Thứ Năm, 06/06/2013 16:06

Tín dụng lãi cắt cổ 55% cũng tung khuyến mại câu khách

Các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty cho vay với lãi suất cao ngất ngưởng cũng bước vào cuộc đua khuyến mại.

Ồ ạt tung ưu đãi

Lãi suất huy động đang giảm tương đối mạnh. Lãi suất cho vay chưa có tốc độ giảm tương xứng nhưng cũng đã điều chỉnh đi xuống. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay khoảng 15%/năm. Tuy nhiên, đó là các khoản vay có tài sản đảm bảo. Còn với các khoản vay không có tài sản đảm bảo, các tổ chức tín dụng tha hồ “hét” lãi suất cao với lý do “rủi ro cao nên lãi suất cao”.

Để tránh việc khách hàng quá tập trung vào lãi suất cao, hiện tại, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, đặc biệt là tổ chức nước ngoài quảng cáo rộng rãi nhiều chương trình cho vay tín chấp, vay tiêu dùng kèm theo các khuyến mại.

Ngân hàng HSBC có chương trình “HSBC ưu đãi lớn”. Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 0% trong tháng đầu tiên. Khách hàng rất dễ tiếp cận với chương trình này vì HSBC sử dụng chính sách thủ tục đơn giản, nhanh gọn; không cần tài sản thế chấp hay bảo lãnh của công ty; giải ngân nhanh trong vòng 48 tiếng; thời gian cho vay lên tới 48 tháng.

Lãi suất thấp nhất vay tiêu dùng tại HSBC là 24%/năm

Chị Nguyệt (Minh Khai - Hà Nội) cho biết chị không ngờ thủ tục vay tại HSBC lại nhanh tới vậy. Cuối tuần trước nộp hồ sơ, đầu tuần sau chị đã nhận được điện thoại ngân hàng gọi đến lĩnh tiền. Đi kèm theo khoản giải ngân nhanh chóng là chiếc thẻ tín dụng miễn phí.

“Thú thực, thời điểm đó, tôi rất phân vân không biết có nên vay hay không vì lãi suất quá cao. Tuy nhiên, họ giải ngân nhanh quá khiến tôi không kịp thay đổi ý định, đành phải đi lĩnh tiền về” - Chị Nguyệt… than thở về việc được giải ngân quá nhanh.

Citibank lại có chương trình ưu đãi khá lạ dành cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng. Đó là không áp dụng phí phạt khi thanh toán đầy đủ trước hạn sau 12 tháng kể từ ngày giải ngân và miễn phí Citibank Online.

Điều kiện mà ngân hàng này đưa ra cũng không quá chặt chẽ khi yêu cầu khách hàng chỉ cần có thu nhập từ 10 triệu đồng.

Không có nhiều ưu đãi lớn nhưng công ty tài chính Prudential lại áp dụng chính sách lãi suất thấp cho khách hàng đã có hợp đồng bảo hiểm tại công ty này. Một số đối tượng được ưu đãi là giáo viên, giảng viên, bác sỹ, y tá, điều dưỡng.

Các tổ chức lớn ngoại quốc ít nhiều đều đưa ra các ưu đãi cho khách hàng vay tín chấp. Nhưng các khoản ưu đãi này không thấm vào đâu so với một đơn vị trong nước. Đó là Cho vay tiền.

Tại 9 phòng giao dịch của mình, Cho vay tiền treo biển khuyến mại rất khủng và thu hút được sự chú ý của người đi đường. Đó là khuyến mại tới 50 tỷ đồng cho khách hàng vay tiền.

Khuyến mại khủng, lãi suất vẫn “cắt cổ”

Mặc dù quảng cáo có nhiều ưu đãi cho khách hàng nhưng thực chất, các ngân hàng, tổ chức tín dụng lại tha hồ “rút ví” của họ với lãi suất “cắt cổ”.

Cụ thể, lãi suất mà Prudential đưa ra là 1% - 1,9% tháng (giảm dần 2% - 3% tháng), tương đương 12% - 22,8%/năm (giảm dần 24% - 36%/năm). Nhân viên tín dụng của công ty này giải thích thực chất hai mức lãi suất kể trên là tương đương nhau vì cách tính khác nhau. Mức lãi suất thấp hơn là tính theo dư nợ giảm dần, mức lãi suất cao hơn là tính theo dư nợ gốc.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên VTC News, không phải ai cũng được hưởng mức lãi suất 1%/năm. Chỉ một số ít trường hợp nhận ưu đãi đặc biệt mới được hưởng lãi suất này. Khách hàng thông thường phải chịu mức trên 30%/năm.

Các ngân hàng ngoại áp dụng lãi suất thấp hơn nhưng vẫn ở mức cao ngất ngưởng. Ví dụ, lãi suất thấp nhất tại HSBC là 24%/năm, lãi suất tại Citibank là 1,75%/tháng, tương đương 21%/năm.

Khủng khiếp nhất có lẽ là hệ thống cầm đồ, cho vay nặng lãi. Trong đó nổi bật hơn cả là Cho vay tiền. Các đơn vị này luôn treo biển lãi suất thấp chỉ… 1.500 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương 0,15%/ngày và 54,75%/năm.

Trong chương trình khuyến mại khủng 50 tỷ đồng mà đơn vị này đưa ra, khách hàng vẫn phải chịu lãi suất siêu “cắt cổ” dù có tài sản thế chấp. Theo đó, khách hàng vay trên 300 triệu đồng sẽ được hưởng lãi suất “thấp”, “chỉ” 0,12%/ngày, tương đương 43,8%/năm, khách vay trên 1 tỷ sẽ trả lãi suất 0,1%/ngày, tương đương 36,5%/năm.

Vay tại các đơn vị như thế này, khách hàng vừa phải có tài sản thế chấp, vừa phải chịu lãi suất cao hơn rất nhiều so với gói vay tín chấp tại ngân hàng (dù lãi suất tại ngân hàng vốn đã rất cao). Tuy nhiên, ưu điểm ở đây chính là thủ tục siêu tốc, chỉ cần đầy đủ giấy tờ, hiện vật, khách có thể vay ngay lập tức.

Hưởng gói khuyến mại 50 tỷ đồng, khách hàng của Cho vay tiền vẫn phải trả lãi suất 36,5%/năm

Anh Ngạn (Hưng Yên), người đến tìm hiểu thủ tục vay vốn tại Cho vay tiền trong chiều 3/6 chia sẻ dù rất cần tiền nhưng anh chưa dám quyết có nên “gửi gắm” sổ đỏ tại đây để đổi lấy 320 triệu đồng, số tiền anh đang rất cần hay không. Anh vừa lo lãi suất cao, vừa lo tính pháp lý của những đơn vị cho vay nặng lãi.

“Vay tiền ở đây thì dễ nhưng tôi lo lắm. Chỉ sau hơn 2 năm vay vốn, tôi phải trả gần gấp đôi số tiền mình vay. Nếu không may chưa có tiền trả nợ, tôi sẽ mất trắng ngôi nhà hơn 500 triệu đồng” - Anh Ngạn băn khoăn.

Rủi ro cao, lãi suất “cắt cổ”

Hiện tại, cho vay tín chấp đang có mức lãi suất cao hơn lãi suất cho vay thế chấp. Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng khẳng định vay tín chấp là một trong các cách thông đầu ra cho tín dụng. Vấn đề là lãi suất cao bao nhiêu thì hợp lý.

Lãi suất cao bao nhiêu tùy thuộc vào mức độ rủi ro của tín dụng. Nói chung lãi suất là hạng số của rủi ro. Theo ông Hiếu, rủi ro cao thì lãi suất cao, rủi ro thấp thì lãi suất thấp. Bên cạnh đó, lãi suất còn phụ thuộc vào chính sách của từng ngân hàng.

Ông Hiếu cho biết thêm vay tín chấp dựa vào lòng tin, không có tài sản đảm bảo. Có nghĩa khách hàng doanh nghiệp vay tín chấp là phải có sức khỏe tài chính tôt. Tất cả các chỉ tiêu vốn, thanh khoản, lợi nhuận, doanh thu, thị trường rất tốt, báo cáo tài chính được kiểm toán.

Với công ty có sức khỏe tài chính tốt, báo cáo minh bạch thì rủi ro thấp. Nếu rủi ro thấp thì lãi suất thấp. Thành ra không phải lúc nào vay tín chấp cũng có lãi suất cao hơn vay thế chấp. Để đạt được lãi suất thấp, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về tín dụng hết sức ngặt nghèo.

Ông Hiếu đánh giá mức lãi suất vay tín chấp từ 21% đến 36%/năm là quá cao. Nhưng có lẽ cũng cần xem xét lại. Với những khách hàng có độ rủi ro cao, ngân hàng phải áp dụng lãi suất cao.

Nếu là khách hàng cá nhân, theo ông Hiếu, đó không phải là quá cao vì khách hàng cá nhân có rủi ro cao, số tiền vay nhỏ. Vì vậy, cho vay tín chấp cá nhân thường có lãi suất cao hơn so với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dù là khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp, lãi suất gần 55% đúng là “cắt cổ”.

Bảo Linh

vtcnews

Các tin tức khác

>   Lạm phát mục tiêu và khả năng áp dụng của Việt Nam (06/06/2013)

>   HDBank và Manulife Việt Nam ký kết hợp tác toàn diện (06/06/2013)

>   BIDV sốt ruột về Công ty tái cho vay thế chấp nhà ở Quốc gia (06/06/2013)

>   Sếp phó Ngân hàng Bưu điện Liên Việt về VAMC (06/06/2013)

>   Tìm lối cho… tiền rẻ! (06/06/2013)

>   Đề xuất thành lập doanh nghiệp định mức tín nhiệm (05/06/2013)

>   Agribank: Dư nợ cho vay “tam nông” năm tháng tăng (05/06/2013)

>   Đấu thầu vàng chỉ có tác dụng ngắn hạn (05/06/2013)

>   Toàn văn Quyết định số 843/QĐ-TTg phê duyệt đề án Xử lý nợ xấu và đề án Thành lập VAMC (05/06/2013)

>   Tất toán trạng thái vàng: Các ngân hàng vẫn thiếu tới 10-15 tấn vàng (05/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật