Vì sao DNNN khó minh bạch thông tin?
Để hiểu vì sao các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lại không muốn minh bạch thông tin hoạt động kinh doanh, trước hết ta cần hiểu vì sao các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán lại chấp nhận việc làm này?
Minh bạch hóa thông tin tại các công ty niêm yết
Một vấn đề cơ bản trong quản trị doanh nghiệp là sự phát sinh hiện tượng bất đối xứng thông tin trong quan hệ ủy thác - đại diện giữa người chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp. Người chủ sở hữu - bên ủy thác - giao vốn đầu tư của mình cho người quản lý - bên đại diện - điều hành các công việc kinh doanh hàng ngày trong doanh nghiệp. Người quản lý sẽ được trả mức thù lao tương ứng với mức lợi nhuận mà doanh nghiệp mang lại cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, bên đại diện thường có lợi thế thông tin hơn so với bên ủy thác. Bên đại diện thường có xu hướng khai thác lợi thế thông tin này để thu lợi cho cá nhân mình thay vì cho chủ đầu tư.
Với các công ty nơi chủ sở hữu trực tiếp điều hành doanh nghiệp thì vấn đề bất đối xứng thông tin trong quan hệ ủy thác - đại diện không phát sinh. Nhưng với các công ty cổ phần đại chúng thì đây lại là vấn đề thường trực vì quyền sở hữu và quyền điều hành được tách ra khỏi nhau. Vì lẽ đó, các công ty đại chúng thường yêu cầu phải minh bạch thông tin để bảo vệ chủ đầu tư.
Muốn minh bạch thông tin trong khu vực DNNN thì điều mấu chốt vẫn là chỉ giữ DNNN trong một số ít những lĩnh vực đặc thù, nơi các đặc quyền ưu đãi cho DNNN được hợp pháp hóa, hoặc trong các lĩnh vực thuần túy công ích. |
Về lâu dài, sự minh bạch hóa thông tin cũng mang lại lợi ích cho bên điều hành. Nếu được các nhà đầu tư tin tưởng, doanh nghiệp sẽ thường xuyên được bổ sung vốn để phát triển, nhờ đó người điều hành sẽ có nhiều quyền lực và bổng lộc hơn.
DNNN: vì sao khó minh bạch?
DNNN xét theo nghĩa rộng nhất cũng là loại hình doanh nghiệp cổ phần đại chúng với sở hữu là toàn bộ người dân. Tuy nhiên, quyền sở hữu của nhân dân được ủy thác cho Chính phủ thực thi. Chính phủ sau đó lại ủy thác cho các cán bộ quản lý điều hành DNNN.
Trên nguyên tắc, DNNN cũng phải minh bạch thông tin để duy trì sự ủng hộ của người dân để được chấp nhận bổ sung vốn phát triển. Tuy nhiên, đây lại là điều không xảy ra. Trên thị trường vốn, các chủ đầu tư nếu không đồng ý với hướng phát triển của doanh nghiệp thì sẽ bán cổ phiếu đang nắm giữ để chuyển sang các kênh đầu tư khác. Với DNNN, người dân không thể thực hiện được quyền này. Quyết định tiếp tục duy trì hay phát triển một DNNN hoàn toàn nằm trong tay các cơ quan chức năng của Nhà nước. Người dân chỉ có thể thực hiện quyền này thông qua việc tạo áp lực chính trị đối với các cơ quan chức năng liên quan của Nhà nước.
Cơ quan chủ quản DNNN thường coi DNNN như là một công cụ chính trị. Họ có xu hướng mang DNNN ra khoe nếu có kết quả kinh doanh tốt và che đậy nếu thành tích DNNN yếu kém. Nói cách khác, các cơ quan chủ quản chỉ muốn DNNN hoạt động ở mức trung bình trở lên. Để có được thành tích này, DNNN thường bị hạn chế tham gia vào các hoạt động kinh doanh mới lạ, có tính rủi ro cao, và thường xuyên được hưởng những ưu đãi nhất định từ các cơ quan chủ quản.
Các cơ quan chủ quản rõ ràng không muốn người khác thấy mình cấp các đặc quyền, đặc lợi cho DNNN. Điều này sẽ khiến cho họ gặp phải những bất lợi chính trị. Và đây chính là động cơ khiến họ không muốn minh bạch hóa các thông tin về hoạt động kinh doanh của các DNNN.
Về phía những cán bộ quản lý DNNN, mặc dù có những quy định thông thoáng hơn về mức lương thưởng cho những người làm trong lĩnh vực kinh doanh so với các công chức nhà nước, cơ chế lương thưởng tại các DNNN về cơ bản vẫn có tính hành chính và cứng nhắc. Những con số lương trả cho các tổng giám đốc, giám đốc DNNN lên tới vài chục triệu mỗi tháng, dù vẫn thấp hơn so với cùng vị trí chức vụ trong các doanh nghiệp tư nhân, vẫn gây ra những hình ảnh “phản cảm” trong dư luận.
Để có thể có được mức thu nhập cao nhưng vẫn thể hiện trong sổ sách lương vừa phải, các cán bộ quản lý của DNNN thường phải biến báo sổ sách để nhận được các loại bổng lộc khác. Và để làm được điều này thì rõ ràng họ cũng không muốn minh bạch hóa thông tin.
Như vậy, khác với các doanh nghiệp cổ phần đại chúng, việc minh bạch hóa thông tin mang lại lợi ích cho các bên ủy thác và bên đại diện thì điều này lại không đúng đối với DNNN. Việc minh bạch thông tin về hoạt động kinh doanh của DNNN sẽ dẫn đến tình huống cả cơ quan chủ quản và bộ máy quản lý DNNN đều thiệt. Việc che giấu hoặc không muốn minh bạch thông tin về hoạt động kinh doanh trở thành lợi ích cấu kết thường trực của cả cơ quan chủ quản và bộ máy quản lý DNNN để tránh những rắc rối từ công luận, tức từ ông chủ đích thực của mình.
Điều gì xảy ra nếu DNNN buộc phải công khai, minh bạch thông tin?
Nếu giả sử DNNN buộc phải công khai minh bạch thông tin như các doanh nghiệp cổ phần đại chúng thì điều gì sẽ xảy ra?
Trước hết, các cơ quan chủ quản sẽ không muốn dây dưa với những DNNN luôn làm ăn thua kém. Gắn với các DNNN làm ăn thua lỗ có thể khiến sự nghiệp chính trị của họ tiêu tan. Hay nói cách khác, sẽ có rất nhiều DNNN bị giải thể vì không cơ quan chủ quản nào muốn “quản” chúng cả.
Tiếp đến, nếu việc công khai minh bạch được thực hiện một cách nghiêm túc, sẽ có một làn sóng các nhà quản lý tốt rời khỏi các DNNN do không thể kiếm được những khoản bổng lộc ngoài lương dễ dàng như trước. Việc điều hành các DNNN sẽ rơi vào tay những người kém tài, chấp nhận với đồng lương thấp trong DNNN. Điều này khiến cho DNNN đang làm ăn kém hiệu quả sẽ càng kém hiệu quả hơn. Hậu quả là sẽ có rất nhiều DNNN bị giải thể.
Như vậy, nếu như công khai minh bạch thông tin để công luận mổ xẻ phân tích thì chắc chắn sẽ dẫn đến hiện tượng rất nhiều DNNN bị giải thể. Câu hỏi đặt ra tiếp theo là, vậy còn những DNNN nào sẽ được duy trì?
Có hai loại DNNN sẽ được duy trì. Loại thứ nhất là các DNNN luôn duy trì được thành tích lợi nhuận tốt do nằm trong những ngành được hưởng các đặc quyền ưu đãi hợp pháp của Nhà nước (như an ninh, quốc phòng, thông tin, năng lượng, tài nguyên...). Với các DNNN thuộc loại này việc đảm bảo mức lợi nhuận trung bình trở lên là hiển nhiên. Cơ quan chủ quản sẽ cảm thấy an toàn về mặt chính trị khi “quản” những doanh nghiệp này và sẵn sàng công khai minh bạch thông tin.
Loại thứ hai là nhóm các DNNN thuần túy công ích không vì mục đích lợi nhuận. Cả cơ quan chủ quản và ban quản lý doanh nghiệp đều không chịu sức ép về mặt lợi nhuận. Việc công khai thông tin sẽ giúp họ thu được cảm tình của công chúng và nhờ đó sẽ được cấp phát ngân sách để duy trì hoạt động. Họ càng thể hiện được là họ cung cấp được nhiều dịch vụ cho công chúng thì cơ hội được cấp thêm ngân sách sẽ càng lớn. Như vậy, cả cơ quan chủ quản và ban quản lý doanh nghiệp đều có lợi từ việc minh bạch thông tin.
Tóm lại, muốn minh bạch thông tin trong khu vực DNNN thì điều mấu chốt vẫn là chỉ giữ DNNN trong một số ít những lĩnh vực đặc thù, nơi các đặc quyền ưu đãi cho DNNN được hợp pháp hóa, hoặc trong các lĩnh vực thuần túy công ích. Ngoài các lĩnh vực này, hoạt động quản trị trong DNNN luôn có xu hướng chống lại việc minh bạch hóa thông tin. Nói cách khác, minh bạch hóa thông tin cũng giúp cải tổ các DNNN theo hướng tích cực như chúng ta đang mong muốn.
Đinh Minh Tuấn
TBKTSG
|