Co-op Bank không chạy đua cho vay thương mại
Điểm mới nhất của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-op Bank, chính thức ra mắt hôm 9/7) là được phép cho vay các khách hàng ngoài thành viên và phát triển các sản phẩm ngân hàng. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, Co-op Bank sẽ lao vào cạnh tranh thu hút vốn, cạnh tranh cho vay và dẫm chân một số ngân hàng chính sách, cũng như một số tổ chức tài chính vi mô khác. Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch HĐQT Co-op Bank trao đổi về vấn đề này.
Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch HĐQT Co-op Bank
|
Theo quy định, Co-op Bank được phép cho vay cá nhân, doanh nghiệp ngoài thành viên. Điều này có đi ngược với nguyên tắc hoạt động của mô hình hợp tác xã là chỉ hỗ trợ thành viên?
Co-op Bank là ngân hàng của các quỹ tín dụng nhân dân (TDND), mục tiêu hàng đầu là phục vụ các quỹ này. Tuy nhiên, nếu một ngân hàng chỉ giới hạn phạm vi hoạt động vào một đối tượng thì hiệu quả rất thấp.
Chúng ta biết rằng, ngân hàng có 2 hoạt động chính là huy động và cho vay vốn. Co-op Bank chủ yếu huy động và cho vay vốn các quỹ TDND.
Hoạt động của các quỹ này có tính mùa vụ rất cao, vào dịp cuối năm và thời điểm sản xuất nông nghiệp, thì hầu như 100% quỹ đều rơi vào cảnh thiếu vốn, nhưng khi bước vào mùa thu hoạch, người dân có thu nhập gửi tiết kiệm, thì gần như tất cả quỹ lại cùng tạm thời dư thừa vốn.
Như vậy, nếu Co-op Bank chỉ được giới hạn hoạt động là phục vụ thành viên thì sẽ xảy ra tình cảnh lúc thì nháo nháo tìm vốn, lúc thì ứ vốn mà không cho vay được, thua lỗ là chắc chắn. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép Co-op Bank được phép cho vay khách hàng ngoài thành viên, để đảm bảo nguồn thu nhập, nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng, từ đó quay trở lại phục vụ thành viên tốt hơn.
Chỉ Co-op Bank hay tất cả các quỹ TDND cơ sở đều được cho vay ngoài thành viên, thưa ông?
Theo quy định hiện hành, quỹ TDND cơ sở được phép huy động và cho vay ngoài thành viên. Dù vậy, khác với Co-op Bank, quỹ TDND cơ sở chỉ được cho vay ngoài thành viên 2 loại đối tượng. Thứ nhất là những người gửi tiền tại quỹ TDND và sử dụng sổ tiết kiệm đó làm tài sản cầm cố, quy định này giúp khoản vay rất an toàn. Đối tượng cho vay ngoài thành viên thứ hai là người nghèo, nhưng dư nợ cho vay tối đa không quá 10% tổng dư nợ của quỹ.
Dù tôn chỉ là ưu tiên phục vụ thành viên, song việc cho phép cho vay ngoài thành viên có khiến Co-op Bank sa đà vào cho vay thương mại, mà lơ là phục vụ lợi ích thành viên không?
Không thể xảy ra việc đó! Co-op Bank hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, mà chủ yếu để tương trợ, giúp đỡ thành viên. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Ngân hàng là điều hòa vốn trong hoạt động toàn bộ hệ thống quỹ TDND trên phạm vi toàn quốc. Việc Co-op Bank phải thành lập, thay thế Quỹ TDND Trung ương là do yêu cầu khách quan, chứ không phải thành lập để chạy đua lợi nhuận.
Mô hình Quỹ TDND Trung ương bị hạn chế rất nhiều nghiệp vụ ngân hàng, do đó, để hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, đòi hỏi khách quan là Quỹ phải chuyển thành Co-op Bank để phạm vi huy động và cho vay vốn rộng hơn, phát triển nhiều sản phẩm ngân hàng để hỗ trợ thành viên. Với mô hình này, khi các quỹ TDND thiếu vốn, Co-op Bank cũng dễ dàng vay được vốn trên thị trường liên ngân hàng, sau đó sẽ trả lại khi các quỹ TDND thừa vốn.
Hoạt động tín dụng chủ yếu ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay người nghèo, song nợ xấu của các quỹ TDND lại rất thấp so với một số ngân hàng khác hoạt động cùng địa bàn. Tỷ lệ nợ xấu của các quỹ TDND năm 2012 chỉ là 0,72%. Đâu là lý do, thưa ông?
Thứ nhất, quỹ TDND là mô hình hợp tác xã do người dân tự góp vốn thành lập, tự quản lý, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, là một hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, nên điều kiện về nhân lực, về quản lý chặt chẽ hơn.
Thứ hai, khách hàng vay vốn là những người trong làng, trong xóm, nên quỹ hiểu rất rõ từng khách vay, đối tượng tin cậy mới cho vay, nên ít xảy ra nợ xấu.
Thứ ba, hầu như các quỹ TDND không cho vay các lĩnh vực mạo hiểm như bất động sản, chứng khoán…, nên rủi ro thấp hơn các ngân hàng khác.
Thùy Liên
Đầu tư
|