Thứ Tư, 10/07/2013 21:24

Hàng trăm tấn vàng trong dân vẫn cần có "bà đỡ"

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã yêu cầu một số ngân hàng thương mại tạm dừng cung cấp dịch vụ nhận giữ hộ vàng cho người dân.

Động thái mới này được cho là xuất phát từ những lo ngại về việc có hay không khả năng một số tổ chức tín dụng đẩy mạnh dịch vụ giữ hộ vàng của người dân để “lách” quy định cấm ngân hàng huy động và cho vay vàng có hiệu lực từ ngày 30/6 vừa qua.

Nhiều ngân hàng lớn đã chính thức ngừng dịch vụ giữ hộ vàng cho người dân sau thông tin này. Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là sau thời điểm 30/6, khi Ngân hàng Nhà nước ngừng huy động và cho vay bằng vàng, cùng với đó, dịch vụ giữ hộ vàng cũng ngừng hoạt động, vậy một lượng vàng lớn trong dân sẽ cất trữ ở đâu để tránh rủi ro?

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là bước đi tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước nhằm kiểm soát thị trường vàng. Mục đích tạm ngưng giữ hộ vàng của Ngân hàng Nhà nước cũng đồng thời nhằm vào việc để người dân phải cân nhắc khi quyết định nắm giữ kim loại quý, điều này nằm trong mục tiêu tăng cường chống “vàng hóa.”

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này cần độ trễ bởi thói quen tích trữ vàng đã có hàng ngàn năm nay của người dân không phải một sớm một chiều có thể thay đổi ngay. Trong khi đó, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản không phải người dân nào cũng có thể tham gia. Chính vì vậy, việc các ngân hàng ngay tức thì ngưng giữ hộ vàng sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân đang giữ vàng, khiến họ sẽ phải lo lắng, sợ rủi ro. Và như vậy, dịch vụ giữ hộ vàng vẫn cần thiết vào thời điểm này.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại thực hiện giữ hộ vàng cho người dân, tuy nhiên trong khi thực hiện đã không hoàn toàn tuân thủ đúng quy định trong hạch toán và giữ hộ. Do đó, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có công văn yêu cầu một số ngân hàng thương mại vi phạm tạm ngừng nhận gửi vàng của người dân để chấn chỉnh hoạt động này.

Ông Nguyễn Quang Huy cũng khẳng định không phải tất cả các ngân hàng đều phải ngưng nhận gửi vàng, các ngân hàng tuân thủ theo đúng quy định vẫn được phép giao dịch. Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành dự thảo Thông tư hướng dẫn về giữ hộ vàng, đặc biệt là vàng miếng để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân cũng như để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này của ngân hàng.

Lâu nay, nhiều người dân nhờ ngân hàng giữ hộ vàng với mục đích an toàn và tiện lợi. Chính vì vậy, dù mất phí nhưng dịch vụ giữ hộ vàng tại các ngân hàng vẫn thu hút nhiều người. Đặc biệt, cận thời hạn các tổ chức tín dụng phải chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng (ngày 30/6), dịch vụ giữ hộ vàng có thu phí bắt đầu nở rộ.

Điều đáng nói, loại hình dịch vụ này thu mức phí rất thấp (khoảng 1.000 đồng/chỉ/tháng) khiến nhiều người băn khoăn đây có thể là biến tướng của hình thức huy động vàng và người dân sẽ không lấy lại được vàng theo số seri họ gửi lúc đầu.

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước khi duy trì hoạt động giữ hộ vàng cần phải có chế tài rõ ràng cho loại hình dịch vụ này để tránh biến tướng. Bởi lượng vàng dân gửi vào các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể không được nằm yên trong két mà lại được dùng quay vòng. Điều này rất rủi ro và người gửi có khả năng thiệt hại.

Tiến sỹ Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc có hướng dẫn, quy định rõ ràng về giữ hộ vàng ở các ngân hàng thương mại sắp tới là rất cần thiết.

Trường hợp doanh nghiệp giữ hộ vàng thì phải có chế tài chuyên nghiệp, quy định biện pháp giải quyết khi có rủi ro và cách đem lại quyền lợi cho người gửi.

Tiến sỹ Cao Sĩ Kiêm cũng khẳng định chế tài rõ ràng, thông thoáng sẽ bảo vệ được quyền lợi cho người dân khi gửi vàng.

Dịch vụ giữ hộ vàng có thu phí đã được triển khai từ cách đây hơn một năm, đây là hoạt động “giữ hộ” chứ không phải “huy động vàng.” Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, chỉ các tổ chức tín dụng có đủ cơ sở vật chất và nhân lực mới được triển khai dịch vụ giữ hộ vàng.

Các tổ chức tín dụng cũng không được phép sử dụng vốn vàng của người gửi để kinh doanh hay mang đi thế chấp vay vốn lẫn nhau.

Theo ước tính, đến trước khi chính thức ngừng huy động, số vàng gửi tại hệ thống ngân hàng lên tới khoảng 100 tấn.

Như vậy, từ nay đến khi có hướng dẫn cụ thể, những người có thói quen tích trữ vàng, người đang nhờ ngân hàng giữ hộ sắp đến ngày đáo hạn phải mang vàng về cất tại nhà mình.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, sẽ rất lãng phí nếu như nguồn kim loại quý này nằm yên trong két của các gia đình trong khi nền kinh tế vẫn đang “khát” vốn. Chính vì vậy, thay vì tìm giải pháp để người dân từ bỏ thói quen giữ vàng, Ngân hàng Nhà nước nên tính giải pháp huy động số vàng trong dân, biến nó thành nguồn lực của quốc gia phục vụ cho nền kinh tế.

Đỗ Huyền

vietnam+

Các tin tức khác

>   Giảm khá mạnh lượng vàng chào thầu (10/07/2013)

>   Giá vàng và lòng tin (10/07/2013)

>   Diễn biến lạ của vàng, đôla (10/07/2013)

>   Giá vàng trong nước giảm 50.000 đồng mỗi lượng (10/07/2013)

>   Vàng tăng 11 USD trong phiên leo dốc thứ hai liên tiếp (10/07/2013)

>   Mua bán vàng trầm lắng bất thường (09/07/2013)

>   6 tấn vàng đã ra thị trường sau hạn tất toán 30/6 (09/07/2013)

>   Đấu thầu vàng: Càng bán càng lãi càng lo (09/07/2013)

>   Giá vàng đuối sức, giá USD tự do về 21.700 đồng (09/07/2013)

>   Giá vàng nhảy vọt hơn 22 USD sau nhận định của Deutsche Bank (09/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật