Thứ Tư, 10/07/2013 08:52

DN trò chơi trực tuyến phá sản vì luật?

Ba năm kể từ khi cơ quan quản lý nhà nước dừng cấp phép trò chơi trực tuyến (game online), hầu hết các doanh nghiệp (DN) game trong nước đều dở sống dở chết.

Lợi nhuận từ thị trường game trong nước ồ ạt chảy vào túi các doanh nghiệp game nước ngoài. DN game Việt đang bị loại ngay chính trên sân nhà, hoặc chấp nhận phải vi phạm pháp luật để tồn tại, trong khi cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang loay hoay tìm cách quản lý mảng thị trường quan trọng này sao cho “có lý có tình”…

Phải dừng vì bất cập

Năm 2005, dịch vụ trò chơi trực tuyến bùng phát mạnh mẽ ở nước ta, được dư luận quan tâm, trong đó đề cập đến mặt trái của loại hình này. Đứng trước yêu cầu quản lý, Bộ Văn hóa – Thông tin, Bộ Bưu chính – Viễn thông, Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT – BBCVT-BCA ngày 01/6/2006 về quản lý trò chơi trực tuyến.

Từ thời điểm này, trò chơi trực tuyến chính thức được đưa vào quản lý. Theo đó trò chơi trực tuyến cung cấp trên thị trường phải được phê duyệt nội dung, kịch bản và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật. Mặc dù đây là lĩnh vực mới, chưa có tiền lệ bao giờ, nhưng những quy định trong Thông tư số 60 đã góp phần quan trọng đưa hoạt động này vào nề nếp.

Cho đến nay đây vẫn là văn bản duy nhất để quản lý hoạt động này.

Đến năm 2009, mới có chế tài xử phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm trong hoạt động này, quy định tại Điều 17 Nghị định số 28/2009/NĐ-CP ngày 20/3/2009 của Chính phủ.

Những quy định trên mặc dù đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động trò chơi trực tuyến phát triển, song đây là những quy định chung nhất, chưa thể bao quát toàn diện những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển, đặc biệt là những quy định về cách thức thu phí, sự phát triển mở rộng của trò chơi….

Trong quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh bất cập, rõ nét nhất là việc hạn chế giờ chơi, xác định tiêu chí bạo lực.

Cụ thể, biện pháp hạn chế giờ chơi phức tạp, chưa hiệu quả; các đại lý Internet thường hoạt động quá giờ quy định; yêu cầu khai báo thông tin cá nhân của người chơi không được thực hiện nghiêm, chưa có dữ liệu chứng minh thư điện tử để đối chiếu; còn nhiều game không thuộc diện điều chỉnh…

Sau khi Thông tư liên tịch số 60 có hiệu lực, các cơ quan chức năng đã thực hiện thẩm định về nội dung, kịch bản, về điều kiện kỹ thuật và cấp phép. Sau 04 năm đưa vào quản lý, dư luận vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tạm dừng hoạt động kiểm định, cấp phép vào năm 2010 để rà soát, đánh giá tình hình.

Và đến thời điểm này, việc cấp phép vẫn hạn chế, chỉ dừng lại ở những thể loại trò chơi mang tính giáo dục, giải trí thuần túy.

Khi nào được “quản”?

Tuy nhiên, việc tạm dừng thẩm định nội dung các game online mới chưa biết đến khi nào cấp lại đã gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh của các DN.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc Cty FPT Online, chia sẻ, “việc cấp phép hoạt động cho trò chơi trực tuyến hiện nay cũng chưa rõ ràng và không được quy định trong các văn bản cụ thể, kể cả Thông tư 60, nên FPT online đang vừa phải đi, vừa phải dò đường”.

Trong 3 năm qua, trên thị trường Việt Nam, hiện số trò chơi trực tuyến được cấp phép còn đang chơi là 73 trò nhưng số lượng thực tế trên thị trường lên tới hàng trăm, chưa kể game dành cho điện thoại di động có thể truy cập internet.

Ông Nguyễn Lâm Thanh (Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam), cho rằng, cơ quan quản lý chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cách phân biệt thế nào là game bạo lực, thế nào là game giải trí. Khiến cho giữa “ma trận” các trò chơi đang lưu hành, người chơi cũng chỉ lựa chọn theo cảm tính và theo sự hướng dẫn thiếu chuyên nghiệp hoặc có tính vụ lợi của đại lý game, còn các công ty nội dung số, các công ty cung cấp game hoạt động hợp pháp trong nước không phát triển được các game online mới.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Bộ này đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc tiếp tục thẩm định và cấp phép theo thẩm quyền đối với trò chơi trực tuyến có nội dung thuần túy giải trí và giáo dục trong khi Chính phủ chưa ban hành văn bản mới thay thế Thông tư 60.

“Bộ cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet. Trong thời gian tới, Nghị định này sẽ sớm được ban hành” – ông Bảo cho biết thêm.

Hoàng Thủy - Hồng Vân

Pháp luật Việt nam

Các tin tức khác

>   Nissan Việt Nam xin giãn thuế (10/07/2013)

>   Lật tẩy đường dây “ma” mua bán titan (10/07/2013)

>   Xuất khẩu dệt may đạt 8,9 tỷ USD (09/07/2013)

>   EVN đã huy động đến nguồn điện đắt nhất (09/07/2013)

>   Sản xuất, kinh doanh có thể khởi sắc cuối năm 2013 (09/07/2013)

>   Cho doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường vay 1.960 tỷ đồng (09/07/2013)

>   Vì sao chọn Sân bay Long Thành, không mở rộng Tân Sơn Nhất? (09/07/2013)

>   Viettel: Những chiến binh - doanh nhân (09/07/2013)

>   Kinh tế Đà Nẵng, những dấu hiệu “cần đặc biệt quan tâm” (09/07/2013)

>   Vốn nước ngoài đổ vào sản xuất (09/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật