Thứ Tư, 31/07/2013 06:21

Nếm trái đắng đầu cơ ngoại tệ

Ngày 30/7, diễn biến trên thị trường ngoại hối hẳn đã dội một gáo nước lạnh vào kỳ vọng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ nổi lên những tháng gần đây.

* Sáng 30/07, ngân hàng đồng loạt giảm mạnh giá bán USD 

Đó cũng là một ngày sôi động ít thấy của với những người quan tâm đến diễn biến tỷ giá USD/VND.

Đọng lại, lúc này là trái đắng của những kỳ vọng đầu cơ kẹt hàng giá 21.800 - 21.900 VND, khi phía trước Ngân hàng Nhà nước quyết liệt với cam kết bình ổn

Vì, đã một thời gian dài giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại mới chịu nhượng bộ như vậy, và giá chào trên liên ngân hàng cũng liên tục rút sâu.

Kẹt hàng giá cao

Đầu giờ sáng, Vietcombank rút hẳn giá bán USD xuống còn 21.210 VND, giảm và thấp hơn mức trần 46 VND - bước giảm mạnh nhất kể từ khi tỷ giá có biểu hiện căng thẳng trong khoảng ba tháng gần đây. Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng lập tức điều chỉnh.

Đầu giờ chiều, thêm một nhịp điều chỉnh nữa. Chênh lệch giá USD mua vào - bán ra được nới rộng tới 100 VND. Chênh lệch này phản ánh cung - cầu ngoại tệ tại mỗi thời điểm, và 100 VND là mức hiếm có kể từ đầu năm, thậm chí cả trong năm ổn định 2012 (mức phổ biến có từ 60 - 70 VND).

Nới rộng giá mua vào - bán ra là phản ứng ngừa rủi ro trước hướng điều chỉnh, hay trước nguồn cung thuận lợi. Tin nhắn từ cán bộ quản lý ngoại hối một số ngân hàng gửi đến VnEconomy cho hay, người dân và doanh nghiệp đang đẩy mạnh bán ra ngoại tệ.

Trên thị trường liên ngân hàng, sau khi xuống dưới mốc 21.200 VND, giá USD tiếp tục thoái lui nhanh; đến cuối chiều 30/7 chỉ còn trong khoảng 21.155 - 21.158 VND.

Ngày 30/7 đánh dấu sự thoái lui rõ rệt đầu tiên của đợt biến động và căng thẳng tỷ giá USD/VND kéo dài ba tháng qua, đặc biệt là sau ngày 28/6 - ngày Ngân hàng Nhà nước tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Một tuần sau mốc sự kiện 28/6, giá USD kịch trần trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại; căng thẳng thể hiện ở sự dồn ép giá mua áp sát giá bán; tỷ giá liên tục leo thang trên thị trường tự do và dường như nó trở thành mốc tham chiếu cho các giao dịch ngoài luồng; đáng lo ngại hơn là sau hơn hai năm dẹp yên, tình trạng hai tỷ giá có biểu hiện nhen nhóm trở lại trong hệ thống ngân hàng…

Trong tuần cao điểm đó, nhiều lần VnEconomy tìm hiểu ứng xử của Ngân hàng Nhà nước, câu trả lời quen thuộc vẫn là không đáng lo ngại, thị trường vẫn nằm trong kiểm soát, các cân đối và cung - cầu về tổng thể không có gì đột biến. Nhưng, dư thừa tiền đồng là điểm liên quan cần xử lý.

Tìm hiểu qua cán bộ quản lý ngoại hối của một ngân hàng quốc doanh lớn, câu trả lời khi đó là nụ cười ẩn ý: “Tranh thủ làm tí!”.

Bởi lẽ, đã lâu rồi thị trường ngoại hối lặng sóng, thiếu sóng thì thiếu cơ hội kiếm lời; đầu tư ngoại tệ, hay hoạt động đầu cơ thì đương nhiên chỉ mong có sóng.

Tuy nhiên, tâm lý thị trường vốn dĩ mong manh. Căng thẳng của tỷ giá trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại nhanh chóng lan ra thị trường tự do. Dù quy mô giao dịch của thị trường này nhỏ, nhưng nó trở thành vết dầu khếch đại tâm lý trong dân cư, và cả doanh nghiệp. Biểu hiện gom và găm giữ ngoại tệ cũng đã thể hiện rõ ở lượng tiền gửi USD tăng vọt trong hệ thống ngân hàng.

21.700 VND, 21.800 VND rồi đỉnh điểm trong tuần đầu tháng 7 có lúc ghi nhận tới gần 21.900 VND của tỷ giá trên thị trường tự do. Thậm chí đây còn là mức mua vào của một số ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng, qua “giao dịch tay bo” hoặc vòng qua đồng tiền thứ ba…

Cuối chiều 10/7, trước diễn biến phức tạp của tỷ giá mà đặc biệt là yếu tố tâm lý đầu cơ, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng cũng như vào cuộc triển khai các biện pháp can thiệp. Ngay một ngày sau đó, các ngân hàng rút vội đơn xin mua ngoại tệ từ nhà điều tiết. Nếu nhu cầu không quá nóng, rút vội để tránh mua phải giá hớ.

Thực tế, chuỗi giao dịch sau đó trên liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND liên tục hạ nhiệt, giao dịch trở lại sôi động. Đến 30/7, bước điều chỉnh mạnh chính thức xuất hiện, đánh dấu sự đứt gãy của con sóng vừa nổi.

Đọng lại, lúc này là trái đắng của những kỳ vọng đầu cơ kẹt hàng giá 21.800 - 21.900 VND, khi phía trước Ngân hàng Nhà nước quyết liệt với cam kết bình ổn.

Và tạm khép lại đợt sóng vừa qua, một người trong cuộc nói vui: “Kỳ này một số dealer ngoại tệ được thưởng vì chớp đúng sóng, nhưng cũng nhiều đồng nghiệp phải dè chừng lương những tháng tới…”.

Thuốc đang ngấm…

Ngày 10/7, cùng với thông điệp tái khẳng định cam kết ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu triển khai các giải pháp bình ổn quyết liệt hơn.

Như trên, điểm liên quan đến áp lực tỷ giá là dư thừa tiền đồng. Công cụ tín phiếu được sử dụng trở lại, sau khi ngãng đi trong tháng 6. Thống kê của một tổ chức đầu tư cho hay, chỉ riêng trong hai tuần tính đến 19/7, đã có hơn 21 nghìn tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước hút về qua tín phiếu. Cùng với đó, hoạt động đấu thầu vàng “thấm vốn” vẫn diễn ra khá đều.

Tiền đồng nhàn rỗi ngắn hạn trong hệ thống dần hạn chế. Lãi suất qua đêm và các kỳ hạn ngắn trên liên ngân hàng tăng mạnh và duy trì ở mức cao. Chênh lệch lãi suất VND - USD được nới rộng có lợi cho giá trị VND, thay vì áp sát trước đó.

Cùng lúc, Ngân hàng Nhà nước bán ra ngoại tệ hỗ trợ thanh khoản thị trường; tổ chức các đoàn thanh tra và xử lý các điểm ngắm giao dịch ngoại tệ ngoài luồng, siết lại kỷ cương trong hệ thống…

Và một hậu thuẫn để bình ổn tỷ giá cũng đã xuất hiện rõ rệt hơn. Đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã có bước đột biến, đến cuối tháng 7 đã tăng trên 5% và dự báo tiếp tục cải thiện trong những tháng cuối năm. Đầu ra của nguồn vốn dư thừa trước đó đã mở rộng hơn, giải tỏa bớt áp lực của nó đối với tỷ giá.

Ba tuần sau khi các giải pháp tổng thể được triển khai, thuốc đang ngấm và tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt cả trên thị trường chính thức lẫn tự do. Phía trước vẫn là cam kết giữ ổn định của Ngân hàng Nhà nước, bằng mọi biện pháp cần thiết để giữ ổn định.

Dĩ nhiên, cơ sở cho cam kết là dự báo cán cân tổng thể tiếp tục thặng dư khoảng 5 tỷ USD trong năm nay; chênh lệch lãi suất vẫn tiếp tục có lợi, hay đảm bảo lợi ích cho người nắm giữ VND…

Còn với người đổ vốn đầu cơ USD con sóng vừa qua, trong ngắn hạn là trái đắng kẹt giá quá cao, lãi suất nhận được thì quá thấp, lỗ đang diễn ra trước mắt và không loại trừ tình huống giá USD vẫn có thể giảm tiếp, nhất là khi hoạt động chuyển đổi vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mạnh hơn vào nửa cuối năm, bởi chính họ cũng không thể giữ mãi ngoại tệ trong két ngân hàng với lãi suất thấp sau biểu hiện găm giữ tháng 5 và 6 vừa qua.

Minh Đức

vneconomy

Các tin tức khác

>   Lượng tiền giả có xu hướng giảm dần (30/07/2013)

>   Đến cuối tháng 7, tín dụng tăng 4,91% (30/07/2013)

>   Sáng nay, ngân hàng đồng loạt giảm mạnh giá bán USD (30/07/2013)

>   Dễ dãi tiêu chuẩn cho vay tiêu dùng: Nợ xấu có thể tăng cao (30/07/2013)

>   Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn: tiền chảy ra nước ngoài (29/07/2013)

>   NHNN đã ngưng bán ngoại tệ can thiệp (29/07/2013)

>   ABBank: Lãi trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 214 tỷ đồng (29/07/2013)

>   Dự thảo Thông tư về xử lý tiền giả trong ngành ngân hàng (29/07/2013)

>   Không cho thuê tài chính bằng ngoại tệ (29/07/2013)

>   Lãi suất hạ: Miếng bánh ngon vẫn ở ngoài tầm với (29/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật