Thứ Tư, 26/06/2013 11:11

Xăng dầu lại ỷ thế “con cưng”

Bị truy thu thuế nhập khẩu hàng chục tỷ đồng nhưng ngay lập tức đã đệ đơn kêu cứu lên tận Chính phủ - đây là trường hợp của Công ty cổ phần lọc hóa dầu Nam Việt sau khi bị Hải quan TP Hồ Chí Minh truy thu 26 tỷ đồng thuế nhập khẩu liên quan đến hoạt động tạm nhập nhưng không tái xuất xăng dầu. Sự việc này một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi: Những DN xăng dầu lại bắt đầu ỷ thế "con cưng”?

Với lý do hoạt động nhiều năm không hiệu quả, các đơn vị đầu mối xăng dầu đều bị lỗ nên ngân hàng kiểm soát dòng tiền của DN rất chặt chẽ; Trong khi, đặc thù của các DN đầu mối xăng dầu là yêu cầu vốn lưu động lớn, phụ thuộc vào vốn vay ngắn hạn của ngân hàng. Thêm vào đó, tình hình sản xuất kinh doanh hết sức khó khăn… vì vậy Công ty cổ phần lọc hóa dầu Nam Việt (Nam Việt Oil) đã đệ đơn lên Chính phủ than rằng, hiện DN không đủ tiền để nộp bổ sung khoản thuế như yêu cầu của cơ quan hải quan.

Trước đó, ngay khi bị hải quan yêu cầu truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế, dư luận cũng đã chứng kiến "ông lớn” Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ngay lập tức đã có đơn đề nghị các cơ quan hữu trách không truy thu thuế đối với các lô hàng xăng dầu tạm nhập, nhưng không tái xuất hết mà chuyển tiêu thụ nội địa trong năm 2012. Trong đề nghị này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Petrolimex cho biết, Petrolimex đã nhận được thông báo ấn chỉ truy thu từ các cơ quan hải quan địa phương sau khi tính lại, hồi tố cho toàn bộ các lô hàng tạm nhập, nhưng không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa trong năm 2012. Theo lãnh đạo Petrolimex, việc Bộ Tài chính chỉ truy thu năm 2012 khiến Tập đoàn đang chịu một khoản lỗ kinh doanh nội địa do phải thực hiện nhiệm vụ chính trị và chỉ đạo của Chính phủ, nay lại phải chịu một khoản lỗ không phải do lỗi DN.

Dư luận từ lâu đã không còn lạ gì thực trạng các tổng công ty, tập đoàn, DN thuộc hàng "con cưng” của Nhà nước khi làm ăn có lãi thì hưởng thụ, song hễ khó khăn là y như rằng, họ lại ỷ lại sự bao bọc của Nhà nước – người mẹ với "bầu sữa” tưởng chừng không bao giờ cạn, sẵn sàng che chở cho bất cứ khó khăn nào của những đứa "con cưng”.

Và dường như sự nuông chiều ấy đã dẫn đến thực trạng, hễ có một sự cố nào đó, là các DN ngay lập tức lên tiếng cầu cứu "mẹ”. Có một thực tế rằng, cứ khi nói đến câu chuyện giá cả, là các "ông lớn” xăng dầu lại bắt đầu đưa ra lý lẽ "cần hướng giá tới cơ chế thị trường” để dễ dàng biện hộ cho mục đích đòi tăng giá của mình. Song đáng lẽ, nếu theo cơ chế thị trường thì họ cũng cần phải xác định quy luật "lời ăn lỗ chịu”. Tuy nhiên, phi lý là ở chỗ, lời thì họ ăn, lỗ thì họ lại kêu ca tới cấp Nhà nước, cấp Chính phủ, mong được sự che chở, nới rộng vòng tay.

Cứ nhắc đến những đặc quyền, đặc lợi, những ưu ái mà các DNNN được thụ hưởng, người ta lại buộc phải nhớ đến trường hợp của Vinashin, Tập đoàn "con cưng” này đã thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng do làm ăn không hiệu quả. Và kết cục, sự thua lỗ ấy, Nhà nước phải gánh. Tiếp đến phải kể tới Tập đoàn Sông Đà đã đầu tư vượt vốn điều lệ, vi phạm quy định của Bộ Tài chính trên 2.355 tỷ đồng. Và hàng loạt các ông lớn khác làm ăn thua lỗ, thất thoát vốn của Nhà nước lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Những sai phạm đó, ai gánh chịu ngoài "người mẹ” mang tên "Nhà nước” rất cưng chiều những đứa "con cưng”.

TS Nguyễn Đình Cung - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã từng chỉ ra nguyên nhân sự làm ăn kém hiệu quả và nhiều sai phạm ở tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước là do được hưởng quá nhiều ưu ái, đặc quyền, đặc lợi. Các đơn vị kinh tế này thường chiếm độc quyền, thống lĩnh các ngành kinh tế quan trọng, nhưng lại không phải chịu chi phối bởi nguyên tắc thị trường "lời ăn, lỗ chịu”.

Quay trở lại câu chuyện các "ông lớn” xăng dầu bị truy thu thuế nhập khẩu do tạm nhập nhưng không tái xuất xăng dầu, động thái đệ đơn kêu cứu lên Chính phủ của Việt Nam Oil cùng những kêu than của Petrolimex với mong muốn không bị truy thu những khoản thuế nói trên, chỉ càng minh chứng cho tính ỷ thế đặc quyền đặc lợi, vốn đã quen được ưu ái, nuông chiều của các DN "con cưng”.

Thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu là 10 ngày

Bộ Công thương vừa ban hành dự thảo lần 4 sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu được. Cụ thể, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá vẫn giữ nguyên là 10 ngày theo quy định hiện nay (tối thiểu đối với tăng giá và tối đa với giảm giá), thay cho khoảng cách 15 ngày được đề xuất trong bản dự thảo lần trước.

Về điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu, sẽ để thương nhân đầu mối tự điều chỉnh nếu giá cơ sở giảm trong phạm vi 6% so với giá bán lẻ hiện hành. Trường hợp giá cơ sở giảm trên 6%, sau khi áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính như thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá..., thương nhân đầu mối được tiếp tục giảm giá bán lẻ. Quy định sẽ không hạn chế khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.

Ngược lại, khi giá xăng dầu thế giới tăng làm giá cơ sở biến động trong phạm vi 5%, thương nhân đầu mối được quyền chủ động tăng giá bán lẻ.

Trường hợp các yếu tố cấu thành làm giá cơ sở tăng từ trên 5 đến 8%, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá 5% cộng thêm 40% của phần tăng thêm, 60% còn lại sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp. Tuy nhiên, nếu quá 2 ngày làm việc kể từ khi điều chỉnh tăng giá thêm 40% mà không nhận được văn bản trả lời của cơ quan quản lý về phần sử dụng quỹ bình ổn, thương nhân đầu mối được điều chỉnh tăng giá xăng dầu bán lẻ tương đương giá cơ sở.

Trường hợp giá cơ sở tăng trên 8% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải báo cáo cơ quan quản lý và trong 5 ngày làm việc sẽ có biện pháp bình ổn nhằm bảo đảm giá bán xăng dầu tương đương giá cơ sở, không ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nếu sau 5 ngày mà không nhận được văn bản điều hành, thương nhân đầu mối được chủ động tăng giá với mức tương đương giá cơ sở.

Hồ Hương


Minh Phương

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Xăng dầu: Cuộc chơi vẫn của các 'ông lớn' (26/06/2013)

>   Sửa Nghị định về xăng dầu: Chưa xóa được bất hợp lý ! (25/06/2013)

>   Giá dầu thô bất ngờ quay đầu tăng mạnh (25/06/2013)

>   Doanh nghiệp xăng dầu được tự tăng giá dưới 5% (25/06/2013)

>   Dầu sụt hơn 4%/tuần về sát mốc 93 USD/thùng (22/06/2013)

>   Dầu WTI lùi sâu về 95 USD/thùng, dầu Brent sụt gần 4% (21/06/2013)

>   Dầu giảm sau số liệu nguồn cung và thông tin từ Fed (20/06/2013)

>   Petrolimex ra tối hậu thư với cây xăng 'nhái' (19/06/2013)

>   Nga chuyển giàn khoan dầu từ Cuba sang Việt Nam (19/06/2013)

>   Dầu khôi phục mốc 98 USD/thùng khi căng thẳng Trung Đông tiếp diễn (19/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật