Hạ lãi suất huy động xuống 5%: Đầu vào giảm nhưng đầu ra khó hạ
Cuộc chơi phá giá lãi suất huy động của một số “ông lớn” ngành ngân hàng (NH) đang thật sự gây sốc không chỉ cho người dân, mà thậm chí là cả các đồng nghiệp. Người gửi tiền buồn, nhưng với những doanh nghiệp (DN) cần vay vốn thì lại chờ đợi, biết đâu đấy sẽ có một cú sốc như vậy đối với lãi suất vay.
* VietinBank, BIDV cũng giảm lãi suất huy động
Nhưng tất nhiên, giữa mơ và thật vẫn còn một khoảng cách khó thu hẹp.
Ngân hàng nhỏ tung chiêu giữ khách
Và cũng theo thường lệ như mọi khi, các “ông lớn” như BIDV (BID), VietinBank (CTG) hay Agribank cũng có những bước điều chỉnh lãi suất theo chân Vietcombank. BIDV đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn một tháng từ 6% xuống còn 5%, mức này cũng được áp dụng tại Agribank trước đó.
Tại VietinBank, lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn một tháng giảm xuống 6% từ mức 6,5% của một tuần trước đó. Tuy nhiên, lãi suất huy động kỳ hạn hai tháng của VietinBank cũng 6% lại thấp hơn so với mức 6,5% của Agribank và Vietcombank (VCB).
Mọi ánh mắt hiện nay đang đổ dồn về các NHTM và đã có không ít NH nhỏ lo ngại tình trạng “phá giá” lãi suất khiến dân rút tiền mặt để mua USD, mua vàng, CK. Do đó, vẫn có thể thấy sự chần chừ trong việc điều chỉnh lãi suất, thậm chí việc thu hút tiền gửi bằng những khuyến mãi về lãi suất vẫn đang được một số NH triển khai. Các NHTMCP như ACB, Eximbank, Đông Á vẫn chưa thay đổi lãi suất huy động tiền đồng ở các kỳ hạn ngắn từ một đến ba tháng. Khác nhau về lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn từ một đến ba tháng, nhưng với các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên, lãi suất huy động ở các NH khá tương đồng với nhau, xoay quanh mức từ 7% đến 8%/năm.
Tại một số NH nhỏ lâu nay nằm trong diện bị nghi vấn về thanh khoản vẫn tiếp tục tung ra nhiều chương trình khuyến mại, hoặc tặng thêm lãi suất để hút khách gửi tiền. Chẳng hạn như SeaBank mới đây thông báo tăng thêm lãi suất 0,5%/năm cho tất cả khách hàng gửi tiền từ tháng 7 đến tháng 10 chỉ để chào mừng việc ra mắt một sản phẩm tiết kiệm mới. Tuy nhiên, có thể thấy mức tặng lãi suất của các NH này hiện nay không còn cao mà chỉ khoảng từ 0,3-1% lãi suất/năm. Thậm chí, khách hàng đến gửi tiền nếu không có yêu cầu thì sẽ không có chính sách ưu đãi nào, tuy nhiên nếu khách hỏi thì bất cứ lúc nào cũng có quà tặng tùy theo món tiền gửi là bao nhiêu.
“Sau đợt giảm lãi suất xuống 6%/năm mới đây đã có sự chuyển dịch dòng tiền, khách hàng rút tiền tiết kiệm chuyển sang kênh đầu tư hấp dẫn. Do đó, chỉ có NH đang dư vốn đầu vào, đầu ra giới hạn mới có nhu cầu giảm lãi suất. Với các NH nhỏ thì sự “ổn định” của tính thanh khoản vẫn khá mong manh, vì vậy buộc phải tìm cách “neo” lãi suất ở mức cao để giữ chân khách hàng” - lãnh đạo một NHTM ở TPHCM cho biết.
Khó có chuyện giảm lãi vay
Cũng như những lần giảm trước đây, việc các NH giảm lãi suất huy động sốc một lần nữa khiến người ta tin rằng sẽ sớm có một làn sóng giảm lãi suất cho vay. Nhưng có thể thấy được câu trả lời trong chính lời giải thích của người đi tiên phong chuyện giảm lãi suất huy động, khi mà chính lãnh đạo của Vietcombank cũng cho rằng, việc giảm lãi suất huy động có độ trễ của nó, do vậy không thể vừa giảm lãi suất huy động đã giảm ngay lãi suất cho vay, chưa kể đây chỉ là một kỳ hạn rất ngắn. Một số lãnh đạo NHTM khác khi được hỏi thì cũng cho biết, NH chưa có kế hoạch điều chỉnh lãi suất huy động tiền đồng vì có thể ảnh hưởng đến huy động của NH, do vậy lãi suất cho vay chưa có gì thay đổi.
Theo báo cáo về tình hình hoạt động của các NH trong tuần đầu tháng 7, NHNN cho biết mặt bằng lãi suất cho vay của NHTM nhà nước phổ biến ở mức 7 - 9%/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao. Với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác, lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 9 - 10,5%/năm và trung, dài hạn là khoảng 11,5 - 12,8%/năm.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ thực tế thì ngay cả với những DN thuộc diện ưu đãi, việc vay vốn lãi suất thấp cũng không dễ dàng gì. Đánh giá về việc hạ lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên xuống 9%/năm, theo Hiệp hội DN TPHCM, dù đây là tín hiệu đáng mừng nhưng thực tế, nhiều DN đến các NHTM xin vay vốn đều bị từ chối vì khả năng trả nợ của DN chưa tốt, điều kiện cho vay không thay đổi, tài sản đã thế chấp hết cho các khoản nợ cũ, nay không thể dùng thế chấp tiếp.
Mặc dù thời gian qua, ngành NH trên địa bàn đã có nhiều biện pháp huy động vốn, áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ DN, tái cấu trúc nợ cho DN nhằm khơi thông dòng vốn, nhưng dòng vốn tín dụng vẫn chưa được khơi thông. Chủ yếu do các hợp đồng vay vốn DN đã ký trước đây có mức lãi suất cao, mức 9%/năm hiện nay chỉ áp dụng cho các khoản vay mới nhưng DN không tiếp cận được, do nợ cũ chưa trả được nên NH không cho vay tiếp. Chưa kể lãi suất cho vay trung, dài hạn vẫn còn cao và khó tiếp cận hơn nữa.
Gia Miêu
lao động
|