Thứ Năm, 06/06/2013 15:52

Lạm phát mục tiêu và khả năng áp dụng của Việt Nam

Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một số đại biểu kiến nghị, một trong những chính sách chủ đạo trong phục hồi tăng trưởng kinh tế nên là chính sách lạm phát mục tiêu (LPMT). Liệu Việt Nam đã có đủ điều kiện để thực thi chính sách này?

Sự độc lập của Ngân hàng Nhà nước mới ở cấp độ thấp nhất: độc lập về công cụ sử dụng

Những điều kiện đặt ra

Khuôn khổ chính sách tiền tệ LPMT là một khuôn khổ chính sách mà ngân hàng trung ương (NHTW) sẽ trực tiếp và công khai đưa ra mức (hoặc khung) lạm phát làm mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Theo nghiên cứu thực nghiệm của Batini và cộng sự (2005) đối với 31 nền kinh tế (21 nền kinh tế áp dụng LPMT), có 4 nhóm điều kiện để theo đuổi LPMT thành công.

- Nhóm điều kiện đầu tiên là về hạ tầng kỹ thuật. Cơ chế LPMT đòi hỏi phải có: bộ dữ liệu sẵn có, tin cậy và chất lượng; có mô hình dự báo có khả năng dự báo với các giả định khác nhau; việc dự báo phải thực hiện định kỳ, hệ thống và có thể thực hiện ngay.

- Nhóm điều kiện thứ hai là sự lành mạnh của hệ thống tài chính. Hệ thống tài chính cần phát triển ở mức nhất định để đảm bảo chính sách tiền tệ sử dụng hiệu quả các công cụ thị trường tài chính, không bị chi phối bởi các biến động của thị trường tài chính.

- Nhóm điều kiện thứ ba là NHTW phải độc lập: không buộc phải cho vay chính phủ khi ngân sách thiếu hụt; được chủ động sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; đảm bảo an toàn và tự chủ trong công việc của Ban lãnh đạo NHTW; có được sự ủng hộ về chính trị cũng như phối hợp chính sách cần thiết từ chính sách tài khóa (Bộ Tài chính).

- Nhóm điều kiện thứ tư là cơ cấu kinh tế phù hợp. Giá cả phải được tự do hóa, nền kinh tế không được quá nhạy với diễn biến giá cả và tỷ giá (mức độ đô la hóa nền kinh tế phải được hạn chế) để tránh gây khó khăn cho vận dụng các công cụ chính sách tiền tệ.

Mặc dù nhận được sự đồng thuận của nhiều công trình nghiên cứu khác, nhưng không ít nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng, không nhất thiết phải đáp ứng tất cả các điều kiện trước khi bắt đầu chuyển đổi sang LPMT. Việc đảm bảo đầy đủ các điều kiện tiên quyết để thực hiện cơ chế LPMT không quan trọng bằng việc kiên định theo đuổi việc cải thiện các điều kiện trên một khi đã áp dụng cơ chế LPMT.

Khả năng áp dụng ở Việt Nam

Xét 4 nhóm điều kiện nêu trên thì mức độ đáp ứng của Việt Nam đều chưa cao.

Thứ nhất, hạ tầng kỹ thuật chưa được đảm bảo. Số liệu truy cập từ website của Tổng cục Thống kê có sự chênh lệch khá lớn khi so sánh với bộ dữ liệu của Việt Nam trong cơ sở dữ liệu của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB. Cơ quan hoạch định chính sách ở Việt Nam chưa có mô hình định lượng để dự đoán biến số vĩ mô dựa vào các kịch bản thay đổi, mà chỉ có trong các nghiên cứu ở các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu.

Thứ hai, trình độ phát triển tài chính - ngân hàng chưa cao, thiếu bền vững. Độ sâu của thị trường tài chính khá thấp và không có nhiều cải thiện trong thời gian gần đây khi thực thi thắt chặt chính sách kinh tế (xem bảng). Hệ thống ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn đầu tái cơ cấu và tồn tại một số bất cập trong xử lý nợ xấu. TTCK chưa phát triển, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn hạn chế.

Thứ ba, nhiều ý kiến cho rằng, sự độc lập của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới ở cấp độ 4, cấp độ độc lập thấp nhất (độc lập về công cụ sử dụng). Luật NHNN 2010 quy định: NHNN không độc lập với Chính phủ, mà chịu sự quản lý điều hành toàn diện về cả tổ chức và hoạt động của Chính phủ (NHNN là cơ quan ngang bộ của Chính phủ); NHNN không phải là cơ quan quyết định chỉ tiêu lạm phát (Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm, thể hiện qua quyết định chỉ số giá tiêu dùng và giám sát thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia); ngoài kiềm chế lạm phát, NHNN còn phải thực hiện nhiều mục tiêu khác (như đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, hệ thống thanh toán quốc gia).

Thứ tư, Việt Nam dường như chưa đáp ứng điều kiện về các nhân tố cơ cấu kinh tế. Dù nỗ lực tự do hóa giá cả, song nhiều mặt hàng (xăng, dầu, điện) vẫn thuộc diện quản lý giá. Hơn nữa, giá cả hàng hóa tại Việt Nam vẫn khá nhạy cảm với diễn biến giá cả thế giới (đặc biệt là giá nông sản và giá vàng) và với tâm lý người tiêu dùng. Độ nhạy cảm với kênh tỷ giá hối đoái ở Việt Nam cũng khá cao, thể hiện ở sự biến động tỷ giá.

Những đề xuất để thực thi LPMT ở Việt Nam

Song song với cơ cấu lại nền kinh tế, NHNN cần xây dựng lộ trình cải thiện và tăng cường các điều kiện tiên quyết để chuyển sang khuôn khổ chính sách tiền tệ theo LPMT khi thời cơ đã chín muồi.

Trước mắt, từ nay đến năm 2015, xây dựng mô hình dự báo phù hợp, thiết lập bộ dữ liệu về các biến số kinh tế vĩ mô và số liệu về lành mạnh của hệ thống tài chính để làm cơ sở hoạch định chính sách, đánh giá, dự đoán tình hình kinh tế vĩ mô. Việc này đòi hỏi sự phối hợp giữa 3 cơ quan chủ chốt: NHNN, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê.

Giai đoạn 2015 - 2020, nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong khu vực để tiên liệu các thách thức có thể gặp phải, đưa ra các giải pháp phù hợp trong thời gian chuyển đổi sang LPMT. Đồng thời, phát triển thị trường tài chính và các công cụ chính sách tiền tệ LPMT, giảm thiểu tác động của sự thay đổi chính sách. Có thể đến năm 2020, bắt đầu áp dụng cơ chế LPMT một phần để từng bước đi lên cơ chế LPMT toàn diện.

Nguyễn Thị Hương Thanh, Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   HDBank và Manulife Việt Nam ký kết hợp tác toàn diện (06/06/2013)

>   BIDV sốt ruột về Công ty tái cho vay thế chấp nhà ở Quốc gia (06/06/2013)

>   Sếp phó Ngân hàng Bưu điện Liên Việt về VAMC (06/06/2013)

>   Tìm lối cho… tiền rẻ! (06/06/2013)

>   Đề xuất thành lập doanh nghiệp định mức tín nhiệm (05/06/2013)

>   Agribank: Dư nợ cho vay “tam nông” năm tháng tăng (05/06/2013)

>   Đấu thầu vàng chỉ có tác dụng ngắn hạn (05/06/2013)

>   Toàn văn Quyết định số 843/QĐ-TTg phê duyệt đề án Xử lý nợ xấu và đề án Thành lập VAMC (05/06/2013)

>   Tất toán trạng thái vàng: Các ngân hàng vẫn thiếu tới 10-15 tấn vàng (05/06/2013)

>   Mua bán ngoại tệ: Ngân hàng khó, chợ đen rộng cửa (05/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật