Nợ công trong Eurozone tăng với tốc độ nguy hiểm
Nợ công trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang tăng với tốc độ nguy hiểm, bất chấp chính sách kinh tế "thắt lưng buộc bụng" và tăng thuế.
Theo số liệu của Cơ quan thống kê thuộc Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 22/7, trong quý đầu năm nay, nợ công của 17 nước sử dụng đồng euro lên tới 92,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với con số cùng kỳ năm ngoái là 88,2%.
Hy Lạp, quốc gia đầu tiên của Eurozone đánh mất lòng tin của giới đầu tư năm 2009, đã tăng nợ công của mình lên mức 160,5% GDP so với 136,5 % một năm trước, lập kỷ lục đáng buồn nhất trong khu vực.
Đứng thứ hai là Italy với 130,3% (123,8% trong quý I/2012), tuy không cần đến gói cứu trợ như Hy Lạp và các nước khác, nhưng quốc gia vùng Địa Trung Hải này cũng phải thi hành một gói biện pháp nhằm củng cố lòng tin của giới đầu tư để họ không rút lại khoản cho vay 2 nghìn tỷ euro. Tiếp theo trong danh sách các nước có nợ công tăng rất cao là Bồ Đào Nha - 127,2 % so với 112,3 % của năm ngoái, Ailen - 125,1% (106,8%), Tây Ban Nha - 88,2% (73%).
Tình hình nợ công tăng nghiêm trọng, suy thoái toàn cầu chưa có dấu hiệu ngừng, khủng hoảng khu vực ngân hàng, xuất hiện các trường hợp mất quản lý tài chính khiến nhóm các nền kinh tế hàng đầu của Eurozone đã phải khởi động cuộc tư vấn riêng để soạn thảo một chương trình bình ổn mới cho các nước nghèo hơn.
Theo đánh giá sơ bộ của giới ngân hàng Anh chương trình cho vay mới kể trên trị giá đến 50 tỷ euro, trong đó riêng Hy Lạp đã cần đến 25-30 tỷ ngay vào mùa Thu tới, 7 tỷ có thể dành cho Slovenia để giúp nước này tránh được khủng hoảng hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, về chính thức, gói cứu trợ mới cho các nước nghèo trong Eurozone chỉ được khởi động bàn bạc vào tháng Chín, sau khi kết thúc bầu cử tại Đức./.
vietnam+
|