Nông – thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long:
Vẫn là những nút thắt cố hữu
Tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức tại Cần Thơ mới đây, phó Thủ tướng chính phủ Vũ Văn Ninh, trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ khẳng định: “Mục tiêu tương lai là nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện hơn nữa đời sống nông dân”.
Muốn được như vậy, theo ông Ninh, “phải tìm cho ra những nguyên nhân khiến các sản phẩm thế mạnh (lúa gạo, thủy sản…) gặp khó ở đầu ra”.
Cố hữu
Theo bộ Công thương, gạo Việt Nam đang bị nhà nhập khẩu ép giá do thiếu hợp đồng tập trung. Gạo Việt Nam, đặc biệt là các loại gạo cao cấp (nhất là gạo vụ hè thu) chưa được đánh giá cao về độ thuần chủng, độ dài hạt, màu sắc và chất lượng.
Xuất khẩu thủy sản năm 2013 sẽ tiếp tục gặp khó do nhu cầu tiêu dùng giảm trên toàn cầu; kiện chống trợ cấp tôm nước ấm và bán phá giá cá tra tại thị trường Mỹ; các rào cản kỹ thuật về kiểm soát dư lượng hóa chất, vi sinh, dịch bệnh… tại các thị trường Nhật Bản, Ucraina, Mexico…
Còn ông Huỳnh Thế Năng, phó chủ tịch (PCT) UBND tỉnh An Giang cho rằng: “Hoạt động xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó chỉ là cách nói chung chung. Cách nói này rất khó trong xây dựng định hướng sản xuất ở các địa phương”.
Theo ông Năng, gạo Việt Nam chỉ gặp khó ở phân khúc thị trường gạo chất lượng thấp do có áp lực cạnh tranh giá. Trong khi đó, ở những thị trường có yêu cầu chất lượng gạo cao vẫn được đánh giá là tiến triển tốt.
Chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ông Trương Thanh Phong thừa nhận: “Tổng lượng cung lương thực thế giới đang thừa, nhưng xuất khẩu gạo thơm 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp Việt Nam tăng hơn 12%. Doanh nghiệp muốn đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu nhất thiết phải xây dựng vùng nguyên liệu riêng”.
Xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm cũng đạt gần 860 triệu USD, tăng 0,53% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá nguyên liệu trong nước, theo ông Đào Anh Dũng, PCT UBND TP. Cần Thơ, người nuôi cá tra phải lỗ bình quân 3.000đồng/kg.
Lý giải tình trạng này, PCT UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu hạ giá bán để cạnh tranh, hậu quả là phải chịu thuế chống bán phá giá trong khi đó giá nguyên liệu ngày một giảm.
Ông Trần Văn Hùng, giám đốc công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) than phiền: “Có cả tình trạng sử dụng phụ gia làm tăng trọng trong chế biến để hạ giá bán cá tra phi lê từ mức 3,2 – 3,4USD/kg xuống chỉ còn hơn 2USD/kg… giết chết cả hệ thống doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng cá tra”.
Khó khả thi
Trước mắt, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tự đầu tư vùng nguyên liệu cho mình được cho là biện pháp làm giảm giá thành nguyên liệu cá tra ĐBSCL. Về mặt lý thuyết, hướng đi này được cho là doanh nghiệp chủ động được từ quản lý con giống, thức ăn nuôi, thuốc thú y… nên có thể giảm được giá thành.
Người trồng lúa còn dở sống dở chết huống chi người trồng rau màu!
|
Tuy nhiên, trong thực tế, ông Nguyễn Văn Kịch, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Cafatex (Hậu Giang) cho rằng: “Doanh nghiệp đầu tư nuôi cá chưa chắc đã làm giảm giá thành. Nhưng, doanh nghiệp có lợi thế là sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư vùng nuôi nguyên liệu”.
Theo ông Kịch, doanh nghiệp buộc phải làm điều này để có nguyên liệu hoạt động, nuôi lao động… vì hộ nuôi cá thể do lỗ lã đã phá sản, bỏ nghề…
Ông Kịch còn cảnh báo: “Do vốn vay ngắn hạn nên thậm chí doanh nghiệp tiếp tục cạnh tranh xuất khẩu sản phẩm cá tra với giá rẻ để thu hồi vốn nhanh… Trong tình huống này, vô tình ngân hàng lại rót tiền (ưu đãi lãi suất) cho doanh nghiệp đầu tư nuôi để rồi đi bán giá rẻ, chịu thuế chống bán phá giá”.
Trong khi đó, những người nhiều năm nuôi cá tra, cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, tới lúc này, hầu như đã bị loại ra khỏi chuỗi sản xuất mặt hàng này do họ không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay tiếp tục đầu tư.
Thậm chí nếu có nuôi được cá, doanh nghiệp cũng chỉ thu mua với giá thấp hơn nhiều so giá thành cá nuôi của họ.
Trong tình thế như vậy, ông Kịch đề xuất: “Cần giảm bớt sản lượng để kiểm soát tốt hơn chất lượng, vì cá tra Việt Nam đã thừa trên thị trường thế giới từ nhiều năm qua”.
Bởi theo ông Kịch, có kiểm soát được chất lượng thì mới mong nâng được giá trị đặc sản này.
Trong khi doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lo đầu tư vùng nguyên liệu, thì doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại rất hiếm đơn vị tổ chức vùng nguyên liệu cho mình.
Ngay cả các mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng liên kết do từng tỉnh xây dựng sẵn cũng không tìm đâu ra đối tác bao tiêu sản phẩm lúa hàng hóa cho nông dân.
Ở tỉnh Hậu Giang, để nuôi dưỡng và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu, ông Trần Công Chánh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Ngân sách tỉnh phải bù lỗ 400đồng/kg lúa để khuyến khích nông dân trong các mô hình mẫu vì sản phẩm của họ phải bán trôi nổi với giá rẻ”.
Trong khi đó, theo ông Trương Thanh Phong, doanh nghiệp xuất khẩu gạo lo vốn kinh doanh đã vất vã, còn đâu vốn đầu tư cho vùng nguyên liệu. Thậm chí khi có nguồn vốn, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng không kiếm đâu ra đội ngũ kỹ thuật để tổ chức sản xuất cùng nông dân.
Nhiều nút thắt vẫn phải tiếp tục tháo gỡ, nhưng bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát kỳ vọng: “Phải có những điều chỉnh căn cơ để nâng chất lượng nông sản, giảm giá thành, tăng thu nhập cho nông dân.
"Dù không bỏ cây lúa, nhưng ngành nông nghiệp sẵn sàng chuyển sang các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn”.
Bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng lưu ý các doanh nghiệp kinh doanh các loại nông - thủy sản: “Đừng bỏ quên gần 90 triệu người tiêu dùng trong nước cùng với các lợi thế có được từ các hiệp định mậu dịch tự do đã ký kết.”
Trong lúc đó, ông Huỳnh Thế Năng cho rằng: “Phải hết sức bình tỉnh trước khi quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nếu chuyển đất lúa sang trồng bắp, đậu nành để giảm nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc thì phải so sánh giá sản xuất trong nước và giá nhập khẩu trước đã!”
Còn ông Phạm Hoàng Bê, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nói: “Giảm lương thực, tăng rau màu là chuyện không khó, nhưng quan trọng hơn là phải biết rõ trồng cây gì, bán cho ai, hiệu quả ra sao?”
Ngọc Tùng
Sài Gòn tiếp thị
|