chuyển đổi USD sang nắm giữ VNĐ, huy động vốn bằng ngoại tệ sẽ tiếp tục sụt giảm, từng bước hạn chế cho vay bằng ngoại tệ. DN có thể chuyển hướng từ quan hệ vay mượn sang mua bán USD với NH, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của nhà nước.
Giám đốc kinh doanh của một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhận định: NH Nhà nước giảm lãi suất USD nhưng tăng tỉ giá VNĐ/USD là để kích thích và bù đắp sinh lời cho người dân và DN khi họ chuyển đổi USD sang nắm giữ VNĐ.
Theo lãnh đạo Eximbank, phản ứng đầu tiên là DN không còn mặn mà nắm giữ ngoại tệ vì trần lãi suất tiền gửi USD đối với tổ chức chỉ còn 0,25%/năm. Thế nhưng, lãnh đạo các NH khác cho biết riêng khối khách hàng cá nhân vẫn nắm giữ USD. Điều này được thể hiện khá rõ khi nhiều người tiếp tục gia hạn hoặc gửi thêm USD dù trần lãi suất tiền gửi USD giảm từ 2%/năm xuống còn 1,25%/năm...
Thị trường còn nhiều ẩn số
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nguồn thu USD của các NH phụ thuộc khá nhiều vào động thái bán USD của các DN xuất khẩu hoặc đặt mua từ NH bạn. Còn NH Nhà nước thì liên tục bán vàng dự trữ nên phải chuẩn bị khá nhiều ngoại tệ để mua lại vàng ở nước ngoài, bù số vàng đã bán khiến nguồn cung USD từ NH Nhà nước gần như bằng không. Vì thế, các chuyên gia tài chính cảnh báo: Nếu trong thời gian tới, nhu cầu USD tăng mạnh, NH Nhà nước không bán USD cho các NH thương mại thì thị trường ngoại tệ sẽ diễn biến rất khó lường.
|
Thy Thơ
Người lao động
|