Trung Quốc thả nổi lãi suất cho vay của các TCTD
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa quyết định dỡ bỏ các biện pháp
kiểm soát đối với lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, theo đó kể từ ngày
20/7/2013, các ngân hàng thương mại được quyền ấn định lãi suất cho vay “trên cơ
sở cung và cầu trên thị trường.”
Đây là một quyết định được chờ đợi từ lâu và là dấu hiệu cho thấy quyết
tâm của các nhà lãnh đạo nước này trong việc thực hiện những cải cách tài chính
theo định hướng thị trường. Theo PBoC, điều này sẽ giúp làm giảm chi phí vay vốn
của các doanh nghiệp.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng tín dụng rẻ hơn có thể là yếu tố trợ
giúp cho đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vốn đã chậm lại 9 trong 10 quý
vừa qua. Trong quý 2/2013, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới
này đã giảm còn 7,5%, thấp hơn so với con số 7,7% trong quý 1/2013 và 7,9% trong
quý 4/2012.
Động thái trên cũng cho thấy quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc nhằm xử lý
các méo mó trong hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung trong lúc
nước này đang cố gắng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào xuất khẩu và đầu
tư sang dựa vào tiêu dùng nội địa. Theo các chuyên gia, việc tự do hóa lãi suất
sẽ giúp nền kinh tế Trung Quốc được định hướng thị trường nhiều hơn và sẽ có lợi
cho tăng trưởng kinh tế.
Yêu cầu cải cách đối với hệ thống tài chính Trung Quốc trở nên bức thiết
hơn bao giờ hết khi vào cuối tháng 6/2013, PBoC phải nỗ lực chặn các dòng tiền
đổ vào thị trường tín dụng đen - một hiện tượng đang dẫn tới tình trạng thiếu
thanh khoản, đẩy lãi suất cho vay ngắn hạn lên các mức cao chỉ thấy trong các
cuộc khủng hoảng tài chính.
Mặc dù vậy, PBoC hiện không có kế hoạch nới lỏng kiểm soát đối với lãi
suất cho vay thế chấp để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động
sản, trong khi cũng sẽ vẫn duy trì trần lãi suất tiền gửi để tránh việc các ngân
hàng chạy đua tăng lãi suất sẽ khiến các ngân hàng nhỏ có thể phá sản./.
Lê Minh
Vietnam+
|