1.800 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo dự thảo Đề án tăng cường năng lực tổ chức đầu mối triển khai thực hiện chính sách, chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mà Bộ KHĐT vừa hoàn thiện, sẽ có hơn 1.800 tỉ đồng dành để hỗ trợ đối với khối DN này.
Tuy nhiên, điều các DN quan tâm là cơ chế thực hiện như thế nào. Nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ vai trò của các tổ chức đầu mối triển khai chính sách này. Hiện nay, cái DNNVV thiếu vẫn là vốn và công nghệ. Tuy nhiên, nếu muốn hỗ trợ DNNVV thông qua hình thức hỗ trợ tín dụng từ ngân hàng là không khả thi vì DNNNV rất khó hội đủ điều kiện để vay vốn.
Vì vậy, Đề án cũng chỉ nên tìm đến mục tiêu hỗ trợ phát triển công nghệ hay xúc tiến thương mại… còn tìm đầu mối hỗ trợ về tín dụng thì tính khả thi sẽ thấp. Tuy nhiên, hỗ trợ như vậy cũng mới chỉ làm được một phần nhỏ. Muốn hỗ trợ toàn diện DNNVV thì cần một chương trình tổng thể hơn. Từ vốn, công nghệ, quản trị DN đến xúc tiến thương mại… đều phải hướng đến DNNVV.
Theo khảo sát năng lực công nghệ và nhu cầu hỗ trợ của DNNVV phía Bắc tháng 3/2013 của Cục Phát triển DN (Bộ KHĐT), hơn 60% số DN cho biết họ không có thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới công nghệ, kỹ thuật, 35,5% có nghe nói nhưng không biết chi tiết, cũng hơn 60% số DNNVV chưa bao giờ nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ về đổi mới công nghệ. Nguyên nhân của tình trạng trên là do chậm trễ trong triển khai cũng như hướng dẫn, hỗ trợ các DNNVV tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thêm vào đó, một số chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV có nội dung chồng chéo, trùng lắp, dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao, lãng phí nguồn lực, không giải quyết được các nhu cầu trợ giúp trọng tâm, thiết thực của DNNVV. Hầu hết các địa phương chưa chủ động bố trí ngân sách để hỗ trợ DNNVV, nếu có thì cũng rất hạn chế so với nhu cầu hỗ trợ cao từ phía cộng đồng DNNVV.
Theo các chuyên gia, đối với một DN, muốn phát triển bền vững thì phải có cả yếu tố nguồn lực, trình độ công nghệ, khả năng tiếp cận thông tin thị trường, hiểu biết pháp lý. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ là hữu hạn, vì vậy, phải chọn lĩnh vực để hỗ trợ cho DN cả về vốn lẫn chính sách.
Trung Nguyễn
Công Lý
|