Phát hiện giao dịch liên ngân hàng lãi suất "khủng" lên tới 37,5%
Báo cáo kiểm toán việc điều hành cũng như thực hiện chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Nhà nước và 6 tổ chức tín dụng đã chỉ ra khá nhiều hạn chế, thiếu sót tại các đơn vị này.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, tỷ lệ nợ xấu liên tục tăng từ năm 2007 và đến năm 2011 tăng đột biến, từ 1,55% của năm 2007 lên 3,07% năm 2011.
|
Theo Kiểm toán Nhà nước, bên cạnh một số kết quả tích cực, công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2012 vẫn bộc lộ một số hạn chế nhất định.
Điển hình là nhu cầu vốn giá rẻ cho nền kinh tế chưa được đáp ứng đầy đủ do lãi suất cho vay còn cao; tăng trưởng tín dụng 14,45% không đạt chỉ tiêu theo nghị quyết của Chính phủ.
Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu liên tục tăng từ năm 2007 và đến năm 2011 tăng đột biến, từ 1,55% của năm 2007 lên 3,07% năm 2011. Hoạt động thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động cho vay tái cấp vốn chưa kịp thời đầy đủ. Một số hồ sơ tái cấp vốn chưa được giám sát việc sử dụng vốn vay theo thông báo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước như hồ sơ vay vốn của Vietinbank, BIDV, VCB.
Cùng với đó là việc điều hành thị trường liên ngân hàng còn hạn chế, không kiểm soát được mức lãi suất cao bất thường, điển hình như trong năm 2011, tại một số thời điểm xuất hiện không ít giao dịch cho vay, gửi tiền liên ngân hàng lãi suất cao như: trong tháng 3/2011 có giao dịch với lãi suất 23%/năm, tháng 10/2011 có giao dịch với lãi suất 30%/năm, thậm chí trong tháng 11/2011 có giao dịch với lãi suất 37,5%/năm, trong khi lãi suất huy động trên thị trường I năm 2011 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tối đa chỉ 14%/năm.
Về hoạt động đầu tư, góp vốn liên doanh liên kết của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, Kiểm toán Nhà nước cho biết tại các đơn vị được kiểm toán đều có hoạt động đầu tư, góp vốn liên doanh, liên kết, song hiệu quả của các khoản đầu tư, góp vốn còn thấp, nhiều khoản đầu tư không thu được lợi nhuận hoặc suy giảm lợi nhuận giá trị kể từ thời điểm đầu tư, thậm chí là có nguy cơ mất vốn cao.
Đơn cử như tỷ lệ thu nhập từ đầu tư góp vốn, mua cổ phần trên tổng giá trị đầu tư năm 2011 của BIDV từ 3,1% đến 3,4%; của ngân hàng MHB là 0,07%; tại Tổng công ty PVI tỷ suất lợi nhuận đầu tư dài hạn so với số vốn đầu tư dài hạn bình quân là 5,01% và 70,7% giá trị các khoản đầu tư dài hạn có hiệu quả đầu tư thấp hoặc chưa có hiệu quả.
Tại BIDV, tổng giá trị chứng khoán vốn đầu tư sẵn sàng để bán năm 2011 đã suy giảm 62% giá trị; tại PVI 31,8% giá trị đầu tư ngắn hạn tiềm ẩn rủi ro cao và khoản đầu tư vào Quỹ tăng trưởng Việt nam đã giảm 51%, Quỹ tầm nhìn giảm 24% giá trị; tại Ngân hàng MHB 102 tỷ đồng góp vốn vào công ty chứng khoán MHB nhưng công ty này có số lỗ luỹ kế đến hết năm 2011 là 114 tỷ đồng; trong khi 54,8 tỷ đồng góp vốn vào một công ty bất động sản từ năm 2007 đến nay chưa thu được một đồng lãi nào và hơn 200 tỷ đồng đầu tư vào 3 doanh nghiệp khác từ 2008 đến thời điểm này đang có nguy cơ mất trắng.
Về hoạt động tín dụng, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra tình trạng nợ xấu tại các tổ chức tín dụng còn cao, tiêu biểu như BIDV là 2,96%, MHB là 2,49%; cùng với đó là nhiều khoản cho vay tiềm ẩn rủi ro và khả năng thu hồi vốn khó khăn, chẳng hạn như số dư tiền gửi đến 31/12/2011 của MHB tại các tổ chức tín dụng khác là 11.737,8 tỷ đồng, trong đó số quá hạn chưa thu được phải gia hạn là 1.157,16 tỷ đồng và hơn 4 triệu USD.
Trao đổi với báo giới ngày 25/7, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho biết, trong năm 2013, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán 3 ngân hàng, gồm: Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) với mục tiêu là đi sâu vào nội dung nợ xấu của các đơn vị này, trong đó cố gắng cập nhật đến 30/6/2013.
Song Hà
Vneconomy
|