Tổng giám đốc VAMC: Sẽ mua nợ ngay vì đã có số liệu từng món nợ cụ thể
Hôm nay (26/7/2013), VAMC chính thức đi vào hoạt động. Kỳ vọng của Chính phủ, NHNN, các DN và cả người dân trong việc xử lý nợ xấu sẽ là áp lực không nhỏ đối với VAMC. Tổng giám đốc VAMC Nguyễn Hữu Thủy đã dành cho phóng viên Thời báo Ngân hàng (TBNH) cuộc phỏng vấn để giúp bạn đọc có một bức tranh đầy đủ hơn về VAMC.
So với dự kiến ban đầu, VAMC khai trương muộn hơn gần 1 tháng. Đâu là nguyên nhân khiến “lịch” làm việc của VAMC bị lùi lại, thưa ông?
Việc thành lập VAMC được Chính phủ và NHNN đặc biệt quan tâm trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/3/2013, NHNN đã thành lập Ban trù bị để chuẩn bị cho việc thành lập Công ty này với thành phần là các cán bộ có kinh nghiệm từ NHNN và các NHTM.
Dự kiến ban đầu, VAMC sẽ hoạt động vào tháng 6/2013. Tuy nhiên, do phương thức, cơ chế hoạt động của VAMC chưa có tiền lệ nên quá trình xây dựng các văn bản, chế độ liên quan đến hoạt động của Công ty nhận được nhiều ý kiến tham gia để khi VAMC đi vào hoạt động sẽ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tuân thủ quy định của pháp luật.
VAMC không thể có một phép màu để chuyển đổi nhanh chóng cục diện nợ xấu,
nhưng kỳ vọng đây là “cú hích” cho thị trường.
|
Những công việc mà VAMC sẽ làm ngay sau ngày khai trương?
VAMC sẽ tiến hành mua nợ ngay vì VAMC có số liệu từng món nợ cụ thể rồi. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra từng món nợ, xem món nào “mắc lưới” Nghị định 53/2013/NĐ-CP để làm việc với từng ngân hàng, các tổ chức cần bán nợ. Sau khi hai bên thống nhất được phương án xử lý, sẽ tiến hành ký hợp đồng. Chúng tôi có thể bắt tay ngay vào công việc vì Nghị định 53 đã có những quy định đầy đủ các nguyên tắc, phương thức, nội dung hoạt động.
Về cơ bản, VAMC thực hiện mua nợ theo 2 phương thức: mua nợ xấu của TCTD theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc, sau khi khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng của khoản nợ, bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Phương thức mua thứ hai là mua nợ xấu của TCTD theo giá thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt. Riêng đối với phương thức mua nợ xấu theo giá thị trường, hay nói cách khác là thị giá sẽ có 3 căn cứ quan trọng để thực hiện: Các quy định tại Nghị định 53; Thông tư hướng dẫn Nghị định của NHNN; và Hội đồng thành viên VAMC quy định cụ thể về hoạt động mua – bán này. Mua bán theo giá thị trường cũng được hiểu đơn giản là thuận mua vừa bán. Tức là các đối tượng bán nợ cho VAMC thỏa thuận một mức giá trên cơ sở VAMC thuê công ty định giá độc lập.
Sau khi mua nợ, Công ty sẽ kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ. VAMC được thực hiện các hoạt động thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm, hỗ trợ khách hàng, cơ cấu lại khoản nợ, chuyển nợ thành vốn góp… Song theo quy định tại Nghị định 53, VAMC có thể ủy quyền cho các TCTD bán nợ thực hiện một hoặc một số hoạt động trên. Ngoài ra, VAMC còn thực hiện hoạt động tư vấn, môi giới, đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; bảo lãnh cho các tổ chức, DN, cá nhân vay vốn của TCTD…
Có thể nói, phạm vi hoạt động của VAMC là khá rộng mà chưa có định chế tài chính nào ở Việt Nam hiện nay thực hiện nhiều mảng nghiệp vụ như vậy. Mặc dù vậy, chúng tôi ý thức rằng, VAMC phải tự nỗ lực rất lớn mới có thể thực hiện được các nội dung hoạt động mà Chính phủ cho phép. Do đó, chúng tôi mong muốn các TCTD có nợ xấu đủ điều kiện để bán hãy sẵn sàng hợp tác với VAMC nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, DN, và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
Liệu việc thực hiện quá nhiều nghiệp vụ như vậy có khiến nhiệm vụ chủ chốt là xử lý nợ xấu bị phân tán không thưa ông?
Trong quá trình xây dựng đề án thành lập VAMC, NHNN, mà trực tiếp là Cơ quan thanh tra giám sát (NHNN) đã nghiên cứu kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… là những nước thực hiện thành công mô hình này.
VAMC của Việt Nam được phép hoạt động trong phạm vi rất rộng, bởi nó là một DN đặc thù với nhiệm vụ “đặc biệt” là giải quyết khối lượng nợ xấu lớn “nằm” tại nhiều lĩnh vực. Có thể nói, đối với mỗi DN, mỗi khoản nợ chúng tôi đều phải có những giải pháp thích ứng phù hợp theo từng thời kỳ. Tất nhiên qua vận hành thực tế chắc chắn còn nhiều khó khăn, nên rất cần sự đồng thuận của các ngành, các cấp chính quyền địa phương. Chúng tôi xác định, từ lãnh đạo đến nhân viên phải rất nhiệt huyết và phải uyển chuyển trong xử lý các khoản nợ xấu. Với mỗi món nợ, mỗi địa phương, mỗi đối tượng cụ thể phải có giải pháp cụ thể. Cán bộ VAMC sẽ đến gặp gỡ người bán, thảo luận phương án giải quyết, xem xét họ cần gì? VAMC có thể hỗ trợ được gì?. Bản thân TCTD và VAMC xác định nợ xấu là một điều không mong đợi, nhưng muốn thu hồi trọn vẹn, nhanh chóng thì quả là rất khó vì hiện tại vòng chu chuyển hàng hóa cũng như tiền tệ đang rất chậm. Để giải quyết phải cần nhiều biện pháp đồng bộ và được sự đồng thuận cao từ xã hội.
Mặt khác, cũng cần phải hiểu rằng, nợ xấu xuất phát từ quan hệ vay mượn giữa ngân hàng với DN. Khi vướng nợ xấu, bản thân DN cũng rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh, còn ngân hàng cũng phải lo làm sao giải quyết món nợ này. Do đó, khi nợ xấu được “nhấc” sang VAMC thì cả ngân hàng và DN có thể “rảnh tay” cho hoạt động kinh doanh. Song, thực tế không thể có một phép màu để chuyển đổi nhanh chóng cục diện nợ xấu, nhưng với những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VAMC thì có thể kỳ vọng đây là “cú hích” cho thị trường.
Vậy “quyền năng” của VAMC liệu đã đủ mạnh để xử lý nợ xấu?
Ở các quốc gia trên thế giới, khi khủng hoảng xảy ra, nợ xấu ảnh hưởng đến an toàn hệ thống thì việc xử lý khủng hoảng nhận được sự đồng thuận rất cao. Ví dụ như ở Malaysia, trong vòng 3 tháng, Quốc hội nước này đã thông qua đạo luật riêng cho công ty xử lý nợ xấu AMC Danaharta. Đạo luật này cho phép AMC có nhiều quyền năng, thậm chí họ có thể thay mặt tòa án xử lý các vấn đề liên quan đến tài sản. Do đó, dù mới manh nha hoạt động từ năm 1998 nhưng đến 2005, Công ty này đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ giải quyết sạch nợ xấu.
Còn ở Việt Nam, quyền năng của VAMC thấp hơn khi chỉ mới đang dừng ở Nghị định. Theo đó, Nghị định 53 tạo điều kiện tối đa giúp VAMC phát huy điểm mạnh trong quá trình hoạt động. Nhưng tôi lưu ý VAMC là công cụ đặc biệt của NHNN để góp phần xử lý các khoản nợ xấu chứ không phải là “công cụ vạn năng”. Trong môi trường pháp lý của Việt Nam hiện nay, một bộ phận dân chúng, thậm chí cả một số nhà quản lý vẫn còn những cách nhìn nhận khác nhau về VAMC. Do đó, quá trình xử lý nợ xấu sẽ hiệu quả hơn khi nhận được sự đồng thuận lớn từ xã hội.
Trước một khối lượng công việc rất lớn, phức tạp như vậy VAMC đã có những chuẩn bị gì về nguồn nhân lực?
Với sự hỗ trợ khẩn trương, quyết liệt của NHNN, đến thời điểm hiện nay, chúng tôi đã xây dựng được bộ máy của Công ty với những cán bộ có năng lực trình độ, và đặc biệt là, có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành Ngân hàng. Dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của Chính phủ, NHNN, các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhưng vô cùng khó khăn và phức tạp này. VAMC là công ty đặc thù, do đó đội ngũ cán bộ cũng khá “đặc biệt”. Nếu như các TCTD có thể tuyển dụng bất kỳ sinh viên học chuyên ngành Ngân hàng mới ra trường, hay cán bộ từ ngành khác chuyển đến… thì tại VAMC chỉ có thể tiếp nhận những cán bộ có năng lực, chuyên môn tốt, làm việc trong ngân hàng và đặc biệt có thâm niên trong mảng tín dụng, xử lý nợ.
Theo yêu cầu VAMC, hàng năm các NHTM trích lập dự phòng rủi ro tới 20% cho các khoản nợ xấu đã bán, khiến họ “ngại” bán nợ. Ông nghĩ sao về điều này?
Trước hết, việc TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) hàng năm đối với trái phiếu đặc biệt không thấp hơn 20% mệnh giá trái phiếu không phải là yêu cầu của VAMC mà là theo quy định tại Nghị định 53 của Chính phủ.
Đúng là việc trích lập DPRR theo quy định trên sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận của TCTD. Tuy nhiên, các TCTD cần phải xác định vì mục tiêu dài hạn, vì sự phát triển bền vững của mình để chấp nhận khó khăn trong ngắn hạn. Việc bán nợ sẽ giúp TCTD giảm nhanh nợ xấu, có đủ thời gian để xử lý các khoản nợ xấu đó với sự hỗ trợ của VAMC. Nếu nền kinh tế hồi phục nhanh thì khả năng thu nợ sẽ lớn hơn, TCTD sẽ không còn phải trích lập DPRR cho khoản nợ. Trường hợp kinh tế chậm hồi phục thì TCTD có thêm thời gian trích lập dần cho khoản nợ. Nếu TCTD không bán nợ, 2 – 3 năm sau vẫn không thu hồi được nợ thì gánh nặng xử lý khi đó còn lớn hơn.
Mặt khác, các TCTD có thể cầm cố trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn từ NHNN để cho vay các lĩnh vực ưu tiên, hoặc khi gặp khó khăn thanh khoản. Tôi nghĩ rằng, đây là một trong những yếu tố khiến các TCTD mong muốn bán nợ cho VAMC.
Nhiều ý kiến cho rằng, với sự tham gia của nhà đầu tư ngoại việc xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Theo kinh nghiệm từ Mỹ, Hàn Quốc và một số quốc gia khu vực Đông Á, để các TCTD thực hiện tái cơ cấu hoạt động nhanh nhất cần phải có một AMC đủ mạnh về nguồn lực tài chính, với sự hỗ trợ bởi các bộ luật đặc biệt từ Quốc hội, Chính phủ. Vì lẽ đó, bên cạnh nguồn vốn của Chính phủ, sự tham gia của các NĐT trong nước, thì sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài là điều các AMC luôn mong muốn.
Ngân - Huyền
Thời báo ngân hàng
|