Thứ Năm, 11/07/2013 15:00

Kiểm soát nợ xấu nhìn từ NHTM

Công tác giám sát quản lý nợ xấu, trong đó có việc phát hiện sớm những dấu hiệu của nợ xấu là rất cần thiết, giúp các NHTM kịp thời có biện pháp ứng phó, giảm thiểu rủi ro nợ xấu cũng như tác hại của nó. Đó là quan điểm của ông Bùi Trung Kiên - Phó tổng giám đốc ABBank khi trao đổi với Thời báo Ngân hàng.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc ABBank

Cùng lúc nền kinh tế còn đối mặt khó khăn, những cảnh báo nợ xấu có dấu hiệu gia tăng được phát đi, các NHTM có điều chỉnh gì trong việc kiểm soát nợ xấu, thưa ông?

Nợ xấu hiện nay đang là áp lực lớn đối với nền kinh tế cũng như hệ thống NHTM. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, công tác giám sát quản lý nợ xấu, trong đó có việc phát hiện sớm những dấu hiệu của nợ xấu, trở nên rất cần thiết, giúp các NHTM kịp thời có biện pháp ứng phó, giảm thiểu rủi ro nợ xấu cũng như tác hại của nó đối với hoạt động ngân hàng.

Cho nên, xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm về nợ xấu là rất cần thiết và đặc biệt quan trọng.

Theo chúng tôi, nợ xấu có thể đến từ những khó khăn, cũng như những bất cập trong hoạt động quản lý và vận hành DN; những khó khăn hay thay đổi bất lợi của thị trường, của ngành nghề liên quan; những vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô hay những biến động bất lợi của kinh tế vĩ mô...

Nhưng đồng thời, trong đó còn có một nhóm nguyên nhân nữa là xuất phát từ chính những khó khăn hoặc tồn tại trong bản thân các NHTM, từ khâu thẩm định, theo dõi khoản vay…

Vậy đối với ABBank, việc nhận diện sớm các khoản nợ xấu được tiến hành như thế nào?

Đối với ABBank, chúng tôi đã tập trung xây dựng hệ thống phát hiện nợ xấu ngay từ những yếu tố tiềm ẩn trước khi cho vay, từ khâu thu thập thông tin đến thẩm định khách hàng, và tăng cường công tác giám sát thu thập thông tin của khách hàng trong và sau khi cho vay.

Những dấu hiệu về nợ xấu có thể phát sinh thể hiện qua những vấn đề, những nguyên nhân như tình trạng phát sinh nợ quá hạn của khách hàng, những áp lực về chi phí tài chính quá lớn cũng như những vấn đề liên quan đến doanh thu bị sụt giảm... Tất cả các dấu hiệu đó đều được cán bộ tín dụng của ABBank giám sát, theo dõi kịp thời.

Dù các NHTM đều triển khai công tác giám sát và cảnh báo sớm nợ xấu, song vấn đề dường như không đơn giản, thưa ông?

Trong thực tế hiện nay, việc nhận diện các khoản vay có vấn đề là khá phức tạp. Nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn trong khâu thu thập thông tin còn thiếu, không kịp thời; từ công tác dự báo, cảnh báo sớm cần nâng cấp để có thể dự báo được những khó khăn của nền kinh tế cũng như của lĩnh vực DN tham gia…

Với ABBank, chúng tôi cũng đang từng bước tháo gỡ để thu thập thông tin kịp thời từ khách hàng, xây dựng được hệ thống thông tin báo cáo chuẩn xác… Ngoài ra, chúng tôi cũng nỗ lực cải thiện công tác dự báo, nâng cao trình độ cán bộ để công tác dự báo ngày càng tốt hơn. Đấy là những hướng mũi nhọn chính mà chúng tôi mong muốn thông qua đó kịp thời phát hiện những khoản nợ có vấn đề để có biện pháp xử lý sớm.

Còn đối với các khoản nợ xấu hiện hữu, theo ông giải pháp nào để xử lý?

Khi phát sinh nợ xấu, chúng tôi luôn áp dụng những biện pháp mang tính chất tổng thể và căn cứ trên cơ sở phân tích những đặc thù của từng khoản nợ. Tại ABBank, chúng tôi áp dụng những giải pháp như mua bán nợ; tái cơ cấu và gia hạn nợ đối với những khách hàng có khả năng trả nợ nhưng hiện đang gặp khó khăn tạm thời; và thực hiện thu hồi nợ, khởi kiện và xử lý để thu hồi nợ theo những quy định hiện hành của pháp luật.

Vấn đề ở đây là ngân hàng cần đánh giá đúng tiềm năng, những khó khăn của DN, nơi làm phát sinh nợ xấu. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi phải đồng hành cùng DN để tháo gỡ khó khăn, cơ cấu gia hạn nợ phù hợp để cùng DN vượt qua trong giai đoạn hiện nay, để biến những khoản nợ xấu quay lại thành những khoản nợ bình thường.

Ông có đề cập đến việc cần phải theo sát từng khoản nợ để giảm thiểu rủi ro phát sinh nợ xấu. Có thể hiểu rằng các NHTM cần một cơ chế phân loại nợ chặt chẽ hơn so với quy định hiện hành?

Việc phân loại nợ, hay nợ xấu đều phải tuân thủ các quy định của NHNN, nhưng theo xu thế thì các quy định về giám sát nợ và phân loại nợ xấu sẽ ngày càng chặt chẽ hơn. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, với thực tế đang diễn ra tại các NHTM và tình hình khó khăn của DN, việc từng bước áp dụng thông lệ quốc tế, theo lộ trình phù hợp sẽ giúp các cơ quan liên quan giám sát và xử lý nợ xấu tốt hơn.

Thái Hà

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Dragon Capital: Tiền đồng sẽ ổn định trong nửa cuối năm 2013 (11/07/2013)

>   Ngân hàng đang hoạt động “bất hợp pháp”? (11/07/2013)

>   USD ‘chợ đen’ giảm mạnh, ngân hàng vẫn ‘nóng’ (11/07/2013)

>   Mất tiền oan vì tham đua sóng USD (11/07/2013)

>   Mỹ bàn giao cho Việt Nam nghi phạm chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng (11/07/2013)

>   Tổng giám đốc EIB: Ổn định tỷ giá USD/VND là “trong tầm tay” (11/07/2013)

>   Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank: Giá USD sẽ hạ (11/07/2013)

>   Ngân hàng nói do tâm lý, chuyên gia nghi tại nhập vàng (11/07/2013)

>   Chuyện tỷ giá lên bàn cuộc họp 14 ngân hàng (11/07/2013)

>   Lãi suất bình quân VNĐ tăng hầu hết các kỳ hạn (10/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật