Buôn cà phê hay buôn rủi ro?
Còn chưa đầy ba tháng nữa là kết thúc niên vụ cà phê 2012-2013. Có lẽ nhiều nhà phân tích sẽ phải đau đầu vì chưa biết phải đánh giá như thế nào đây với ngành cà phê. Từ một anh “tò te” tập tễnh vào thị trường cà phê thế giới ở những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20, nay đã trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil.
Trong niên vụ 2011-2012, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt chừng 1,6 triệu tấn, với kim ngạch trên 3,5 tỉ đô la Mỹ. Năm nay, tuy ít hơn, chín tháng đầu niên vụ cũng ước đạt 1,19 triệu tấn và thu về 1,72 tỉ đô la Mỹ. Vinh quang thuộc về người làm ra hạt cà phê!
Thế mà, mấy hôm nay, dư luận “tê tái” với thông tin cho rằng tổng nợ xấu của ngành cà phê, chủ yếu từ phía kinh doanh xuất khẩu, ước chừng 5.634 tỉ đồng. Nhiều người tin rằng xếp sau những tên tuổi lớn trong ngành như Tổng công ty Cà phê, Vinacafe Buôn Ma Thuột, tập đoàn Thái Hòa (THV)...danh sách này vẫn còn dài.
Giải thích cho việc thua lỗ, nợ xấu, có người nói do chỗ này dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn... Đó chỉ là một cách nói. Chưa ai dám nói thẳng rằng, nhìn từ tổng thể, nợ xấu trên 6.000 tỉ hiện nay, xuất phát từ những điểm yếu “chết người” trong kinh doanh cà phê của toàn ngành tích tụ từ nhiều năm qua.
Mua bán bằng cà phê của mình, vốn liếng của mình, nhưng đi nghe và tin người khác từ thông tin, đến các phân tích kỹ thuật xúi kiểu mua bán hàng giấy theo bầy đàn. |
Nhìn từ bên trong, cách kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không hề thay đổi trước một thị trường hàng hóa bị các yếu tố tài chính, đầu cơ làm náo loạn từ những tháng đầu năm 2010.
Suốt hơn một năm trời, đến cuối năm 2011, chỉ vài hãng kinh doanh quốc tế có vốn cực lớn đã tung tiền mua gom hàng thực (physicals) cộng với tích cóp mua vào hàng giấy (paper stocks) trên các sàn kỳ hạn, tạo thành giá bong bóng, gây nên những đợt thiếu hàng giả tạo, nâng giá robusta trên sàn kỳ hạn lên mức 2.500-2.700 đô la Mỹ/tấn. Như một giấc mơ, nhiều doanh nghiệp và cá thể bấy giờ rủ nhau mua hàng thực để mong giá tăng mạnh nữa hòng kiếm lời. Tại thời điểm ấy, có người mua cà phê nội địa ở các mức đỉnh, 50.000-52.000 đồng/ki lô gam. Thình lình, đầu cơ bán tháo trên sàn kỳ hạn, có khi chạm 1.700-1.800 đô la/tấn, hàng giá cao bị neo lại và hệ quả là một đống nợ xấu... khó bề tiêu hóa.
Mua giá cao nhưng nghĩ rằng được của rẻ, nhiều người xem thường việc sử dụng các công cụ kinh doanh như chốt bán bảo vệ (hedging) khi mua hàng nội địa. Vì, chỉ khi sử dụng công cụ này: mua nội địa, bán kỳ hạn và ngược lại, mới khả dĩ còn có đường để giảm thiểu rủi ro. Trái lại, hàng đêm, người giữ tồn kho giá cao này chỉ biết “cầu trời” cho giá tăng. Nhưng, khổ nỗi, giá trên sàn cứ đi ngược lời cầu của họ.
Nhiều lần, do thua lỗ, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cảnh báo hội viên chớ nên bán “trừ lùi” (differential) mà chỉ bán theo giá “mua đứt bán đoạn” (outright). Lời khuyên này chỉ đúng một nửa khi hướng thị trường đi xuống (bear market). Vì ai bán hôm nay, ngày mai giá xuống sẽ có lời. Nhưng, nếu gặp thị trường đang lên (bull), bán theo lời khuyên ấy không “nợ xấu” mới lạ. Vì, bán hôm nay với giá đứt đoạn, ngày mai giá tăng cao hơn, doanh nghiệp ắt lỗ vì giá đã chốt.
“Họa vô đơn chí”, khi đã lỗ, phía cung cấp tín dụng càng thắt chặt cho vay, không chỉ ngưng cung cấp tín dụng mới mà không chấp thuận cho doanh nghiệp bán bớt tồn kho để cắt lỗ. Vì, thà để đống hàng giá cao đó, còn có cái để chứng minh thua lỗ hơn là cho phép doanh nghiệp bán chạy để giảm lỗ. Cuối cùng, qua sông lụy đò, nhiều doanh nghiệp đành cắn răng chịu trận. Nợ càng nhiều, càng xấu khi giá kỳ hạn xuống sâu.
Nên, có người cho rằng kinh doanh cà phê tại nước ta hiện nay chính là kinh doanh rủi ro. Một điều rất lạ là mua bán bằng cà phê của mình, vốn liếng của mình, nhưng đi nghe và tin người khác từ thông tin, đến các phân tích kỹ thuật xúi kiểu mua bán hàng giấy theo bầy đàn.
Có người cho rằng kinh doanh cà phê thời nay như ông chủ chuồng ngựa. Muốn trị được ngựa, phải nắm bờm, leo lên yên, vậy mà đôi khi phải loạng choạng. Còn chỉ mới chụp được cái đuôi mà cứ tưởng mình trị được ngựa rồi, có khi phải oan mạng.
Nguyễn Quang Bình
TBKTSG
|